Wednesday, May 15, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Truyền thông Châu Á đương đầu với chính quyền khi đưa tin về corona

Các hãng tin tường thuật về đại dịch virus corona tại Châu Á phải tránh né nhà chức trách để tường thuật về dịch bệnh này-trong đó có đe dọa bị tấn công trên mạng, hay tệ hơn nữa.

Các cơ quan truyền thông của châu lục với khoảng 3,4 tỉ dân này đang đối mặt với những rào cản lớn để có được những tin tức về cuộc khủng hoảng y tế quốc gia và những biện pháp kích cầu kinh tế kèm theo, theo các nhà phân tích theo dõi nghề báo.

Phóng viên không chỉ khó khăn trong việc gặp gỡ các nguồn tin vì tình trạng phong toả, họ còn bị các giới chức thường xuyên cản trở đi lại cũng che giấu tin tức. Các phóng viên kiên trì bị quấy nhiễu, gặp nguy cơ bị giam giữ, hay ngay cả mất tích.

Các nhà báo gặp những rào cản này vì những chính phủ độc tài, đặc biệt là Trung Quốc, kiểm soát nội dung thông tin với bàn tay sắt. Những nước khác như Ấn Độ và Philippines, thường cho phép một mức độ tự do ngôn luận nào đó, nhưng khó chịu trước những ai phản đối hay phản ánh các biện pháp khẩn cấp nghiêm ngặt nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân.

Các chính phủ tại Châu Á thiếu luật thông tin cởi mở đòi hỏi phải cung cấp chi tiết về hệ thống chăm sóc y tế yếu kém và cơ chế kích cầu kinh tế.

“Một cách tổng quát, trong giai đoạn khủng hoảng, nhà cầm quyền thường có lý do để không hoàn toàn minh bạch, vì thật khó biết điều gì đến từ hoàn cảnh và điều gì đến từ việc thiếu thiện chí của nhà cầm quyền để thông báo thông tin,” ông Cedric Alviani, giám đốc văn phòng Đông Á của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, nói.

Các nhà phân tích cho rằng hậu quả là truyền thông Châu Á tường trình về COVID-19 qua những con số có được dễ dàng, như là số lây nhiễm và số tử vong mới. Và những con số này có thể không chính xác.

Trung Quốc: Đưa tin tốt hay khỏi đưa

Trung Quốc, trung tâm dịch bệnh bùng phát với 82.692 ca được báo cáo cho tới nay, cho phép truyền thông xã hội bày tỏ ý kiến trong một giai đoạn ngắn, ông Alviani nói. Nhà cầm quyền Trung Quốc bắt bớ các nhà báo và những người bình luận kể từ đó, ông cho biết.

Ba “ký giả công dân” mất tích tại Trung Quốc trong tháng kết thúc vào ngày 11/3, Liên đoàn Ký giả Quốc tế nói.

Trung Quốc thắt chặt qui định nội dung trong bất cứ đề tài nào. Kể từ tháng 2, hầu hết tin tức đều ca ngợi công tác kiểm soát dịch bệnh và bày tỏ tin tưởng về nền kinh tế sẽ phục hồi sau đó.

Các cơ quan truyền thông Châu Á bên ngoài Trung Quốc hoặc ghi công giới lãnh đạo Trung Quốc quá nhiều hay đổ lỗi cho Trung Quốc quá nhiều trong vai trò của nước này trong đại dịch, ông Alviani nói. COVID-19 đã làm khoảng 2, 2 triệu người lâm bệnh và giết chết 147.000 người.

Nguồn tin bị cách ly, nhà báo bị quấy nhiễu

Các phóng viên tại Châu Á hiện trông cậy nhiều vào các chính phủ để có tin tức, vì phong toả làm khó tiếp xúc các nguồn tin khác, ông James Gomez, giám đốc vùng của Trung tâm Châu Á có trụ sở tại Bangkok, nói.

“Quấy nhiễu” trên mạng—một số người do chính phủ chỉ định, trong khi những người khác vì ý thức hệ- làm gián đoạn nhiều tin tức ngoài luồng, ông nói thêm, nhấn mạnh đến việc các giới chức sử dụng từ “tin giả” để gán cho các bản tin họ không thích.

“Về mặt quan điểm chính trị, những chỉ trích chế độ về cách đối phó với khủng hoảng bị bác bỏ như là tin giả, và do đó những tiếng nói chỉ trích bị quy trách nhiệm và bị trừng trị theo luật tin giả,” ông Gomez nói.

Qui định chống tin giả ở Philippines

Tại Philippine, Quốc hội đã thông qua luật ngày 24/3 hình sự hóa việc loan tin tức giả liên hệ đến COVID-19 trên truyền thông xã hội và những phương tiện khác—với đe dọa phạt tù. Manila và đảo Luzon đang đóng cửa nghiêm ngặt tác hại nhiều về kinh tế cho đến ngày 30/4.

Liên hiệp Ký giả Quốc gia, một tổ chức báo chí Philippines, đưa ra một tuyên bố chống quyền của chính phủ quyết định “điều gì đúng hay sai.”

Các giới chức tại phần đất Châu Á này cũng đang yêu cầu là các cơ quan truyền thông được công chúng tài trợ “phải phục vụ” dù những tổ chức này không do nhà nước điều hành, ông Alviani nói.

Những cáo buộc quấy nhiễu tại Ấn Độ

Các nhà báo tường trình về virus corona tại Ấn Độ đang chứng kiến mức độ quấy nhiễu mới, theo tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ). Tổ chức này trích lời của phóng viên y tế kỳ cựu Vidya Krishnan của Ấn.

Tường trình của phóng viên Krishnan nhấn mạnh đến “thất bại của chính phủ trong việc dự trữ” trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế khiến các giới chức cáo buộc đây là “tin giả” và phát sinh những vụ quấy nhiễu trên mạng, CPJ cho biết trên trang mạng của tổ chức ngày 8/4.

“Lẽ dĩ nhiên, các nước độc tài có khuynh hướng dùng chỉ trích để đẩy mạnh kiểm duyệt hay kiểm soát,” ông Alviani nói.

Tình hình tại Nhật thì ngược lại

Tại Nhật, nơi truyền thông được tự do hoạt động, các hãng tin dòng chính chỉ trích Thủ tướng Shinzo Abe.

Nhiều hãng tin chính thống và truyền thông xã hội đã chỉ trích việc công bố tình trạng khẩn cấp trễ, thiếu sót trong kế hoạch khi chỉ gởi cho mỗi gia đình hai khẩu trang, và một video ông Abe thư giãn tại nhà-trong khi dân thường bị kẹt tại nhà lo âu về cơm-áo-gạo-tiền.

Tỉ lệ chấp thuận của dân chúng đối với Nội các ông Abe giảm 5,1% cuối tháng 3 chỉ còn 40,4 %, Kyodo News loan tin.

Ralph Jennings