Friday, April 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thế giới chuẩn bị Đêm Giao Thừa lặng lẽ và “dị thường” nhất từ trước tới nay

Vẫn có đếm ngược, vẫn có pháo hoa đón chào năm mới 2021 nhưng thế giới năm nay sẽ bước vào năm 2021 khá tĩnh lặng vì Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vốn là hoạt động thu hút người dân và du khách, song vì đại dịch Covid-19, hầu như các điểm đón chào năm mới nổi tiếng trên thế giới đã cắt giảm quy mô tổ chức, khuyến cáo người dân ngắm pháo hoa từ nhà để ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Giao thừa năm nay đánh dấu một năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới lần đầu tiên đề cập tới một căn bệnh viêm phổi bí ẩn tại Trung Quốc, sau đó được đặt tên là COVID-19. Trong 12 tháng qua, COVID-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 1.79 triệu người và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng khó khăn theo những cách chưa từng diễn ra.

Tuy nhiên, những nỗ lực quốc tế đã giúp phát triển các vắc-xin phòng COVID-19 trong thời gian nhanh kỷ lục. Sau Pfizer-BioNTech và Moderna, “ứng viên” do Oxford và AstraZeneca phát triển đã trở thành loại vắc-xin thứ ba được các nước phương Tây thông qua.

Màn đón chào năm mới thu hút sự chú ý nhất thế giới tại Quảng trường Thời đại ở TP New York, Mỹ –  được gọi là “Ngã tư đường của Thế giới” năm nay sẽ có chút khác biệt vì đại dịch Covid-19.

Nhiều điểm hút khách đón năm mới trên thế giới đóng cửa -0
Quảng trường Thời Đại sẽ hủy bữa tiệc đón mừng năm mới (Ảnh: Travel+Leisure)

Quả cầu pha lê khổng lồ vẫn được thả xuống để tri ân những người ở tuyến đầu và gia đinh của họ trong cuộc chiến chống Covid-19. Nhưng lần đầu tiên trong hơn 100 năm qua sẽ không tổ chức bữa tiệc mừng năm mới tại Quảng trường Thời đại.

Cảnh sát TP New York dự kiến sẽ phong tỏa khu vực Quảng trường và toàn bộ lễ thả quả cầu đón năm mới sẽ được phát trực tuyến trên các trang TimesSquareNYC.org, NewYearsEve.nyc, Livestream.com/2021 và TimesSquareBall.net.

Người dân Sydney được khuyến cáo ngắm pháo hoa từ nhà. (Ảnh: ABC)

Tại Úc, chính quyền Thành phố Sydney (New South Wales) thông báo vẫn tổ chức màn đón pháo hoa ở cầu cảng Sydney nhưng sẽ thu hẹp lễ đón giao thừa, ban lệnh cấm tụ tập đông người và kêu gọi người dân ở nhà, xem màn bắn pháo hoa nổi tiếng sẽ rút ngắn xuống 7 phút trực tiếp trên truyền hình thay vì tới tận nơi như những năm trước.

Thủ hiến tiểu bang New South Wales, bà Gladys Berejiklian nói: “Vào đêm giao thừa, chúng tôi không muốn có bất kỳ đám đông nào tụ tập”.

Nhiều điểm hút khách đón năm mới trên thế giới đóng cửa -0
Màn pháo hoa tại một thành phố đông bắc Nhật Bản ngày 30/12 để cầu mong những điều xấu của năm cũ mau qua. (Ảnh: Kyodo) 

Tại Nhật Bản, Quận trưởng Hasebe Ken đã quyết định hủy sự kiện đếm ngược chào năm mới tại giao lộ Shibuya do lo ngại đại dịch Covid-19. Theo đó, các màn hình quảng cáo khổng lồ trên các tòa nhà hướng ra giao lộ nổi tiếng gần ga Shibuya ở Tokyo sẽ tắt từ 11 giờ vào đêm giao thừa năm nay, nhằm giảm số người tụ tập trong bối cảnh đại dịch.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng hối thúc người dân đón năm mới trong yên lặng, tránh các động ra ngoài không cần thiết trong bối cảnh số ca Covid-19 mới tại nước này không ngừng gia tăng.

Tại Trung Quốc, thủ đô Bắc Kinh đã hủy nhiều hoạt động đón năm mới lớn, trong đó có Hội chợ Sách Bắc Kinh 2021, đồng thời yêu cầu các công ty lữ hành không bán các gói du lịch trong thành phố trong dịp nghỉ lễ Năm mới Dương lịch và Âm lịch.  

Hàng triệu du khách Trung Quốc năm nay cũng hạn chế các chuyến đi chơi xa dù giá vé máy bay giảm gần 20%. Người dân Trung Quốc chọn du lịch tới các thành phố lân cận, hạn chế rời khỏi tỉnh. Theo nền tảng du lịch trực tuyến Qunar.com của Trung Quốc, lượng đặt phòng khách sạn cho kỳ nghỉ đón Năm mới ba ngày cuối tuần này đạt gấp 1.8 lần so với một năm trước nhưng tất cả đều cho các chuyến đi ngắn ngày, và có xu hướng đi lại bằng tàu.

Trong khi đó, chính quyền nhiều khu vực tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng thu hẹp các sự kiện đón năm mới, yêu cầu người dân ngắm pháo hoa và các lễ hội khác tại nhà sau khi hòn đảo này ghi nhận ca mắc Covid-19 do chủng biến thể tại Anh.

