Monday, May 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sinh viên quốc tế Trung Quốc bảo vệ nước Úc là nơi giáo dục an toàn

Sinh viên quốc tế Trung Quốc lên tiếng bảo vệ nước Úc, là một nơi đến “an toàn” để học tập, bất chấp cảnh báo du lịch từ chính phủ Trung Cộng đưa ra kêu gọi sinh viên xem xét lại.

Những điểm chính:

•Sinh viên quốc tế nói rằng họ cảm thấy an toàn ở Úc bất chấp cảnh báo

•Các nhà giáo dục nói rằng sinh viên Trung Quốc vẫn sẽ nộp đơn vào học tại các trường đại học Úc

•Một số phụ huynh Trung Quốc đã bày tỏ mối quan tâm về việc con cái của họ học tập tại Úc

Trong một tuyên bố được công bố vào Thứ Ba, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ COVID-19 và “sự cố phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á” tại Úc.

Các nhóm chống “phân biệt đối xử” đã báo cáo có sự gia tăng phân biệt chủng tộc chống Á Châu trong đại dịch, và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả đài ABC, đã đưa ra các trường hợp mà những người có ngoại hình Châu Á bị nhắm đến do Coronavirus.

Một sinh viên quốc tế Trung Quốc họ Zheng, xin giấu tên của mình, nói rằng người Trung Quốc ở Úc, bao gồm cả sinh viên quốc tế và người Úc gốc Hoa – đang gặp khó khăn khi căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Úc leo thang.

Chàng trai 28 tuổi, đang học ngành y sinh học tại Đại học Adelaide, cho biết rằng, anh cảm thấy an toàn ở Úc trong 4 năm qua. Anh cảm thấy cảnh báo này là một “cuộc tranh cãi” ở Canberra-Bắc Kinh hơn là mối lo ngại thực sự đối với sự an toàn của hàng triệu sinh viên tại Trung Quốc.

“Cảnh báo đầu tiên (cuối tuần qua) đối với khách du lịch thậm chí không cần thiết và điều này đối với sinh viên đã đi quá xa”, anh Zheng nói.

“Nó thậm chí không thực sự bảo vệ công dân của mình, mà là một cuộc tranh luận chính trị”.

Anh Zheng tin rằng sinh viên ở Trung Quốc nên tiếp tục được quyền để chọn điểm đến du học và nói rằng anh vẫn đề nghị Úc là nơi tốt cho sinh viên Trung Quốc để ý đến.

“Tôi hy vọng rằng, các sinh viên Trung Quốc có ý định đi du học sẽ đưa ra quyết định dựa trên sự nghiệp và kế hoạch sống của họ”.

“Tôi hy vọng rằng, họ sẽ không ưu tiên cảnh báo của chính quyền về nơi họ sẽ đến”. Một trong những người bạn của anh Zheng, P. Pan, một sinh viên Trung Quốc 28 tuổi, hiện đang học Tiến sĩ tại Đại học Adelaide, nói rằng cảnh báo là “hơi quá đáng”, mặc dù anh ta đã bị phân biệt chủng tộc vài lần trong đại dịch COVID-19.

“Có sự gia tăng về nạn phân biệt chủng tộc nhắm vào người dân Trung Quốc ở Úc, nhưng đó vẫn là một nơi an toàn mà an ninh cá nhân của bạn không bị đe dọa”, anh Pan nói.

“Người dân Trung Quốc thường bị cuốn vào ‘cuộc chiến’ giữa Úc và Trung Quốc”.

“Tôi không tin cảnh báo này có bất kỳ nền tảng vững chắc nào”

Cảnh báo này được đưa ra sau khi áp dụng thuế lúa mạch và Úc thúc đẩy một cuộc điều tra về COVID-19 đã gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện truyền thông cộng đồng, với một số chỉ trích hành động của Bắc Kinh là có động cơ chính trị.

“Cuối cùng giáo dục cần phải nhường chỗ cho chính trị”, người dùng mạng Weibo Zhennunggyue nói.

“Ý thức chính trị có ý nghĩa hơn nhiều so với kịch bản thực tế. Tôi sống ở Úc và tôi cảm thấy rất tốt”, một người dùng mạng Weibo khác nói.

