Friday, October 11, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang thua

Julian Gewirtz, Foreign Affairs, 11/12/2020

Người dịch: Trần Ngọc Cư

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ở Osaka, Nhật Bản, tháng Sáu, 2019. Ảnh Kenvin Lamarque/Reuters

Washington phải chứng tỏ Bắc Kinh sai lầm

Hậu quả của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump sẽ còn được tranh luận trong nhiều thập kỷ tới – nhưng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, ý nghĩa của nó đã rõ ràng. Các nhà cầm quyền của Trung Quốc tin rằng bốn năm qua cho thấy Hoa Kỳ đang xuống dốc nhanh chóng và sự suy thoái này đã khiến Washington điên cuồng cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại, lệnh cấm công nghệ của Trump và quyết tâm đổ lỗi cho Trung Quốc về việc ông ấy đã xử lý sai đại dịch COVID-19, tất cả đã khẳng định nhận thức của giới chóp bu về chính sách của Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đang cố gắng kiềm chế đất nước của họ.

Chắc chắn, ý tưởng cho rằng Hoa Kỳ tìm cách ngăn cản và kiềm chế Trung Quốc đã phổ biến trong các quan chức Trung Quốc từ rất lâu trước khi Trump lên nắm quyền. Những gì mà nhiều người Mỹ coi là những tác động gây rối loạn được gán riêng cho nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, đối với những người cầm quyền hiện tại của Trung Quốc, là một minh chứng sâu sắc cho những đánh giá đen tối nhất của họ trước đó về chính sách của Hoa Kỳ.

Nhưng Trump đã biến điều mà Bắc Kinh coi là rủi ro lâu dài thành một cuộc khủng hoảng ngay lập tức, đòi hỏi phải huy động khẩn cấp toàn bộ hệ thống của Trung Quốc. Chính quyền Trump đã tìm cách làm suy yếu sự kìm kẹp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với xã hội, buộc phải tự do hóa hệ thống kinh tế do nhà nước thống trị ở Trung Quốc và chặn đường hướng Trung Quốc lên vị trí tối cao về công nghệ. Tuy nhiên, gần bốn năm kể từ khi bắt đầu trò chơi này, các chính sách của Trump dường như đã tạo ra kết quả ngược lại trong từng lĩnh vực.

Washington cần một chiến lược đối với Trung Quốc, một chiến lược không chỉ đánh giá các khả năng và mục tiêu của Trung Quốc mà còn triệt để xét đến cung cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu biết về Hoa Kỳ và đã phản ứng với nhiệm kỳ của Tổng thống Trump như thế nào. Chiến lược này cũng phải bác bỏ quan điểm thời thượng nhưng không chính xác rằng Trung Quốc bằng cách nào đó là một thế lực không thể thay đổi, tiến theo một lộ trình bất biến và không đáp ứng lại các áp lực và khuyến khích từ bên ngoài. Hoa Kỳ có thể đưa ra một chiến lược ngăn chặn hiệu quả hơn nhiều trước hành vi gây rắc rối nhất của Trung Quốc. Nhưng để làm được như vậy, Washington phải cố gắng đảo ngược giả định của các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang xuống dốc không thể ngừng lại được.

“Con sói đang đến”

Các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã tin rằng sức mạnh của Hoa Kỳ đang suy yếu và Hoa Kỳ tìm cách cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mao Trạch Đông thích dự đoán sự suy tàn của thế giới tư bản do Hoa Kỳ lãnh đạo, so sánh nó với “một người sắp chết đuối đang chìm nhanh”. Ông thường xuyên công kích những nỗ lực của phương Tây nhằm lật đổ cuộc cách mạng cộng sản của Trung Quốc, tố cáo “bọn phản động đang cố gắng kìm hãm bánh xe lịch sử”. Những ý tưởng này tồn tại lâu hơn Mao, mặc dù chúng đã bị lung lay khi ĐCSTQ chấp nhận cải cách thị trường và khi Hoa Kỳ nổi lên như một siêu cường duy nhất sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với Trung Quốc tương đối bình yên, khiến các nhà lãnh đạo nước này tự hỏi liệu sự suy tàn tàn khốc của chủ nghĩa tư bản mà Mao dự đoán có thực sự đến hay không. Và với cách nhìn thấu đáo của chủ nghĩa Mác về các lực tác động lịch sử, họ kỳ vọng rằng viễn cảnh này sẽ, như ngày tiếp theo đêm, dẫn đến sự sụp đổ của “bọn phản động” vô vọng mà Mao nghĩ đến – những nhà lãnh đạo Mỹ, những người sẽ cố gắng kìm hãm Trung Quốc một cách vô ích.

