Saturday, March 30, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hệ quả COVID-19: Căng thẳng mãn tính có thể tác động tới sức khỏe tâm thần lâu dài

78% người dân Mỹ cho rằng đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính khiến nhiều người gia tăng căng thẳng.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần quốc gia

Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) tiến hành khảo sát hằng năm về Căng thẳng ở Mỹ cho thấy, kinh tế suy giảm, phân biệt chủng tộc và xung đột chính trị đóng vai trò gây ra mức độ căng thẳng cho người dân Mỹ. Tuy nhiên năm 2020 đại dịch COVID-19 đã gây ra sự mất mát lớn về nhân mạng và nhiều người may mắn hồi phục sau COVID-19 có thể bị hội chứng gọi là “COVID-19 kéo dài”, nghĩa là, họ mắc phải những triệu chứng mãn tính sau đó.

Thậm chí, những người may mắn tránh được virus Vũ Hán cũng bị tác động theo cách khác, ví dụ như mất việc làm và tài chính bấp bênh.

Theo APA, những yếu tố này đã tạo nên “một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần quốc gia, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và xã hội trong nhiều năm tới”.

Hệ quả COVID-19: Căng thẳng mãn tính có thể tác động tới sức khỏe tâm thần lâu dài
Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự mất mát lớn về nhân mạng và nhiều người may mắn hồi phục sau COVID-19 có thể bị hội chứng gọi là “COVID-19 kéo dài”, nghĩa là, họ mắc phải những triệu chứng mãn tính sau đó. (Hình Getty)

Căng thẳng đã tác động tới người dân như thế nào?

Gần 8 trong 10 người trưởng thành (78%) nói rằng, đại dịch là nguyên nhân chính khiến họ bị căng thẳng.

Cũng vậy, cứ 2 trong số 3 người trưởng thành (chiếm 67%) nói rằng họ bị căng thẳng trong suốt thời gian đại dịch COVID-19. Gần một nửa số người lớn (49%) cho biết, đại dịch ảnh hưởng xấu đến hành vi của họ như: Căng thẳng (21%), dễ tức giận (20%), thay đổi tâm trạng (20%) và la mắng người thân (17%).

Ngoài đại dịch, cũng có rất nhiều yếu tố gây ra căng thẳng như trong báo cáo nhiều năm trước đó, bao gồm lo lắng về chăm sóc sức khỏe (66%), các vụ xả súng hàng loạt (62%), thay đổi khí hậu (55%), tỷ lệ tự tử đang gia tăng (51%), nhập cư (47%) và khủng hoảng opioid/heroin (45%).

Khảo sát cũng cho thấy sự bất ổn ngày càng tăng và lo lắng về tương lai của người dân Mỹ. Khoảng 2 trong 3 người lớn (65%) cảm thấy căng thẳng vì những sự bất ổn hiện tại ở trong nước. 3 trong số 5 người (60%) nói rằng, họ cảm thấy đất nước đang đối mặt với rất nhiều vấn đề.

Hơn 7 trong số 10 người lớn (71%) cho rằng, năm 2020 là năm tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Điều này tương phản với tỷ lệ chỉ có 56% người cảm thấy như vậy trong năm 2019.

Ai bị tác động nhiều nhất?

Tiến sĩ Iram Kazimi, chuyên gia tâm lý ở Bệnh viện Giám lý Houston (Texas) nói: “Không một nhóm tuổi, giới tính, dân tộc nào không bị tác động bởi căng thẳng liên quan tới đại dịch COVID-19”.

Tuy nhiên, một số nhóm bị tác động nhiều hơn các nhóm khác. “Các nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ và những nhóm thiểu số bị tác động mạnh nhất so với các nhóm còn lại”, Kazimi nhấn mạnh, “Phụ nữ làm việc tại nhà là nhóm bị căng thẳng hơn so với nam giới,  bởi họ vừa phải làm việc tại nhà, vừa phải chăm sóc và nuôi dạy con cái”. 

Tiến sĩ Kazimi lưu ý thêm rằng những người da màu có xu hướng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ít hơn, dù họ có tỷ lệ mắc các rối loạn sức khỏe hành vi tương tự các cộng đồng dân cư khác. 

Ngoài ra, Báo cáo Căng thẳng ở Mỹ đã nhấn mạnh Nhóm tuổi vị thành niên và thanh niên thế hệ Z (những người sinh từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010) có thể gặp rủi ro cao hơn trong đại dịch: “Phân tích trong báo cáo thật đáng báo động”, Kazimin nói. “Một nửa người trẻ, thanh thiếu niên thế hệ Z nói rằng đại dịch đã tác động tới cái nhìn của họ về tương lai, một số lượng tương tự nói rằng nó làm cho tương lai của họ dường như trở thành “không thể”.

Kazimi lưu ý, khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở thế hệ này là do “những thay đổi trong môi trường và các sự kiện được cho là chuẩn bị cho tuổi trưởng thành của họ”.

“Các cột mốc ghi dấu trong cuộc đời, như xa gia đình đi du học, lập gia đình, lễ tốt nghiệp và một số kỳ nghỉ hè… rất nhiều, rất nhiều đã bị hủy bỏ hoặc trì hoãn”, cô giải thích.

Đối với những người khác, đại dịch đã cướp đi những người thân hoặc người chăm sóc của họ, khiến họ mất đi sự hỗ trợ cần thiết cho sự trưởng thành trong tương lai.

Sự suy thoái của nền kinh tế càng làm gia tăng sự bất an vì nó khiến họ khó có thể tốt nghiệp, đi làm toàn thời gian hoặc sở hữu một ngôi nhà trong tương lai”, Kazimi nhấn mạnh.

Mary Kate Schutt, điều phối viên chương trình của Trung tâm Nâng cao Sức khỏe Cộng đồng Lerner thuộc Đại học Syracuse cho rằng: “Để duy trì sức khỏe tâm thần tốt về lâu dài, chúng ta nên kết nối với những người thân yêu và quan tâm tới người xung quanh”. Schutt cũng khuyến nghị mọi người tập thể dục, ngủ đủ giấc và ăn uống đầy đủ. (NTD)

Cần phải nói chuyện với ai đó?

Đừng đi một mình. Xin vui lòng liên hệ để được giúp đỡ.

Lifeline: 13 11 14 hay lifeline.org.au

Beyond Blue: 1300 22 4636 hay beyondblue.org.au

Beyond Blue’s coronavirus support service: 1800 512 348 hay coronavirus.beyondblue.org.au

Kids Helpline: 1800 55 1800 hay kidshelpline.com.au

Headspace: 1800 650 890 hay headspace.org.au

Bạn đang lo lắng? Làm bài trắc nghiệm Beyond Blue để xem bạn đang theo dõi như thế nào và liệu bạn có thể hưởng lợi từ hỗ trợ hay không.