Bài báo mới nhất được công bố bởi đài truyền hình CCTV của chính phủ Trung Cộng đã trích dẫn báo cáo của phương tiện truyền thông Úc về sự gia tăng các sự cố phân biệt chủng tộc liên quan đến COVID-19.

“Nhìn vào sự phân biệt đối xử và tấn công gần như điên rồ chống lại các nhóm người châu Á, nhiều viên chức Úc đã chọn cách mù quáng”, bài báo viết.

Nhưng Tiến sĩ He-Ling Shi, Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Monash, nói rằng, những cảnh báo của Bắc Kinh là không công bằng.

Tiến sĩ He-Ling Shi nói: “Tôi không tin cảnh báo này có bất kỳ cơ sở vững chắc nào. Kể từ khi COVID-19 bùng phát, các trường Đại học Úc đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau và cố gắng giúp đỡ các sinh viên nước ngoài … và cũng tạo điều kiện cho việc học tập tại Úc”.

Ông cho biết Đại học Monash đã dành $15 tỷ đôla tài trợ cho sinh viên quốc tế gặp khó khăn.

“Trong khu vực của tôi, tôi không thấy bất kỳ sự phân biệt đối xử nào đối với sinh viên Trung Quốc”.

Tác động trong tương lai

Stephanie Tang là một nhà tư vấn giáo dục cấp cao có trụ sở tại Bắc Kinh và đưa hơn 200 sinh viên Trung Quốc đến Úc mỗi năm.

Bà nói rằng, về tác động của cảnh báo sẽ không được thể hiện trong thời gian ngắn, vì các sinh viên “hứng thú” đến Úc vẫn sẽ nộp đơn vào các trường đại học Úc.

“Chính phủ Trung Quốc đã thực sự thể hiện thái độ chính trị”, bà Tang nói.

“Nhưng chúng tôi chưa thấy chính sách nào cấm sinh viên Trung Quốc nộp đơn vào các trường đại học Úc”.

Bà Tang giải thích rằng, sự  thành công của nước Úc trong việc chống lại COVID-19 đã giúp nước Úc bảo đảm một số lượng lớn sinh viên Trung Quốc thể hiện sự “hứng thú” hơn đến việc học tập tại Úc so với các nơi đến khác như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

“Mặc dù rằng cảnh báo này sẽ gây tổn hại đến uy tín của Úc trong dài hạn”, bà Tang nói.

Bà Tang nhận được tin nhắn từ hàng chục phụ huynh Trung Quốc, những người bày tỏ lo ngại về sự an toàn của con em họ khi học tập tại Úc.

“Họ rất lo lắng, nhưng vẫn chưa có ảnh hưởng đáng kể nào vì tin tức mới xuất hiện”.  “Họ đang theo dõi chặt chẽ … nhưng cảnh báo sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của họ”.

Krik Yan điều hành một cơ quan giáo dục và di trú trên khắp Trung Quốc và Úc.

Ông nói rằng, có một vài phụ huynh từ Trung Quốc đã hỏi về các vấn đề an toàn ở Úc sau khi cảnh báo được đưa ra, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy sinh viên đã hủy bỏ đề nghị đại học của họ hoặc thay đổi suy nghĩ của họ.

“Tôi không nghĩ rằng cảnh báo sẽ có tác động mạnh mẽ đến lãnh vực của chúng tôi … đối với chúng tôi, chúng tôi chỉ có thể tìm hướng đi, chúng tôi chỉ có thể chấp nhận, nhưng bây giờ chúng tôi có thêm công việc là trả lời các câu hỏi như ‘Úc có an toàn không’ mà trước đây chúng tôi không phải làm”, ông nói.

“Chúng tôi không muốn thấy sinh viên Trung Quốc trở thành ‘vật tế thần’ (vì tranh chấp ngoại giao)”.

“Đó chỉ là vấn đề thời gian”

Đây không phải là lần đầu tiên mà chính phủ Trung Cộng đưa ra cảnh báo như vậy.

Năm 2019, Bắc Kinh cũng đã đưa ra một cảnh báo tương tự đối với các sinh viên Trung Quốc muốn học tập tại Mỹ, kêu gọi họ thực hiện “đánh giá rủi ro”.