Những ý tưởng này đã định hình thế giới quan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã nói về các mô hình xung đột trong lịch sử giữa các cường quốc bá quyền đang trỗi dậy và tàn lụi, cảnh báo về vai trò của Hoa Kỳ trong việc đẩy nhanh sự sụp đổ của Liên Xô, và đề bạt những nhân vật như Wang Huning [Vương Hổ Ninh], một cựu giáo sư luật và lâu năm cố vấn chính phủ có cuốn sách nổi tiếng nhất, “Nước Mỹ chống lại Nước Mỹ”, đã nêu bật nước Mỹ đã thiếu lý tưởng của mình đến mức nào. Nhưng ông Tập và các phụ tá của ông ban đầu tập trung hơn vào việc giải quyết sự mong manh về chính trị và ý thức hệ của hệ thống mà họ kế thừa; họ tin chắc sự suy tàn của Hoa Kỳ sẽ diễn ra từ từ.

Nhiều giới chóp bu Trung Quốc hiện nay nghĩ rằng nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã đẩy quá trình chậm chạp đó sang một giai đoạn tồi tệ mới và không thể đảo ngược. Họ đã đo lường việc Tổng thống rút khỏi các hiệp định và thể chế quốc tế cũng như thái độ coi thường các liên minh truyền thống của ông. Họ đã thấy các chính sách đối nội của Hoa Kỳ đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và phân cực, ngăn cản người nhập cư và cắt giảm tài trợ liên bang cho nghiên cứu và phát triển. Wu Xinbo [Ngô Tâm Bách], Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Phúc Đán, đã lập luận vào năm 2018 rằng “các chính sách thiếu khôn ngoan” của chính quyền Trump đã “đẩy nhanh và tăng cường sự xuống dốc của [Hoa Kỳ]” và “đã làm suy yếu rất nhiều vị thế quốc tế và ảnh hưởng của [Hoa Kỳ].” Một bài bình luận trên tờ Ta Kung Pao [Đại Công Báo] do Bắc Kinh hậu thuẫn hồi đầu năm nay cho rằng “Mỹ đang chuyển từ “suy giảm” sang “suy giảm nhanh hơn.” Niềm tin này đã trở thành tiền đề trung tâm trong chiến lược đang triển khai của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ liên kết sự xuống dốc nhanh chóng này của Mỹ với những nỗ lực tăng cường của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc; Hoa Kỳ dưới thời Trump đã đi từ một mối đe dọa tiềm ẩn, lâu dài thành nguồn gốc của những nỗ lực phối hợp, trong cụm từ ưa thích của chính quyền Trung Quốc, “đàn áp toàn diện” Trung Quốc. Năm 2018, Trump đã áp thuế đối với hàng hóa trị giá hàng chục tỷ đô la của Trung Quốc và ban hành lệnh cấm đối với các công ty viễn thông Trung Quốc Huawei [Hoa Vi] và ZTE. (Mặc dù Trump cuối cùng đã đảo ngược quyết định ZTE của mình như một sự ủng hộ đối với ông Tập, nhưng mối đe dọa đối với công ty – vốn phụ thuộc vào Hoa Kỳ với khoảng 1/4 linh kiện trong thiết bị của mình – có tính cách sống chết; các nhà phân tích đã mô tả các biện pháp gần đây hơn chống lại Huawei, tương tự, như một “bản án tử hình.”) Luận điệu của các cố vấn Trump trong quá khứ và hiện tại, chẳng hạn như Peter Navarro (trong các cuốn “Cuộc chiến sắp tới” và “Chết dưới tay Trung Quốc”) và Steve Bannon (người kêu gọi “thay đổi chế độ ở Bắc Kinh”), giúp minh oan cho những quan niệm đen tối nhất, âm mưu nhất trong giới lãnh đạo Trung Quốc.