Nhiều điểm hút khách đón năm mới trên thế giới đóng cửa -0
Chính quyền Hồng Kông phát trực tuyến hoạt động đếm ngược và bắn phá hoa đón năm mới. (Ảnh: HKTB)

Theo Tổng cục Du lịch Hồng Kông (Trung Quốc), hoạt động đếm ngược và bắn pháo hoa đón năm mới sẽ được phát trực tuyến trên mạng. Cơ quan này cho hay, các nền tảng mạng xã hội sẽ bắt đầu hiển thị đồng hồ đến ngược trực tiếp từ 23 giờ ngày 31/12.

Tại Đông-Nam Á, tất cả các sự kiện đông người tại thủ đô Bangkok, bao gồm sự kiện đếm ngược đón năm mới Amazing Thailand Countdown 2021 đều bị hủy bỏ, thay vào đó là màn bắn pháo hoa dọc sông Chao Phraya ở thủ đô Bangkok vào đêm 31/12. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) sẽ kết hợp với các cơ quan, hiệp hội và doanh nghiệp dọc sông Chao Phraya biến sự kiện đếm ngược đón năm mới thành một “lễ kỷ niệm bình thường mới” giữa đại dịch.

Nhiều điểm hút khách đón năm mới trên thế giới đóng cửa -0
Màn bắn pháo hoa dọc sông Chao Phraya sẽ được phát trực tuyến nhằm tránh tụ tập đông người. (Ảnh: TheBangkokPost) 

Mặc dù lo ngại việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của thành phố Pattaya vốn phụ thuộc nặng nề vào du lịch, song Thái Lan vẫn quyết định đóng cửa  TP Pattaya và các khu vực lân cận từ ngày 30/12 nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia quyết định hủy tổ chức các buổi trình diễn ca nhạc ngoài trời đêm giao thừa, không bắn pháo hoa, đồng thời cấm tụ tập đông người. Hầu hết rạp chiếu phim, quán bar, cửa hàng giải trí đều đóng cửa và các trung tâm mua sắm, điểm du lịch lớn ở Kuala Lumpur không tổ chức lễ đón giao thừa như mọi năm.

Thậm chí các thành phố tại Đài Loan cũng phải thu hẹp quy mô các hoạt động đón chào Năm mới. Sau khi phát hiện ca nhiễm biến thể COVID-19 từ Anh đầu tiên, chính quyền yêu cầu người dân xem pháo hoa và các hoạt động ăn mừng khác tại nhà.

Nhờ vào những biện pháp ngăn ngừa sớm và hiệu quả, Đài Loan được ca ngợi vì đã giữ được dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát khi chỉ có 800 ca nhiễm và 7 người tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, chính quyền bày tỏ sự lo ngại khi trong tháng này, hòn đảo có ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên kể từ tháng Tư. Và vào ngày 31/12, Đài Loan cũng thông báo có trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể virus có nguồn gốc từ Anh.

Các thành phố lớn như Kaohsiung, Tainan, Taichung, Taoyuan, Chiayi và Keelung đều thông báo hủy bỏ tụ tập đông người tại các sự kiện như bắn pháo hoa… và kêu gọi người dân theo dõi qua Internet và TV.

Nơi bước sang năm 2021 đầu tiên trên thế giới –các quốc gia Thái Bình Dương Kiribati và Samoa cũng đón năm mới trong khác biệt. Quản lý khu nghỉ dưỡng Tuameasina gần thủ đô Apia của Samoa cho biết, họ vẫn được đón một số lượng du khách hạn chế tới đón năm mới nhưng sẽ ngừng phục vụ đồ uống có cồn từ 11 giờ đêm.

Tại Dubai, mặc dù số ca mắc Covid-19 mới thấp, chính quyền thành phố ban hành quy định đeo khẩu trang, quét mã QR với các du khách và người dân ngắm pháo hoa và màn biểu diễn ánh sáng laser đón chào năm mới nổi tiếng tại tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa.

Hôm Thứ Tư (30/12), Anh thông báo có thêm 981 người chết vì COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao liên quan tới biến thể virus mới. Người dân được cảnh báo không tổ chức các bữa tiệc đón năm mới vì “COVID-19 yêu thích đám đông”.

Cũng trong ngày 30/12, với tổng số ca dương tính đạt 50,023 người, chính phủ đã quyết định thắt chặt các biện pháp hạn chế. Giám đốc cơ quan y tế quốc gia Anh (NHS) là Stephen Powis nói, ở nhà và chứng kiến năm 2021 “một cách tuân thủ theo các quy định” sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và áp lực lên các bệnh viện. Thủ tướng Boris Johnson cũng kêu gọi người tuân thủ các quy định và “có một năm mới an toàn tại gia”.

Pháp cho hay sẽ triển khai 100,000 cảnh sát và hiến binh để ngăn cản các bữa tiệc, cuộc tụ tập và khả năng có hành động đốt phá xe cộ… vào đêm 31/12.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin, lực lượng an ninh sẽ áp dụng nghiêm túc lệnh giới nghiêm từ 8h tối đến 6h sáng. Ông Darmanin gọi đây là một phần nỗ lực trong “cuộc chiến chống lại các cuộc tụ tập không được phép và làn sóng bạo lực đô thị”.

Cảnh sát sẽ tập trung tại các trung tâm thành phố và các khu vực “nhạy cảm”. Số lượng cảnh sát và hiến binh có mặt tương tự với con số năm ngoái.

Nước Đức hiện đang tiến hành phong tỏa một phần. Trong bài phát biểu chào mừng năm mới cuối cùng trên cương vị Thủ tướng, bà Angelan Merkel thừa nhận, 2020 là năm khó khăn nhất trong suốt 15 năm lãnh đạo chính phủ Đức của bà.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho rằng, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ “có một đêm Giao thừa lặng lẽ nhất” từ trước tới nay. (T/H, T/Q, N/D)