Saturday, May 11, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

WFH: Bị sa thải vì công ty theo dõi bàn phím


Suzie Cheikho, làm nhân viên tư vấn cho một công ty bảo hiểm Úc, bị sa thải sau khi ban lãnh đạo phân tích dữ liệu từ bàn phím laptop.

Suzie Cheikho có 18 năm cống hiến cho tập đoàn bảo hiểm IAG tại Úc. Trước khi bị sa thải, cô được phép làm việc từ xa kèm một số yêu cầu như hoàn thành tài liệu đúng hạn, tham gia các cuộc họp trực tuyến và tuân thủ quy định khi làm tại nhà.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cho rằng Cheikho không đảm bảo hiệu suất và giờ giấc công việc. Một cảnh báo được đưa ra vào tháng 11/2022 và cô bị sa thải vào 20/2. Một tháng sau, Cheikho nộp đơn kiện lên Ủy ban Công bằng Việc làm (FWC), tố cáo công ty cũ đối xử bất công.

FWC đã tiến hành điều tra và nhận thấy Cheikho không tham gia một số cuộc họp và không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tổ chức này cũng phân tích hoạt động bàn phím laptop của cô, được IAG ghi lại từ tháng 10 đến tháng 12/2022.

Suzie Cheikho. Ảnh: Facebook/Cheikho
Suzie Cheikho. Hình Facebook/Cheikho

Thống kê cho thấy Cheikho không làm đủ số giờ quy định trong 44 ngày, bắt đầu muộn trong 47 ngày, nghỉ sớm trong 29 ngày và bốn ngày không làm việc. Trong những ngày có đăng nhập, việc gõ phím được tiến hành với tần suất thấp. Cô có 117 giờ liên tục không gõ phím trong tháng 10, 143 giờ trong tháng 11 và 60 giờ trong tháng 12 của năm 2022.

Tình trạng này diễn ra trùng với khoảng thời gian công ty gửi cảnh báo về hiệu suất. “Đây là dấu hiệu cô ấy không làm việc và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu”, FWC nhận định.

Cheikho phản đối kết quả theo dõi bàn phím, cho rằng “đôi khi tiến độ hơi chậm nhưng chưa bao giờ ngừng làm việc”. Về những lúc vắng mặt, cô nói mình “đôi khi tới các cửa hàng nhưng không phải cả ngày”. Cheikho cho biết đã xem lại dữ liệu để tìm nguyên nhân nhưng chưa thể xác định vì sao số giờ làm việc của cô lại thấp như vậy.

Người đàn bà 38 tuổi hiện có gần 8,000 người theo dõi qua TikTok. Hình TikTok

“Tôi đã trải qua nhiều vấn đề cá nhân khiến sức khỏe tinh thần suy giảm. Tôi tin nó đã ảnh hưởng tới kết quả công việc”, cô cho hay.

Cheikho khẳng định đã gửi thông báo tới quản lý về lịch hẹn với bác sĩ, đồng thời cam kết làm bù thời gian. Ngoài ra, cô nghi ngờ kết quả khảo sát bàn phím laptop vì từng đăng nhập bằng thiết bị khác mỗi khi máy tính gặp “sự cố hệ thống”.

Đầu tháng 8, Thomas Roberts, Phó chủ tịch FWC, đánh giá cách giải thích của Suzie Cheikho không đủ thuyết phục, nên Ủy ban quyết định bác bỏ đơn kiện. “Lãnh đạo công ty yêu cầu Cheikho hoàn thành công việc bằng laptop, nhưng cô ấy lại sử dụng điện thoại cho một số nhiệm vụ. Người nộp đơn kiện bị sa thải một cách hợp lệ”, ông nói.

Người dùng đang thao tác trên bàn phím. Ảnh: TR
Người dùng đang thao tác trên bàn phím laptop. Hình TR

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang giám sát nhân viên chặt chẽ thông qua phần mềm. Khảo sát với 1,250 doanh nghiệp tại Mỹ do Digital.com thực hiện tháng 9/2021 cho thấy 60% công ty có sử dụng công cụ theo dõi, chủ yếu để giám sát hoạt động lướt web và ứng dụng trên máy. Gần 90% từng sa thải nhân viên sau khi vận hành phần mềm.

Các công nghệ theo dõi có thể ghi lại các ký tự gõ từ bàn phím, chụp màn hình, chuyển động của chuột, kích hoạt webcam và microphone, cũng như chụp ảnh mà nhân viên không hề hay biết. Theo hãng bảo mật Kaspersky, trong một số trường hợp, công cụ theo dõi bàn phím được dùng cho mục đích hợp pháp như thu thập phản hồi nhằm phát triển phần mềm. Tuy nhiên, tội phạm mạng cũng đang lợi dụng công cụ này để lấy cắp dữ liệu. (T/H, VNE)