Friday, March 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Những kệ hàng trống không trong siêu thị khắp thế giới


Người tiêu dùng toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng thực phẩm bị thiếu hoặc tăng giá, từ các mặt hàng cơ bản như bánh mì, bơ, đến thịt, đồ uống và gia vị.

Dù ở bất cứ đâu trên thế giới, khi đi mua hàng quanh siêu thị, khách hàng rất có thể sẽ bắt gặp những khoảng trống trên các kệ hàng, theo Washington Post.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng nằm trong những lý do gây nên tình trạng thiếu hụt này.

Nhà sản xuất tương ớt Sriracha tạm thời ngừng bán vì thiếu hụt ớt nghiêm trọng.

Tương ớt Sriracha ở Mỹ

Loại tương ớt vốn được nhiều người Mỹ yêu thích đang sắp hết hàng. Nhà sản xuất Huy Fong Foods giải thích rằng sản phẩm này sẽ có thể thiếu trên các kệ hàng do hạn hán và thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng đến cây ớt. Công ty này hy vọng nguồn cung có thể hồi phục lại vào mùa thu.

“Tôi rất yêu thích Sriracha và sử dụng loại tương này trong mọi món ăn”, Madeline Monroe, một nhà thiết kế ở Washington D.C., cho biết. Cô tiết lộ bản thân không thấy chai Sriracha nào ở siêu thị Safeway tại địa phương vào thời điểm cách đó một tuần.

Một thực phẩm thiết yếu đã được mọi người bàn tán trong vài tuần qua là một hộp Bơ Lurpak, đang được bán với giá hơn £9 ở một số siêu thị. Các siêu thị khác đã được thấy bán loại bơ phổ biến với giá khoảng £5 cho một hộp 500g.

Bơ ở Anh

Bơ là nguyên liệu cơ bản trong nhà bếp của Anh. Nó không chỉ được sử dụng để phết lên bánh mì, mà còn trong các loại bánh ngọt và bánh quy. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt lao động nước ngoài sau Brexit, bơ đã vắng bóng trên nhiều kệ hàng.

Một kg bơ nhãn hiệu Lurpak được bán với giá gần 12 USD vào tháng 7 – tăng so với khoảng 8 USD trong những tháng trước đó. Các tờ báo lá cải và phương tiện truyền thông xã hội của Anh đã đùa cợt về việc đổi một khối bơ lấy nhà hoặc ôtô.

Liz Oughton, một thợ làm bánh ở Anh, cho biết cô thường xuyên ghé thăm nhiều siêu thị để tìm loại bơ giá thấp nhất.

“Tôi khá lo lắng mỗi khi đến cửa hàng vì giá cả dường như tăng quá nhanh”, Oughton cho biết, đồng thời nói rằng đang cố gắng không tăng giá bán của những loại bánh tại cửa hàng.

 Nhiều cửa hàng ở Pháp chỉ giới hạn một khách hàng chỉ được mua một lọ mù tạt. Ảnh: CNN.
Nhiều cửa hàng ở Pháp chỉ giới hạn một khách hàng chỉ được mua một lọ mù tạt. Hình CNN

Mù tạt ở Pháp

Người Pháp đang phẫn nộ trước tình trạng khan hiếm và quy định giới hạn lượng mua được áp dụng đối với loại mù tạt Dijon yêu thích của họ. Gia vị này, vốn được sử dụng cho sandwich, salad và steak tartare, đã bị thiếu hụt.

“Thật táo bạo!” Claire Dinhut thốt lên. Cô đã chia sẻ một video trên TikTok về cách một người mua hai lọ mù tạt ở cửa hàng tạp hóa, bất chấp việc nhiều nơi giới hạn chỉ bán một lọ.

Thời tiết khắc nghiệt và hạn hán đã làm suy giảm nguồn cung hạt mù tạt trong và ngoài nước Pháp. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Sự thiếu hụt cũng làm dấy lên những lời kêu gọi “hồi hương” việc sản xuất mù tạt và bớt phụ thuộc vào các quốc gia khác.

“Tôi đã không có mù tạt trong ba tháng. Bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ lọ nào”, Hassan Talbi, chủ một cửa hàng người Paris, nói.

 Hàng người chờ đợi mua bánh mì ở Lebanon. Ảnh: AFP.
Hàng người chờ đợi mua bánh mì ở Lebanon. Hình AFP

Bánh mì ở Lebanon

Lebanon đã bị tê liệt bởi một cuộc khủng hoảng tài chính và một vụ nổ ở cảng năm 2020. Điều đó đã xóa sổ nhiều hầm chứa ngũ cốc của nước này.