“Điều này đến vào thời điểm căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã leo thang, tràn sang các lãnh vực khác như Biển Đông và các công dân Trung Quốc bị từ chối visa Mỹ hoặc bị những giới hạn áp đặt”, Tiến sĩ Pichamon Yeophantong, một giảng viên cao cấp về quan hệ quốc tế và các vấn đề Trung Quốc tại UNSW Canberra nói.

Bà hiện đang khảo sát những kinh nghiệm của các sinh viên Trung Quốc tại Úc và Mỹ.

“Trong khi cảnh báo không ‘trùng khớp’ với tỷ lệ từ chối cao của sinh viên Trung Quốc muốn học ở Mỹ bằng học bổng của chính phủ Trung Quốc vào năm 2019, thì Bắc Kinh thực sự không thể ngăn cản tất cả mọi sinh viên Trung Quốc muốn học ở Mỹ”, Tiến sĩ Yeophantong nói.

“Và trong khi các bằng chứng cho thấy cảnh báo đã khiến một số gia đình Trung Quốc nghi ngờ về những rủi ro liên quan đến việc đưa con cái của họ đến Mỹ và tìm kiếm các lựa chọn thay thế tốt hơn, dường như đã  không dẫn đến những thay đổi lớn đối với số lượng sinh viên Trung Quốc tại Mỹ”.

Tiến sĩ Yeophantong cho biết cảnh báo đối với Úc, có thể có tác động rất khác nhau đến số lượng sinh viên, vì hạn chế đi lại COVID-19, cùng với nỗi sợ phân biệt chủng tộc và sức khỏe, hứa hẹn sẽ làm trầm trọng thêm tình hình.

“Đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi các trường Đại học bị kẹt giữa một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Canberra và Bắc Kinh”,  bà nói.

“Nếu có bất cứ điều gì, đáng ngạc nhiên hơn là một cảnh báo như vậy đã không được đưa ra trước đây. Nhưng nếu không được giải quyết, vấn đề cơ bản của các sinh viên Trung Quốc phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc ở Úc sẽ vượt qua sự phẫn nộ hiện nay, với khả năng trở thành sâu sắc nguồn căng thẳng trong tương lai trong mối quan hệ song phương”.

Các Bộ trưởng đã bác bỏ cảnh báo của Trung Cộng

Các Bộ trưởng trong chính phủ Úc đã bác bỏ các cảnh báo của Chính phủ Trung Cộng về phân biệt chủng tộc ở Úc.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Dân số, ông Alan Tudge cho biết, trong khi đã có một số cuộc “tấn công” vào người Úc gốc Á, nhưng đất nước Úc vẫn rất an toàn cho sinh viên quốc tế.

“Tôi nghĩ rằng đã có nhiều trường hợp phân biệt chủng tộc chống lại những người gốc Á. Nhưng tôi nghĩ những trường hợp đó là hành động của một thiểu số nhỏ những kẻ ngốc hèn nhát”, ông nói.

“Đại đa số người Úc kinh hoàng trước những hành động đó và lên tiếng chống đối – giống như tôi và Thủ tướng đã làm”.

Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư, Simon Birmingham cho biết, đây sẽ là một tổn thất cho cả hai nước.

“Chúng ta sẽ cảm nhận được ảnh hưởng, các trường đại học của chúng ta sẽ, nếu chúng ta thấy sự suy giảm số lượng sinh viên quốc tế. Điều đó không chỉ là hiệu quả kinh tế, mà còn tác động đến sự đa dạng của việc học tập xảy ra trong các cơ sở đó và các quan điểm khác nhau mang lại”, ông nói.

Giáo dục quốc tế đã đóng góp $37.6 tỷ đôla cho nền kinh tế Úc trong năm tài chính vừa qua, theo số liệu của Chính phủ.

“Đó cũng sẽ là một mất mát đối với những sinh viên Trung Quốc, những người sẽ mất đi việc có được một nền giáo dục tiếng Anh đầy chất lượng cao ở một trong những quốc gia an toàn nhất trên trái đất”, Thượng nghị sĩ Birmingham nói.

“Và về lâu dài, nó sẽ không làm gì để giúp cho sự thông cảm về hai quốc gia của chúng ta”. (NQ)