Tuesday, November 5, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chuyện lá cờ VNCH trong một trận đá banh ở Úc


Phạm Phú Khải

Một ý tưởng hay đề nghị. Người Việt tại Úc yêu chuộng bóng đá nên thành lập một đội tuyển lấy tên Saigon Soccer Club (SSC), chẳng hạn, và chọn cờ Vàng làm biểu tượng cho mình…

Một số người Việt ở Úc mang cờ Vàng ba sọc đỏ và cờ Úc vào sân trong trận đấu Việt Nam – Úc trên sân vận động AAMI Park, Melbourne ngày 27/01/2022

Trên các mạng xã hội mấy ngày qua, một số người Việt trong và ngoài nước bị cuốn hút vào một sự kiện bên lề trận bóng đá giữa Úc và Việt diễn ra vào thứ Năm 27 tháng Giêng vừa qua. Trận đá bóng này có kết cục là Úc thắng Việt Nam 4 – 0. Nhưng vấn đề thắng thua, hay tỷ số là bao nhiêu, dường như không phải là điều nhiều người quan tâm.

Phim ảnh, hình ảnh về biểu tượng cờ Vàng bị cảnh sát tịch thu được phổ biến trên mạng xã hội đã gây sự chú ý khắp nơi. Đài BBC cũng đưa một bình luận về sự việc này. Mắt Thần, một kênh truyền thông tự nhận là “chia sẻ thông tin đa chiều”, đã thực hiện một video dài 13:17 phút về sự kiện này, có tựa đề “Bi hài cho CĐV cầm cờ 3 que vào sân bóng trận Việt Nam Úc và cái kết bị túm gọn”. Ngoài ra, được biết chương trình phát sóng trực tiếp trên VTV về trận đấu này đã bị trì hoãn 10 phút, là điều khá bất thường. Nhưng không thấy các cơ quan truyền thông chính mạch đưa tin hay luận bàn gì về chuyện này cả. Họ không bận tâm về những chuyện không liên quan đến họ.

Xem xong video do Mắt Thần thực hiện và đọc một số nhận định chia sẻ trên Facebook, tôi cảm thấy cần phải viết một bài để rộng đường dư luận. Thành thật mà nói tôi không muốn viết về đề tài lá cờ nữa. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian rồi. Nói hoài vẫn không đi đến đâu; cũng không thay đổi được gì; cũng không thay đổi được chính mình hay người khác. Chuyện cờ đã làm cho chúng ta quá chia rẽ và nhất là, làm mất tập trung vào các vấn đề chính quan trọng hơn. Trong khi đó, vấn đề lá cờ là chuyện của quá khứ và lịch sử, nhưng chỉ có thể giải quyết ở tương lai khi Việt Nam có một chính thể khác. Vì vậy với tôi, nói về chuyện cờ trong lúc này chỉ rơi vào cái bẫy của sự phân tán tư tưởng.

Tuy thế, qua sự kiện này, tôi nhận thấy hiện đang có một số người Việt rất quan tâm vì họ không hiểu vì lý do gì cờ đỏ thì được tung hô tại Úc, còn cờ vàng thì bị tịch thu (trong sân vận động). Đi xa hơn, có người thắc mắc phải chăng chính quyền Úc đi đêm với nhà nước Việt Nam hiện nay? Úc có bán đứng cộng đồng Việt Nam, là những người từng là đồng minh chiến đấu và hy sinh vì tự do trong cuộc chiến Việt Nam? Cũng có người hoang mang không biết rồi đây vị thế của cờ Vàng trong tương lai sẽ ra sao? Cờ Vàng có còn được sử dụng trong các nghi lễ trước đây như ngày Anzac Day mà cộng đồng Việt Nam vẫn luôn vẫy cờ trong các buổi diễn hành cùng với các cộng đồng sắc tộc khác không? V.v…

Bởi những nghi vấn trên mà tôi thấy cần phải viết bài này với 3 lý do chính. Một, để trình bày một số vấn đề căn bản về tự do biểu đạt (freedom of expression) trong một nền dân chủ pháp quyền như tại Úc. Hai, để những kênh truyền thông tự nhận là chia sẻ thông tin đa chiều, như Mắt Thần, nên cẩn trọng khi thực hiện các video nói về cờ Vàng hay nói về cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Ba, để tất cả những ai thật sự yêu chuộng tự do dân chủ và nhân quyền có những thái độ thích hợp trong tương lai khi muốn biểu dương lá cờ, trong đó có cờ Vàng.

Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Victoria đã tổ chức một buổi họp và đã ra một thông báo kêu gọi bà con khi đi xem trận đấu nên mang theo cờ Úc và cờ Vàng (cờ Việt Nam Cộng Hòa) để ủng hộ đội tuyển Úc Socceroos.

Chuyện bóng đá, chính trị và cờ

Kênh truyền thông Mắt Thần, hay các tuyên bố của Ủy ban Thế vận hội Quốc tế hay của Úc, của chính quyền Bắc Kinh hay Việt Nam, nói rằng “bóng đá là đoàn kết và phi chính trị”, hay thể thao không nên bị chính trị hóa v.v…

Thể thao, tự bản chất, là một cuộc thi tài, cạnh tranh, biểu diễn/dương sức mạnh, khả năng, tài năng v.v… Ở tầm hội nhóm/câu lạc bộ, tổ chức, cộng đồng và lớn hơn nữa, quốc gia hay quốc tế, sự cạnh tranh về sức mạnh và khả năng này được nhân lên tùy ở mức độ lớn nhỏ của sự cạnh tranh đó. Nó luôn mang tính cách bản sắc: bản sắc bộ tộc, phe nhóm, địa phương/miền, quốc gia/dân tộc hay sự liên minh trong đó. Vì thế, nếu nói thể thao không mang tính chính trị thì nó vô nghĩa. Đó chỉ là sự tuyên truyền. Ngược lại, trên thực tế, không nơi nào mà thể thao bị chính trị hóa như tại các thể chế độc tài toàn trị, đặc biệt như tại Trung Quốc hiện nay. Bắc Kinh lên án các nước Mỹ, Anh, Úc, Canada v.v… tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022, gán nhãn hiệu các nước này chính trị hóa thể thao, thế vận hội. Nhưng chính Bắc Kinh đã có bao chính sách kiểm soát toàn diện mọi hoạt động xã hội dân sự trong quốc gia mình, trong đó có thể thao. Từ cơ chế, nhân sự cho đến cách tuyển chọn, tưởng thưởng hay trừng phạt các vận động viên và những nhân sự trách nhiệm về thể thao từ mọi cấp chính quyền đều có sự chỉ đạo trực tiếp hay gián tiếp từ Bắc Kinh.

Việc đem cờ vào các sân vận động để cổ vũ cho đội nhà cũng xưa như chính bóng đá vậy. Nhưng vì người ta đã lạm dụng nó, và sự cực đoan trong hành xử đã đưa đến những xung đột hiềm khích một cách phi lý và không thể chấp nhận được. Vì thế mà đã có các chính sách hạn chế một số điều. Bên Âu châu, các câu lạc bộ và những người ủng hộ bóng đá, vì các quan điểm chính trị khác nhau, bị lôi kéo vào xu hướng ủng hộ hay chống đối hai quốc gia Do Thái hay Palestine, chẳng hạn. Không chỉ dùng cờ, họ còn lợi dụng cơ hội để viết ra các bản hiệu lên án bên này hay bên kia, đem vào sân vận động các biểu ngữ này, tạo ra những xung đột và không khí tiêu cực, sặc mùi phân biệt, kỳ thị. Những tình huống như thế làm cho các ủy ban tổ chức/điều hành thể thao, như UEFA, chẳng hạn, cảm thấy nhu cầu phải đưa ra các biện pháp thích hợp để kiểm soát tình huống, và kiềm chế hành vi các trường hợp tương tự. Họ kêu gọi phi chính trị hóa thể thao, đưa ra các điều lệ cấm sử dụng cờ quạt biểu ngữ biểu tượng, và trừng phạt những ai vi phạm.

Nhưng dù có bị phạt tiền hay bị đuổi ra khỏi sân, người ta vẫn cứ tiếp tục vi phạm, dù ít hơn. Điều rõ ràng là: Khi cái giá phải trả không cao cho những điều được thể hiện, vì sự quan tâm hay vì lý do đặc biệt nào đó, người ta vẫn sẵn sàng vi phạm.

