Tuesday, May 7, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Phi Luật Tân trở lại kết thân với Mỹ vì Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông

Việc Phi Luật Tân quay trở lại thi hành hiệp ước quân sự quan trọng với Mỹ được cho xuất phát từ những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây. 

Theo SCMP, giới chuyên gia nhận định quyết định hồi tuần trước của Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte về việc hủy tạm dừng thi hành Hiệp ước các lực lượng ghé thăm (VFA) với Mỹ cho thấy, Manila đang thay đổi những tính toán địa chính trị giữa lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông.

Ngoài ra, nền kinh tế bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cũng là lý do khiến Phi Luật Tân quay trở lại thi hành VFA, hiệp ước tồn tại 20 năm và là trung tâm của mối quan hệ liên minh quân sự Mỹ – Phi Luật Tân.

Trước đó, hồi tháng Hai, Manila thông báo dừng thi hành VFA từng ký kết với Mỹ. Theo quy định trong VFA, việc rút khỏi hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực trong 180 ngày sau khi thông báo chấm dứt được gửi cho phía còn lại. Động thái của Phi Luật Tân được cho là nhằm giảm bớt mối liên minh truyền thống với Mỹ. Thậm chí, Manila khẳng định Phi Luật Tân có thể tự phát triển năng lực phòng vệ và các mối liên minh khác.

Tàu ngầm Trung Quốc tập trận trên Biển Đông hồi tháng 4/2018. (Ảnh: Reuters)

Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2016, Tổng thống Duterte đã công khai bày tỏ ý định giảm sự phụ thuộc của Phi Luật Tân vào Mỹ để tiến tới thân thiết với Trung Quốc, quốc gia đang đầu tư quy mô lớn vào hệ thống cơ sở hạ tầng ở Phi Luật Tân. 

Học giả tại Manila, ông Richard Javad Heydarian cho rằng việc Tổng thống Duterte thay đổi quyết định là không hề ngạc nhiên sau những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động tác chiến chống ngầm và trinh sát bằng máy bay ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), cũng như tạo ra hai khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Thậm chí, Trung Quốc còn có kế hoạch thiết lập một vùng nhận dạng phòng không phi pháp trên Biển Đông.

Hành động hung hăng của Trung Quốc

Hàng loạt hành động khiêu khích của các tàu Trung Quốc đối với loạt tàu các nước Đông Nam Á trên Biển Đông, buộc Malaysia, Phi Luật Tân và Indonesia gửi công hàm phản đối lên Liên Hợp Quốc để chống lại những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. 

Cụ thể, theo Viện Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Washington, hồi tháng Hai, một chiến hạm Trung Quốc đã chiếu súng laser vào tàu hộ vệ Phi Luật Tân, hay như vụ việc tàu thăm dò West Capella của Malaysia bị các tàu hải quân, hải giám và tàu cá Trung Quốc đe dọa trong những tháng gần đây dù đang hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc cản trở hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Hành động này làm dấy lên mối lo ngại về việc căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không ngừng gia tăng, trong khi hai nước vẫn đang khẩu chiến trong nhiều vấn đề từ thương mại đến dịch Covid-19.

Nhà phân tích an ninh châu Á, ông Lucio Blanco Pitlo cho rằng có lẽ ông Duterte nhận thấy liên minh với Mỹ là “điều quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia trước tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, do sức mạnh giữa Manila và Bắc Kinh là bất cân xứng”.

Theo ông Pitlo, trước đó, các nhà ngoại giao của Manila và Washington đã cố gắng cứu vãn thoả thuận VFA. “Một vấn đề gây tranh cãi từ lâu là Manila muốn có quyền phán xét đối với những quân nhân Mỹ phạm tội ở Phi Luật Tân. Do đó, việc hoãn chấm dứt thoả thuận VFA sẽ tạo thêm thời gian cho các cuộc đàm phán”, ông Pitlo nói.

Hàng trăm cuộc tập trận chung

Hàng năm, quân đôi Mỹ – Phi Luật Tân tổ chức hàng trăm cuộc tập trận chung. Trong năm 2019, hai bên đã đồng thuận tổ chức 281 cuộc diễn tập, trong khi năm 2018, con số này là 261.

Tuy nhiên, Trung Quốc – Phi Luật Tân cũng tổ chức vài cuộc tập trận chung. Hồi tháng 1/2020, Manila và Bắc Kinh đã cho tiến hành cuộc tập trận tuần tra chung lần đầu tiên trên Biển Đông.

Vào năm 2018, Phi Luật Tân đã tham gia một cuộc tập trận với quân đội các nước gồm Trung Quốc và ASEAN. Cuộc tập trận này được xem là lần đầu tiên quân đội Phi Luật Tân có hành động quân sự chung Trung Quốc.

Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Rand Corporation ở Washington nhận định, “cuối cùng, ông Duterte vẫn có thể chấm dứt VFA. Nhưng hiện tại, một dấu hiệu đầy hứa hẹn là Manila vẫn coi trọng thoả thuận này và quyết định giữ nó lại. Điều đó chứng tỏ Phi Luật Tân tin rằng, quan hệ an ninh với Mỹ là điều cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc”.

Nhà nghiên cứu Collin Koh Swee Lean tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng ý định tăng cường năng lực phòng vệ của Manila bị ảnh hưởng bởi khoản nợ công khổng lồ và thâm hụt ngân sách do tăng chi tiêu cho các hoạt động ứng phó với dịch Covid-19.

“Điều này có nghĩa là trong tương lai gần, chi tiêu quốc phòng của Phi Luật Tân sẽ bị ảnh hưởng, và điều này sẽ tác động không chỉ đến các kế hoạch mua sắm và hiện đại hoá quân đội, mà còn cả khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang. Do đó, ít nhất vào thời điểm hiện tại, việc duy trì VFA sẽ giống như một dạng bảo hiểm”, ông Koh cho hay.

Các nhà phân tích cho rằng, nhiều nước trong khu vực có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì quyết định của Phi Luật Tân. Bởi điều đó có nghĩa là sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không gây bất lợi mà ít nhất là vào lúc này.

“Đây cũng là tín hiệu đáng tin cậy gửi tới Bắc Kinh về việc Manila đang quan tâm tới các vấn đề ở Biển Đông và muốn nhắc nhở Trung Quốc tránh xa những hành động làm leo thang căng thẳng”, ông Koh nói.

Trong khi đó theo ông Grossman, “nếu như không có Phi Luật Tân, Mỹ vẫn có các cơ sở quân sự ở Okinawa tại Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc. Nhưng Phi Luật Tân rõ ràng là địa điểm gần nhất với Biển Đông giúp Mỹ đưa ra phản ứng nhanh nhất trước bất cứ tình huống quân sự bất ngờ ở khu vực”.

“Trước những hành động hung hăng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và sự cạnh tranh chiến lược không ngừng giữa Mỹ – Trung, Washington sẽ không để đồng minh lâu đời như Manila rơi vào tay Bắc Kinh ở thời điểm quan trọng hiện nay”, ông Grossman kết luận. (IFN)