Các hành động và luận điệu của Trump đã củng cố việc đánh giá của Bắc Kinh khi họ cho rằng hiện có một nỗ lực lâu dài của Mỹ nhằm nhanh chóng trấn áp Trung Quốc. Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng coi nỗ lực đó mang tính lưỡng đảng, với số phiếu Quốc hội gần như nhất trí về các đạo luật liên quan đến Trung Quốc và những lời chỉ trích Trung Quốc đến từ các đảng viên Đảng Dân chủ nổi bật, chẳng hạn như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Một bài xã luận từ tháng 7 vừa qua trên tờ Hoàn cầu Thời báo [Global Times] của nhà nước Trung Quốc nêu rõ: “Trung Quốc phải chấp nhận thực tế là thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc về cơ bản đã thay đổi”. Sự thay đổi trong quan điểm của giới chóp bu ở Trung Quốc là rõ ràng. Theo Wei Jianguo [Nguỵ Kiến Quốc], một cựu quan chức thương mại hàng đầu của Trung Quốc, quan điểm phổ biến ở Bắc Kinh là “bản chất của cuộc chiến thương mại là Hoa Kỳ muốn tiêu diệt Trung Quốc”. Fu Ying [Phó Oánh], một nhà ngoại giao cấp cao, đã tuyên bố vào tháng Sáu rằng mục tiêu của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc hiện nay rõ ràng là “giảm tốc độ thông qua đàn áp”, một cuộc chiến mà siêu cường đang xuống dốc “không thể để thua”. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Zhao Lijian [Triệu Lập Kiên], tuyên bố vào tháng Tám rằng Hoa Kỳ “khác xa so với cường quốc quan trọng mà họ từng là trước đây”, trong khi các nhà lãnh đạo hiện nay của họ cố gắng “làm việc để đàn áp Trung Quốc vì họ sợ sự phát triển của Trung Quốc.” Những ý tưởng này được phổ biến rộng rãi trong các tuyên bố của các quan chức và chuyên gia Trung Quốc, trên các trang báo và tạp chí của ĐCSTQ, và trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã nghĩ rằng cuộc đối đầu này có thể đến vào một ngày nào đó, nhưng nó diễn ra nhanh hơn nhiều so với những gì họ mong đợi. Shi Yinhong [Thì Ân Hoằng], một học giả hàng đầu về quan hệ quốc tế, nói với The New York Times: “Mọi người ở Hoa Kỳ và Trung Quốc đã nói rằng con sói đang đến, con sói đang đến, nhưng con sói đã không đến. Lần này, con sói đang đến.”

Hoa Kỳ dưới mắt Trung Quốc

Với những nhận thức đã ăn sâu như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã phản ứng theo những cung cách có thể dẫn đến thêm nhiều xung đột giữa các chế độ chính trị vốn đã khác nhau của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Kể từ khi Tập lên ngôi, việc Trung Quốc trở nên độc đoán và khống chế hơn bao giờ hết đã khiến các chính phủ trên khắp thế giới lo ngại. Năm 2018, Tập đã xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ của mình. Dưới sự giám sát của ông, ĐCSTQ đã công khai chấp nhận danh tính phi tự do của mình, kết hợp đàn áp trong nước – một cách tàn bạo nhất là ở Tân Cương, nơi các trại tập trung giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số khác – với những lời chỉ trích gay gắt đối với các nền dân chủ ở nước ngoài. Bất chấp lời kêu gọi của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo là “vận động và trao quyền cho người dân Trung Quốc” chống lại ĐCSTQ – một lời kêu gọi được hiểu rộng rãi ở Trung Quốc là một nỗ lực thay đổi chế độ – quyền lực của đảng đối với xã hội vẫn rất mạnh mẽ. Đảng đã tung ra các chiến dịch tư tưởng và chính trị mới trong mùa hè vừa qua. Cuộc đàn áp đi kèm với phản ứng của Trung Quốc đối với đại dịch COVID-19 đã củng cố thêm các hệ thống giám sát và kiểm soát xã hội của Bắc Kinh.