Tại Úc, một đất nước đa văn hóa đa sắc tộc và khá đa nguyên ôn hòa trong chính trị, chính trị bản sắc (Identity politics) cũng được thể hiện trong thể thao. Nhưng đây là điều không tránh được. Cờ quạt biểu ngữ hay bất cứ biểu tượng nào để chứng minh mình thuộc về nhóm/câu lạc bộ nào từng được thể hiện trong hầu hết các trận đấu. Cho nên FFA (Football Australia) đã quyết định đưa ra một chính sách về bản sắc của câu lạc bộ (the National Club Identity Policy, NCIP) vào năm 2014. Trong đó cấm sử dụng tên, những biểu tượng có hàm ý dân tộc, quốc gia, chính trị, chủng tộc hoặc tôn giáo. Đến đầu tháng 7 năm 2019, FFA đã thay đổi chính sách này, cho phép người hâm mộ bóng đá mang cờ quốc gia vào trong sân. Lý do FFA phải buộc thay đổi chính sách là vì một trong các câu lạc bộ ‘Charlestown Azzurri’ không được sử dụng tên này vì có hàm ý nghĩa nguồn gốc Ý. Câu lạc bộ này đã kiện FFA lên Ủy ban Nhân quyền Úc (Australian Human Rights Commission), vi phạm tự do biểu đạt, đưa đến việc FFA phải cải tổ chính sách.

Tại trận đấu banh vòng loại World Cup 2022 giữa chủ nhà Úc và VN có thể thấy lá cờ VNCH xuất hiện cùng với lá cờ Boxing Kangaroo bên trong và ngoài Sân vận động Melbourne Rectangular, AAMI PARK.

Quyền tự do biểu đạt

Tại Úc, quyền tự do biểu đạt không mang tính (gần như) tuyệt đối, như tại Mỹ, chẳng hạn. Quyền tự do ngôn luận, biểu đạt nằm trong Tu Chính Án đầu tiên của Mỹ, trong Bill of Rights. Úc không có Bill of Rights, nhưng nhân quyền nằm trong Hiến pháp Úc và các đạo luật do quốc hội liên bang và các tiểu bang lãnh thổ Úc thông qua.

Hiến pháp, và pháp luật của Úc, được ban hành hoặc tu chính dựa trên các công ước quốc tế mà Úc đã tình nguyện ký kết. Bộ Tư pháp Úc cho biết Úc là thành viên của bảy công ước quốc tế về nhân quyền, mà quyền tự do ngôn luận và biểu đạt nằm trong điều 19 và 20 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Điều 19(2) ghi rằng mọi người có quyền tự do biểu đạt, “bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng thuộc mọi loại, bất kể biên giới, bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bản in, dưới hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện nào khác mà một người lựa chọn”, và điều 19(3) ghi rằng nó phải đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, và có thể phải tuân theo một số hạn chế nhất định, nhưng những hạn chế này sẽ chỉ là do luật pháp quy định và cần thiết: (a) Để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; (b) Để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức cộng đồng.

Bộ Tư pháp Úc đề nghị một số vấn đề nền tảng, khung sườn, cho những ai đang làm việc trong lĩnh vực pháp luật, chính sách hay chương trình nào đó. Chẳng hạn như quy định nội dung của bất kỳ bài phát biểu, xuất bản, phát sóng, hiển thị hoặc quảng cáo nào, hoặc quy định hình thức hoặc cách thức của bất kỳ hình thức biểu đạt nào, như biểu tình; hay đặt ra những hạn chế đối với việc sử dụng các địa điểm mà hoạt động biểu tình có thể diễn ra v.v… Nguyên tắc chung là, nếu không giới hạn tự do thì không phải quan tâm nhiều. Nhưng nếu dự trù giới hạn quyền tự do biểu đạt thì nó phải có lý do chính đáng, hợp tình hợp lý, và nhất là hợp pháp.