Việc cắt giảm xuất khẩu lúa mì từ Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu bánh mì pita, vốn có thể thấy trên bàn ăn ở mọi nơi trên khắp Trung Đông.

Sự thiếu hụt khiến hàng dài người phải chờ đợi bên ngoài các tiệm bánh, đôi khi còn xảy ra tình trạng ẩu đả.

“Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến chúng tôi – những tiệm bánh, mà còn ảnh hưởng đến mọi người. Bánh mì là thứ quan trọng nhất”, nhân viên tại một tiệm bánh ở Beirut nói.

Một số quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Ai Cập và Yemen, cũng đã chứng kiến tình trạng thiếu hoặc tăng giá.

 Một người đang chuẩn bị trà tại một khu chợ ở Rawalpindi, Pakistan. Ảnh: Bloomberg.
Một người đang chuẩn bị trà tại một khu chợ ở Rawalpindi, Pakistan. Hình Bloomberg

Trà ở Pakistan

Hầu hết người Pakistan thường uống trà nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, chính phủ nước này đã thúc giục người dân bớt uống trà để giúp đỡ nền kinh tế.

“Tôi đề nghị đất nước giảm lượng tiêu thụ trà xuống 1-2 cốc vì chúng ta phải vay để nhập khẩu”, Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Pakistan Ahsan Iqbal nói hôm 14/6.

Tuy nhiên, mạng xã hội đã bùng nổ, với nhiều người thề sẽ không bao giờ từ bỏ đồ uống này và thay vào đó, thúc giục ông Iqbal từ chức.

“Uống trà là một phần của văn hóa ở đây. Nếu chúng tôi phục vụ thực phẩm xa hoa cho khách và không mời trà, khách sẽ phản đối”, Farman Ullah Jan, ở miền Bắc Pakistan, nói.

Một số người mua sắm đã không thể tìm thấy trứng trong siêu thị. Hình ABC

Trứng ở Úc

Các siêu thị ở nhiều nơi trên Úc đã áp đặt giới hạn mua đối với những hộp trứng.

Wes Lambert, Giám đốc Cơ quan Vận động Dịch vụ Thực phẩm, cho biết nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt là xung đột ở Ukraine, tình hình thời tiết, chi phí đầu vào tăng, và việc Úc đang thiếu hụt lao động trầm trọng.

Ông nói thêm rằng một sự kết hợp của nhiều yếu tố đã “dẫn đến một cơn bão hoàn hảo”.

 Halimo Hersi (phải) mua bột mì từ một người bán hàng trong chợ Hamar-Weyne ở Mogadishu, Somalia. Ảnh: AP.
Halimo Hersi (phải) mua bột mì từ một người bán hàng trong chợ Hamar-Weyne ở Mogadishu, Somalia. Hình AP

Ngũ cốc ở Somalia

Việc thiếu mưa trong nhiều năm, hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt, cùng với xung đột ở Ukraine, đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở Somalia.

Điều này đã đẩy nhiều người đến bờ vực của nạn đói. Giá ngũ cốc và lúa mì, những mặt hàng chủ lực của nước này, đã tăng vọt.

Tại thủ đô Mogadishu, giá một lon lúa mì 400 gam đã tăng gấp đôi kể từ tháng 2. Giá các loại ngũ cốc, rau và trái cây khác cũng tăng theo.

“Sau khi xung đột Ukraine bắt đầu, mọi thứ đều tăng giá”, Hirsi Mohamed, một nhân viên cửa hàng, nói.

Mì soba ở Nhật Bản

Kiều mạch từ Nga là nguyên liệu được sử dụng để làm mì soba ở Nhật Bản. Tuy nhiên, giá bột kiều mạch đã tăng khoảng 10-20% kể từ tháng 6. Các mặt hàng khác được sử dụng trong mì soba, bao gồm dầu và nước tương, cũng trở nên đắt đỏ hơn.

Hàng triệu người thường ăn mì soba hàng ngày hoặc ăn vào đêm giao thừa để mang lại may mắn. Tuy nhiên, món ăn này đã nhanh chóng biến mất khỏi nhiều thực đơn.

Giá mì cũng đang tăng vọt ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Bộ trưởng Kinh tế Indonesia cũng nêu quan ngại về giá mì ăn liền Indomie tăng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm nay.

Tại Thái Lan, các nhà sản xuất của 5 thương hiệu mì ăn liền trong tuần này cho biết họ không thể giữ sản phẩm của mình rẻ như mong muốn của chính phủ do lạm phát leo thang. (T/H, Z/N)