Một số quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ đã khẳng định rằng mục tiêu trong chính sách của Trump là buộc tự do hóa hệ thống kinh tế do nhà nước thống trị của Trung Quốc, nhưng ngay từ đầu cuộc chiến thương mại năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã đánh giá rằng mục tiêu của Trump là tăng cường sức mạnh thương mại [mercantilist] – ông chỉ quan tâm đến nhận được một hợp đồng được gọi là béo bở cho Hoa Kỳ. Đáp lại, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tăng gấp đôi sự lệ thuộc khu vực nhà nước để đối phó với sự bất ổn do xung đột với Hoa Kỳ. Kể từ những năm đầu nhiệm kỳ của Tập, các doanh nghiệp nhà nước đã được hưởng lợi từ các chính sách nhà nước ngày càng thuận lợi và vốn cho vay ưu đãi của ngân hàng, thường gây thiệt thòi cho các công ty tư nhân. Một nhà kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với giới chóp bu trong ĐCSTQ nói với tôi rằng ban đầu ông và nhiều đồng nghiệp tin rằng cuộc chiến thương mại của Trump là một diễn biến tích cực vì họ nghĩ rằng nó sẽ đảo ngược xu hướng này và hồi sinh cải cách thị trường. Nhưng cuộc chiến thương mại đã có tác động ngược lại: Tập đã tăng gấp đôi việc xây dựng các doanh nghiệp nhà nước “mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn” và từ chối tự do hóa kinh tế sâu hơn mà các quan chức trên khắp thế giới tìm kiếm ở Trung Quốc từ lâu.

Trong các cuộc đàm phán thương mại đạt được thỏa thuận hạn chế “Giai đoạn 1” vào tháng Giêng năm nay, Bắc Kinh đã đồng ý với một loạt cam kết mua hàng hóa của Hoa Kỳ, thay vì bất kỳ cam kết cải cách mới quan trọng nào. Các báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc thậm chí còn thả nổi việc nâng cấp mô hình kinh tế do nhà nước chi phối lên vị thế của một trong những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc – một phạm trù bất khả xâm phạm thường được dành cho các tuyên bố chủ quyền và lãnh thổ. Thật vậy, đại dịch COVID-19 đã cho nhiều người ở Trung Quốc thấy được những ưu điểm của mô hình này, với việc Tân Hoa Xã tuyên bố rằng các doanh nghiệp nhà nước “là lực lượng quan trọng và chủ lực” trong việc ứng phó với đại dịch.

Gần như không thể kiềm chế nổi nỗ lực của Trung Quốc giành lấy ưu thế tối cao về công nghệ, các hành động của Trump đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Trung Quốc tăng tốc nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước họ vào Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng cân bằng giữa việc gặt hái những lợi ích của sự phụ thuộc lẫn nhau và cách ly mình khỏi nguy cơ trở thành đối tác yếu hơn trong mối quan hệ với quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Sau khi Tập lên nắm quyền, ông ưu tiên giải quyết các nguy cơ của sự phụ thuộc lẫn nhau, bao gồm thông qua sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, nhằm mục đích khiến Trung Quốc tự cung cấp 70% trong mười công nghệ cốt lõi vào năm 2025. Tập đã tỏ ra sẵn sàng hy sinh tăng trưởng kinh tế nhân danh quyền tự chủ quốc gia, và một loạt các quan chức có tinh thần quốc tế và các chuyên gia có liên hệ với chính phủ, những người từng ủng hộ hội nhập lớn hơn đã đồng ý với ông. Li Qingsi [Lý Khánh Tứ], Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã viết rằng trường hợp ZTE năm 2018 “làm vỡ mộng những người ủng hộ việc dựa vào Hoa Kỳ để phát triển nền kinh tế của chính chúng ta” và rút ra bài học rằng “Trung Quốc phải tiếp tục truyền thống tự cường và giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài”.

Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc tăng tốc động lực tự cung tự cấp của mình, nhưng hướng đi đã rõ ràng. Một thế giới mà Trung Quốc thực sự trở nên tự chủ là một thế giới mà Hoa Kỳ có ít lợi thế đòn bẩy hơn so với Trung Quốc hiện nay. Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài về nhiều công nghệ nền tảng, bao gồm các chất bán dẫn tiên tiến cần thiết cho mọi thứ, từ máy tính cá nhân, điện thoại thông minh đến hệ thống trí tuệ nhân tạo. Vào năm 2019, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ngừng nói chuyện công khai về Sản xuất tại Trung Quốc 2025 để giảm căng thẳng trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, nhưng chính sách này vẫn tồn tại về thực chất, và một quan chức cấp cao giấu tên nói với một nhà báo Mỹ rằng ĐCSTQ “sẽ không bao giờ nhượng bộ dù chỉ một phân” các mục tiêu rộng lớn hơn của chương trình. Đầu năm nay, Tập đã cam kết đầu tư thêm 1,4 nghìn tỷ USD vào việc phát triển và triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến như mạng vô tuyến 5G, máy cảm biến và camera được nâng cấp cũng như tự động hóa.

Hoa Kỳ cũng mở rộng phạm vi ảnh hưởng lớn hơn. Căng thẳng gần đây đã trở nên đặc biệt tăng cao xung quanh sự thống trị của Hoa Kỳ đối với tài chính quốc tế, từ việc sử dụng đồng đô la cho các hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Ngay cả các quan chức theo chủ nghĩa quốc tế, chẳng hạn như cựu Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei [Lâu Kế Vỹ] đã bắt đầu cảnh báo về nguy cơ “chiến tranh tài chính” và về việc Hoa Kỳ đang làm “mọi thứ trong khả năng của mình để sử dụng các biện pháp bắt nạt [và] quyền tài phán sâu rộng” chống lại Trung Quốc.

Giới chóp bu Trung Quốc mô tả đại dịch COVID-19 là bằng chứng cho thấy Washington sẽ đả kích Bắc Kinh gay gắt khi Hoa Kỳ trở nên sa sút. Sự thất bại của Trump trong việc kiểm soát căn bệnh này, với khoảng sáu triệu ca nhiễm và gần 200.000 ca tử vong ở Hoa Kỳ vào cuối tháng 8, phản ánh những gì các nhà bình luận Trung Quốc coi là tình trạng bấp bênh của nước Mỹ. Họ gọi đại dịch là “Waterloo của lãnh đạo Mỹ” và “sự cáo chung của thế kỷ Mỹ.” Họ tin rằng Trump đã khởi động mùa bầu cử của mình bằng sự thúc đẩy chống lại Trung Quốc – ông đã gọi COVID-19 là “bệnh dịch từ Trung Quốc” và ban hành các lệnh trừng phạt mới và các biện pháp khác nhắm vào các thực thể của Trung Quốc – để đánh lạc hướng các thất bại của chính quyền ông. Nhưng nhiều tiếng nói hàng đầu của Trung Quốc tin chắc rằng bất luận kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ là gì đi nữa, thì quỹ đạo của quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đã được thiết lập bởi các lực tác động không ngừng nghỉ do sự xuống dốc và thái độ thù địch của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. “Ngay cả khi Biden thắng cử,” Yuan Peng [Viên Bằng], Chủ tịch có ảnh hưởng của các Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc của Bộ An ninh Nhà nước, gần đây đã viết, “…Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn để khẳng định lại vai trò lãnh đạo thế giới của mình… và chính sách Trung Quốc của Mỹ sẽ ngày càng trở nên siêu nhạy cảm, không khoan nhượng và kiêu ngạo khi Mỹ tăng gấp đôi nỗ lực ngăn chặn và đè bẹp Trung Quốc.”