Trong trường hợp câu lạc bộ bóng đá Charlestown Azzurri không được dùng tên vì có gốc Ý, chính sách của FFA đã đi quá xa, phủ nhận luôn cả nguồn gốc hay văn hóa của một nhóm người. Nó phản nhân quyền. Tuy nhiên, sau khi FFA thay đổi chính sách, điều đó không có nghĩa người xem bóng đá có thể tự do muốn đem gì vào sân vận động cũng được. FFA duyệt xét lại chính sách cấm “cờ hoặc biểu tượng quốc gia, chính trị hoặc chủng tộc” mang vào trong sân, ngoại trừ những ai thuộc các đội bóng quốc tế mà đang thi đấu. David Gallop, người đứng đầu FFA cho biết các nhà tổ chức cuộc thi vẫn có quyền hành động chống lại bất kỳ khán giả nào nếu quốc kỳ đó được sử dụng để kích động thù nghịch hoặc hành vi không phù hợp. Gallop cho rằng một sự cân bằng giữa bản sắc của riêng mình và tôn trọng bản sắc người khác, sự đa nguyên và bao hàm từ mọi văn hóa nguồn gốc, là điều cần thiết.

Các sân vận động thể thao như Melbourne Cricket Ground (MCG), hay sân quần vợt Melbourne Park (Australian Open), hay Melbourne Rectangular Stadium (hay còn gọi là AAMI Park), nơi diễn ra trận đá bóng giữa Úc và Việt Nam, tất cả những nơi này, cũng có các chính sách hay quy định tương tự về tự do biểu đạt tại nơi đó. Ví dụ như, cho hay không cho phép một hay nhiều người hoặc biểu tượng nào đó vào trong địa điểm của họ. Phần lớn các luật sư riêng, hay luật sư tư vấn cho họ, nắm vững các điều lệ như thế có hợp lý và hợp pháp không, và nếu bị đưa ra kiện cáo thì có thể bào chữa và đứng vững không. Với MCG, chẳng hạn, họ đưa ra một số quy định như sau. Một, khán giả đến xem phải chấp nhận là bị lục soát bởi nhân viên có thẩm quyền (Authorised person); nếu từ chối việc lục soát hoặc nếu bị tìm thấy có những đồ cấm hoặc giới hạn trong người mình thì người đó có thể bị đuổi ra khỏi nơi đó, mà tiền vé sẽ không được hoàn trả. Liên quan đến những vật dụng được xem là đồ cấm, thì MCG cho biết, trong Điều 16 cấm ngoài chất cồn (bia, rượu), vũ khí, thú vật, v.v… không được mang vào sân, khán giả cũng không được mang vào trong địa điểm này bất cứ món gì mà nhân viên thẩm quyền xem hoặc nhận ra rằng nó có thể làm “gây cấn, nguy hiểm, độc hại và/hoặc bất hợp pháp, hoặc có thể được sử dụng, hoặc có thể được mong đợi sử dụng, làm vũ khí hoặc tên lửa, hoặc có thể gây tổn hại hoặc can thiệp với sự thích thú, thoải mái hoặc an toàn của (hoặc gây nguy hiểm cho) bất kỳ người nào hoặc an ninh tại Địa điểm”. Ngoài ra, Điều 21 của quy định vào cửa cho biết khán giả không được đeo hoặc hiển thị các biển báo hoặc biểu tượng có tính thương mại, chính trị, tôn giáo hoặc xúc phạm; hoặc phân phối tài liệu chính trị, tôn giáo, quảng cáo hoặc khuyến mãi v.v… trừ khi được cho phép trước từ cơ quan Criket Australia. AAMI Park cũng có những điều khoản tương tự như MCG, cũng dành quyền để kiểm soát, cho vào hay từ chối vật liệu hay người vào địa điểm của mình v.v…

Quyết định mang cờ Vàng vào trong sân AAMI Park của một số người Việt là vấn đề gây tranh cãi. Trước đây, nhiều người Việt chống Cộng lên án cờ đỏ xuất hiện trong trận bóng đá bên Âu châu, vì tính lợi dụng, vô duyên, dại dột, và không thích hợp. Trận đá bóng vừa qua, một số người đã tìm cách ngăn cản điều này vì cũng nghĩ rằng làm như thế cũng thật là không thích hợp chút nào, nên tôn trọng cờ Vàng với đúng giá trị của nó, thay vì lạm dụng và làm mất giá trị. Nếu muốn ủng hộ cho đội nhà Úc, chỉ cần mặc áo vàng, màu của đội tuyển Úc, là đủ rồi. Nhưng, như đã nói trên, lý lẽ không đủ để ngăn cản những người muốn làm điều này.