Tập đang đưa ra các chính sách mới dựa trên những kỳ vọng này. Bắt đầu từ mùa xuân vừa qua, ông đã tiết lộ một chương trình nghị sự cho nền kinh tế nhằm định hướng lại sự phát triển kinh tế của Trung Quốc nhắm vào bên trong, dựa nhiều hơn vào thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc và ít phụ thuộc vào “thế giới bất ổn và bấp bênh hơn”. Thúc đẩy nhu cầu trong nước từ lâu đã là chủ đề bàn tán của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng Tập đã cam kết biến mức tiêu thụ nội địa lớn hơn thành trọng tâm của kế hoạch 5 năm sắp tới cho giai đoạn 2021–25. Sự thay đổi này rõ ràng là do giả định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chống lại Trung Quốc. Như một cơ quan truyền thông nhà nước đã tuyên bố một cách dứt khoát vào cuối tháng Bảy, “Không quốc gia và cá nhân nào có thể ngăn chặn tốc độ lịch sử của quá trình trẻ trung hóa vĩ đại của đất nước Trung Hoa”.

Tuy vậy, Tập muốn giảm leo thang xung đột thương mại và công nghệ với Hoa Kỳ để mua thời gian. Ông cũng muốn Trung Quốc củng cố và đa dạng hóa mối quan hệ của mình với các nền kinh tế khác trên thế giới, bao gồm cả thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, một mạng lưới dự án cơ sở hạ tầng quốc tế nhằm tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc. Trung Quốc không phi toàn cầu hóa [deglobalizing] nhiều như phi Mỹ hóa [de-Americanizing].

Niềm tin của Trung Quốc rằng Hoa Kỳ là một cường quốc thù địch và đang xuống dốc đã khuyến khích các nhà lãnh đạo của họ theo đuổi các mục tiêu lâu dài với sức mạnh mới. Quan điểm của họ về sự suy giảm của Hoa Kỳ khiến họ thấy ít rủi ro hơn khi thực hiện các lập trường có tính hiếu chiến cao, và cảm giác về sự thù địch của Hoa Kỳ, một trong số các yếu tố khác, làm tăng quyết tâm của họ trước sự phản đối của quốc tế: áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông; thực hiện hành vi tàn bạo ở Tân Cương; bắt nạt Úc, Ấn Độ và Philippines; đe dọa Đài Loan; xây dựng quan hệ đối tác mới với Iran và Nga; và để các nhà ngoại giao Trung Quốc truyền bá thuyết âm mưu về nguồn gốc của COVID-19. Với việc Hoa Kỳ rút khỏi chủ nghĩa đa phương và các định chế quốc tế, Trung Quốc đã cố gắng định hình lại các cơ quan toàn cầu, chẳng hạn như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, theo hướng có lợi cho họ. Hành vi của Trung Quốc ở những khu vực này thường trái ngược với lợi ích của Hoa Kỳ và một trật tự dựa trên luật lệ, với việc Bắc Kinh coi thường các quy tắc mà họ không thích và phá hoại các chuẩn mực và giá trị tự do.

Một chiến lược đối phó Trung Quốc hữu hiệu hơn

Chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc phải đối mặt với những thay đổi này như thế nào? Với thành tích ảm đạm trong nhiều năm qua, một số người có thể bị cám dỗ là phải cố gắng tháo gỡ những thay đổi này bằng cách trấn an Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ thực tế không có ý định kìm hãm Trung Quốc. Con đường này rất khó thành công. Tham vọng của Trung Quốc xung đột với lợi ích của Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực – và với việc Trump củng cố rất nhiều quan điểm của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ, không có biện pháp trấn an ngoại giao nào có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ bỏ nhiệm vụ bảo vệ an ninh bằng cách tăng cường kiểm soát xã hội, đẩy mạnh hệ thống kinh tế ổn định, và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Hoa Kỳ. Nỗ lực thuyết phục họ hành động khác đi vào thời điểm này dường như chỉ là lời nói rẻ tiền, trái ngược với nhận thức của họ về “bánh xe lịch sử” đang quay nhanh hơn tiến tới sự suy tàn của Mỹ. Chiến lược của Hoa Kỳ là phải tìm cách tiến lên chứ không phải lùi lại để ra khỏi khỏi tình trạng nan giải hiện nay.

Nhưng điều đó không có nghĩa là toàn bộ chương trình nghị sự của Bắc Kinh là bất biến. Quan điểm này ngày nay rất phổ biến, coi Trung Quốc không phải là một quốc gia có thể đáp ứng các áp lực và khuyến khích mà là một thế lực cứng ngắt không còn phản ứng đối với các kích thích từ bên ngoài. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng các chính sách không thành công trong vài năm qua có nghĩa là Hoa Kỳ bằng cách nào đó đã bất lực trước một Trung Quốc hùng mạnh hơn, nên chỉ có thể chặt ván tháo cầu, chuẩn bị cho một cuộc xung đột và hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ sụp đổ. Hoa Kỳ cần đến một cách tiếp cận khác – không phải bằng cách “bấm nút xoá sạch” để trở lại một thời vang bóng [a nostalgic reset] hay với một viễn kiến tiền định tất yếu đầy sợ hãi như thế.

Con đường tốt nhất về phía trước là xây dựng một chiến lược dựa trên đánh giá thực tế hơn về lợi ích của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bắc Kinh nhìn thế giới trong những điều kiện cạnh tranh và ý thức hệ khắc nghiệt, nhưng Washington vẫn có thể thúc đẩy lợi ích của mình đối với Trung Quốc. Khía cạnh tham vọng nhất – và quan trọng nhất – của chiến lược này phải là cho Trung Quốc và phần còn lại của thế giới thấy rằng Hoa Kỳ vẫn mạnh mẽ và có thể hồi sinh một cách đáng tin cậy các nguồn sức mạnh và sự lãnh đạo của mình. Các nhà cầm quyền của Trung Quốc đã xây dựng chiến lược của họ dựa trên việc đánh giá thấp Hoa Kỳ. Bằng cách đảo ngược những báo cáo phóng đại về sự sụp đổ của mình, Hoa Kỳ có thể thay đổi tính toán của Trung Quốc và tìm ra cách hướng tới sự chung sống bền vững trên những điều kiện có lợi.

Không gì quan trọng trong việc cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc bằng những gì Hoa Kỳ làm trên sân nhà của mình, là hồi sinh nền tảng kinh tế, lợi thế công nghệ và chế độ dân chủ. Tất cả những sáng kiến này sẽ rất quan trọng ngay cả khi không có cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng sự cạnh tranh với Bắc Kinh càng làm tăng thêm tính cấp bách của chúng. Các nhà hoạch định chính sách phải kiểm soát được cuộc khủng hoảng COVID-19, thực hiện các chính sách kinh tế có lợi cho tất cả người Mỹ, chào đón những người nhập cư làm giàu cho xã hội Hoa Kỳ, theo đuổi công bằng chủng tộc để cho thế giới thấy rằng nền dân chủ Hoa Kỳ có thể vẫn là ngọn hải đăng của tự do và bình đẳng, đầu tư một cách thông minh vào khả năng quốc phòng của Hoa Kỳ và mở rộng quy mô tài trợ liên bang cho việc nghiên cứu và phát triển. Chương trình nghị sự đầy tham vọng này nhằm đổi mới và tạo sức bật quốc gia sẽ làm lung lay sâu sắc nền tảng chiến lược của ĐCSTQ. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng không nên né tránh việc công khai vạch ra nhiều điểm yếu của chế độ độc tài Trung Quốc, bao gồm dân số già nua của đất nước, các cuộc khủng hoảng sinh thái, nhiều tranh chấp biên giới và ngày càng làm mất lòng quốc tế.