Chắc hẳn tòa đại sứ Việt Nam thừa biết rằng chuyện này sẽ xảy ra và đã báo cho FFA và AAMI Park biết. Ngoài ra, khi ký hợp đồng trả tiền, chắc cũng hàng triệu đô la, để phát sóng trực tiếp trận đấu này trên VTV, nhà nước Việt Nam chắc cũng yêu cầu là không muốn thấy biểu tượng cờ Vàng này trên truyền hình mà cả hàng chục triệu người Việt có thể xem trực tiếp lúc đó. Dù có điều lệ này hay không, FFA và AAMI Park cũng không muốn trận đá này có những điều xảy ra ngoài ý muốn. Họ muốn kiểm soát hình huống tốt nhất có thể. Với những quy định có sẵn, FFA và AAMI Park có quyền không cho phép tất cả những gì có biểu tượng cờ Vàng trong trận đá bóng này, hay những biểu tượng khác trong các trận đá khác. Những ai không tôn trọng thì sẽ được mời ra khỏi sân, và những gì họ mang vào thì sẽ bị tịch thu tạm thời cho đến khi khán giả ra về thì sẽ được trả lại. Cần hiểu rằng, tại Úc, muốn tịch thu tài sản của bất cứ ai, dù chỉ là món vật nhỏ trị giá một đô la, thì người thi hành nhiệm vụ có thẩm quyền vẫn phải có trách nhiệm ghi biên bản, làm biên lai rõ ràng v.v… để người bị tịch thu biết cách làm sao lấy lại.

Vấn đề phát sóng trễ 10 phút có lẽ là một quyết định mang tính chiến thuật của nhà nước Việt Nam. Họ muốn kiểm soát một cách tuyệt đối và toàn diện, như trong chính trị hay các vấn đề khác trước nay; hay với cờ Vàng trong chuyện này; hay các biểu ngữ khác lên án tố cáo vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam, để nó không có cơ hội đến tai mắt hàng chục triệu người dân Việt Nam khi xem bóng đá. Gọi đó là vấn đề an ninh quốc gia hay là sự biểu dương quyền lực của họ ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng được. Không hiểu được điều này, người ta dễ rơi vào cái bẫy của sự hoang tưởng, của chính mình hay của mục tiêu mà nhà nước Việt Nam mong muốn.

Cảnh Sát Victoria Đối Xử Bất Công Với Người Úc Gốc Việt, Thu Lấy Cờ Vàng Của Những Người Xem Trận Túc Cầu Giữa Úc và Việt Nam Tại Sân Vận Động AAMI. Ảnh chụp từ màn hình

Kênh Mắt Thần

Tôi không biết gì về kênh truyền thông Mắt Thần này trước khi xem đoạn video trên. Xem xong, tôi có một số suy nghĩ và cảm xúc lẫn lộn. Lẫn lộn, là vì mặc dầu phần lớn đoạn phim trên dùng thông tin không trung thực đúng đắn và mục tiêu thực hiện mang đầy tính tuyên truyền. Một, tuy lên án cờ Vàng và dùng kỹ thuật như dấu/chữ X để phủ nhận các biểu tượng này, các hình ảnh lồng trong này cho thấy được nét đẹp riêng của lá cờ, và có thể tạo thêm sự tò mò cho người xem về cờ Vàng. Hai, nhà nước Việt Nam vẫn xem cờ Vàng là biểu tượng phải xóa bỏ, trong tim óc, trong sách vở, trên truyền hình v.v… và vẫn là một vấn đề an ninh quốc gia. Người xem có thể đặt câu hỏi tại sao nhà nước Việt Nam lo lắng quá độ như thế? Ba, dù đoạn Video lên án phê bình một số người Việt tại Úc, Mắt Thần cũng đã trích dẫn một số tâm tư nguyện vọng của những người này về cờ Vàng, về tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, nên cũng có thể gây phản tuyên truyền cho nhà nước Việt Nam, và tạo quan tâm cho những người muốn tìm hiểu vấn đề.

Một số điều trình bày trong Video do Mắt Thần thực hiện cho thấy sự thiếu hiểu biết của họ về nhiều vấn đề khác nhau. Hãy thử nghe, hay đọc, một đoạn trong Video này nói về người Việt tại Úc, như sau (bắt đầu phút 2:00): “Ngoài một cộng đồng người Việt học tập và sinh sống [ở đây người thực hiện có lẽ ám chỉ thành phần du học sinh và những người đang làm việc tại Úc nhưng không hẳn là công dân hay thường trú nhân Úc], thì có một cộng đồng người Úc biết nói tiếng Việt. Nhóm người này trôi dạt đến Úc cách đây 40 năm, khoảng 200 ngàn người, có quan điểm đối lập với nhà nước Việt Nam. Họ luôn trực chờ phục quốc, dấu hiệu để nhận diện họ là đa phần đã già, và họ luôn đem theo cờ sọc để la ó tại các sự kiện khi có Việt Nam tham dự. Nhiều người Úc gốc Việt đã mang cờ ba sọc đỏ vào sân để cổ vũ cho đội tuyển người Việt Nam quốc gia. Nhưng cái kết là đã bị cảnh sát tịch thu, ngăn cấm vẫy cờ Vàng trên sân thi đấu, và bị dọa là sẽ bị đuổi khỏi sân… Mấy ông bà bà già sắp yếu rồi mà họ vẫn mang trong lòng hận thù dân tộc.”

Mắt Thần muốn người xem nghĩ rằng người Việt tại Úc, nhất là những người ủng hộ cờ Vàng, đều có quan điểm chống phá nhà nước Việt Nam, và đều là thành phần lưu vong, già nua và cực đoan.

Nói chung, phần lớn nội dung trong đây bị bóp méo mang tính cách một chiều: từ vai trò và trách nhiệm của cảnh sát, đến cộng đồng người Việt tại Úc, đến vai trò và giá trị của cờ vàng v.v… Nghe hay đọc đoạn văn trên, người khách quan có thể nhận thấy Mắt Thần không chỉ dùng thông tin hoàn toàn sai lệch, mà quan điểm lập trường lại thiếu hẳn tính khách quan trung thực cần có từ một kênh truyền thông đa chiều, trừ khi họ cũng trực thuộc truyền thông nhà nước. Chẳng hạn, họ mô tả cộng đồng người Việt 200 ngàn người tại Úc là nhóm người trôi dạt đến Úc cách đây 40 năm. “Trôi đạt” có nghĩa là gì? Trong khi đó, cộng đồng người Việt tại Úc đa dạng và phức tạp hơn thế nhiều. Theo thống kê năm 2016 cung cấp bởi Bộ Nội Vụ Úc (Department of Home Affairs), có 219,355 người Việt sinh tại Việt Nam đang sống tại Úc, đa số là trẻ, tuổi trung bình là 45, chỉ có 10.6% là trên 65 tuổi. Đó là chưa kể những người thuộc thế hệ hai hay ba sinh trưởng tại Úc. Từng đợt sóng người Việt đến Úc như từ năm 1971 đến 1980 sẽ có hoàn cảnh khác với người đến vào đợt 1980 đến 1990, 1990 đến 2000, hay 2000 đến 2010, và 2010 đến nay. Đa số những người đến Úc trong thập niên 1970 và 1980 là thuyền nhân, một phần là từ các trại tị nạn, cũng có người đi trực tiếp đến lãnh địa Úc, nhưng phần khác là đi theo diện đoàn tụ gia đình, từ các trại tị nạn và từ Việt Nam. Số thuyền nhân đến Úc trực tiếp Úc chỉ chừng 2000 người. Còn lại là từ các trại tị nạn vân vân…

Tại sao người Việt lại bỏ nước ra đi như thế? Có rất nhiều nguyên do. Tài liệu về vấn đề này thì vô số, từ các tổ chức uy tín, độc lập như Liên Hiệp Quốc, các chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức nhân quyền v.v… Họ cũng có thể đọc trang lịch sử do Viện Bảo Tàng Úc thực hiện, chẳng hạn.