Hoa Kỳ cũng phải hợp tác với các đồng minh và đối tác ở châu Á và châu Âu để đẩy lùi các hành vi có vấn đề của Trung Quốc. Nỗ lực đó cần phải bao gồm việc sử dụng đòn bẩy kinh tế chung để trừng phạt các công ty và nhóm ăn cắp tài sản trí tuệ và tham gia vào các hành vi không công bằng và bất hợp pháp khác; tăng cường khả năng quân sự và thể hiện quyết tâm cao hơn trước hành vi xâm lược của Trung Quốc; và xử phạt các tổ chức và quan chức đang hỗ trợ đàn áp ở Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương. Hoa Kỳ và đồng minh cũng nên hoạt động để phục hồi các định chế quốc tế và các yếu tố của trật tự dựa trên luật lệ có thể hạn chế sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Đóng vai trò phòng thủ, Hoa Kỳ và các đối tác cần thực hiện các bước để duy trì thế đòn bẩy của họ trong các lĩnh vực chính của thương mại quốc tế trong khi tách mình hoàn toàn khỏi các chuỗi cung ứng mà Trung Quốc có thể gây những thương tổn không thể chấp nhận được (chẳng hạn như việc sản xuất các vật tư y tế quan trọng) và đa dạng hóa khỏi những chuỗi cung ứng mà sự nguy hiểm ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các rủi ro đều đáng kể như nhau và Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ là những xã hội cởi mở vẫn có thể thu được lợi ích từ các hoạt động giao lưu kinh tế, khoa học và giao lưu nhân dân với các nước trên thế giới, kể cả Trung Quốc, ngay cả khi họ nỗ lực hơn nữa để đề phòng sự ép buộc và gián điệp từ các đối thủ nước ngoài.

Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có những lợi ích chung quan trọng và cần phải cố gắng ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất trong cuộc cạnh tranh của họ. Cả hai nước đều phải đương đầu với những thách thức sâu sắc như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và phổ biến vũ khí hạt nhân, những vấn đề không thể đối phó được nếu không có sự phối hợp và hành động chung. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng nên làm việc để đối phó với những thảm họa có thể thấy trước, chẳng hạn như nguy cơ chiến tranh mạng ngày càng đe dọa và viễn cảnh xung đột ở Biển Đông đang có tranh chấp. Ở những khu vực dễ biến động và nguy hiểm nhất này, hai nước nên đàm phán về các đường lối và cơ chế hiệu quả để quản lý và giảm leo thang khủng hoảng. Bằng cách làm việc với Trung Quốc về những vấn đề này khi cần thiết, ngay cả trong bối cảnh mối quan hệ cạnh tranh gay gắt, Hoa Kỳ sẽ cho Bắc Kinh thấy rằng họ không sợ hãi hoặc tìm cách kiềm chế một Trung Quốc thịnh vượng, có vai trò lớn trên toàn cầu và chơi theo luật. Theo thời gian, những bước như vậy cuối cùng cũng có thể tạo ra không gian để các nhà lãnh đạo Trung Quốc kết luận chắc nịch rằng giải quyết những vấn đề chung cấp bách này quan trọng hơn là tin vào tầm nhìn đa nghi và hoang tưởng của họ về Hoa Kỳ.

Nhưng tất cả những nỗ lực này sẽ chỉ được đền đáp đầy đủ nếu Hoa Kỳ có thể chứng minh rằng ĐCSTQ đã sai lầm như thế nào về khái niệm Hoa Kỳ đang xuống dốc không ngừng. Đạt được sự rõ ràng về nhiệm vụ phía trước tự nó sẽ là lý do để bạn lạc quan. Quan điểm đen tối của giới lãnh đạo Trung Quốc về các triển vọng của Hoa Kỳ là sai lầm. Hoa Kỳ không bị mắc kẹt trong những cung cách cũ rích về việc giải quyết các vấn đề hoặc bị ảnh hưởng bởi các lực tác động lịch sử vượt quá khả năng định hình của mình. Phần lớn những gì Hoa Kỳ phải làm để cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc nằm trong tầm kiểm soát của nó – và vẫn còn thời gian để hành động./.

•JULIAN GEWIRTZ là Nghiên cứu viên Cao cấp về Nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Thành viên của Chương trình Trung Quốc và Thế giới Columbia-Harvard, và Giảng viên Lịch sử tại Đại học Columbia.