Vài lời kết

Đối với kênh Mắt Thần, lời chia sẻ của tôi là mong quý vị, khi làm video để nói về một sự kiện nào đó, thì nên dành thời gian tìm hiểu kỹ càng. Như về cộng đồng người Việt, nền chính trị và luật pháp Úc, tính chính trị trong thể thao v.v… Và nên có tinh thần khách quan để có được thông tin đúng đắn, trung thực và đầy đủ. Đó là điều căn bản nhất khi làm truyền thông. Những dữ kiện này, cộng với cách phân tích và lý giải sự kiện một cách khoa học, thì sản phẩm thực hiện tự nó sẽ thuyết phục hơn. Tuyệt đại đa số các cơ quan/kênh truyền thông tại Việt Nam trực thuộc nhà nước. Việt Nam cần có nhu cầu độc lập truyền thông, không cần thêm những cái loa tuyên truyền nữa.

Đối với những người yêu chuộng cờ Vàng, biểu tượng mà họ cho là thiêng liêng nhất, thì khi biểu dương cờ Vàng họ cũng cần sự cân nhắc, cẩn trọng. Cách thể hiện, hay không thể hiện, của chúng ta sẽ cho thấy chúng ta thật sự yêu quý và trân trọng điều đó ra sao. Nên tìm hiểu kỹ lưỡng luật pháp hay quy định của các nơi như AAMI Park hay MCG để không vi phạm những điều lệ họ đưa ra. Những hành động mang cờ Vàng vào một cách phi pháp, lén lút như thế, không biểu dương được chính nghĩa hay giá trị nào cả.

Sau cùng, đối với những ai hoang mang rằng tự do biểu đạt nói riêng, như sử dụng cờ Vàng, hay tự do nhân quyền nói chung, đang bị giới hạn hay bị vi phạm tại Úc, thì tôi mong mọi người không nên lo lắng về điều này. Úc là một nền dân chủ cấp tiến đích thực, và dầu cho dân chủ khắp nơi đang bị suy thoái, thách thức, chưa có dấu hiệu gì cho thấy nền dân chủ Úc bị lung lay đến thế. Tất nhiên chúng ta cũng phải luôn cẩn trọng để bảo vệ quyền và tự do của mình, mọi lúc, mọi nơi. Không thể nào xem tự do dân chủ là bất khả xâm phạm trong bất cứ tình huống nào. Nhưng trong sự kiện cờ Vàng vừa qua, nó là vấn đề quy định của FFA và AAMI Park là chính, không liên quan gì đến chính quyền Úc hay tiểu bang Victoria. Cũng có thể có sự thỏa thuận về phát sóng trực tiếp về Việt Nam, để sau đó nhà nước Việt Nam đình trễ 10 phút cho họ kiểm soát hoàn toàn nội dung. Nhưng đây là sự kiện riêng lẽ. Còn các hoạt động khác của cộng đồng người Việt trước nay, từ biểu dương cờ Vàng trong các sinh hoạt truyền thống tại những nơi công cộng, như Anzac Day, Australia Day, v.v… vẫn không có gì thay đổi cả. Tuy nhiên, tại các địa điểm khác như Opera House, AAMI Park , MCG, Melbourne Park (Australian Open), những quy định nơi đây khác với các địa điểm công cộng, nhưng sẽ không trái ngược với quyền tự do biểu đạt, để bảo đảm sự an toàn chung cho tất cả mọi thành phần trong xã hội.

Một ý tưởng hay đề nghị. Người Việt tại Úc yêu chuộng bóng đá nên thành lập một đội tuyển lấy tên Saigon Soccer Club (SSC), chẳng hạn, và chọn cờ Vàng làm biểu tượng cho mình, và nếu chơi thật hay với các câu lạc bộ khác, thì khi đội này thi đấu với một đội banh khác, người Việt thoải mái mang cờ vàng tung bay tại địa điểm thi đấu. Không ai có quyền lấy đi tự do biểu đạt này của người Việt yêu chuộng cờ Vàng cả. Nhưng chúng ta cần hiểu, tôn trọng và thực thi các quy định, thì chính chúng ta cũng sẽ được tôn trọng.

Phạm Phú Khải

04/02/2022 (VOA)