Sunday, June 16, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhóm biến thể mới khiến số ca mắc COVID-19 thế giới gia tăng có nguy hiểm không?


Nhóm biến thể có tên FliRT hiện đang khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao trên toàn cầu từ châu Á đến châu Âu, khiến nhiều người lo ngại về mức độ nguy hiểm.

Biến thể phụ KP.1.1và KP.2 gây lo ngại về làn sóng lây nhiếm mới. Hình NCB News

Lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới

Theo thông tin từ hãng tin CNBC, FLiRT bao gồm các biến thể phụ KP.2, KP.1.1, KS.1 và JN.1.16.1. Những lo ngại về mức độ nguy hiểm của nhóm biến thể mới này xuất hiện khi nhiều quốc gia ghi nhận sự gia tăng của số ca mắc COVID-19 do 2 biến thể phụ KP.2, KP.1.1 vào đầu tháng 4.

Cho đến nay, Ấn Độ báo cáo có tới 324 trường hợp nhiễm COVID-19 liên quan đến nhóm biến thể FLiRT. Trong số những trường hợp này, có tới 290 trường hợp nhiễm biến thể phụ KP.2 và 34 trường hợp nhiễm biến thể phụ KP.1.1 đã được phát hiện trên toàn quốc.

Đáng chú ý là cả 2 biến thể thụ này đều là nguyên nhân gây ra sự gia tăng số ca mắc bệnh ở Singapore và Trung Quốc. Cụ thể, Đảo quốc Sư tử đã ghi nhận hơn 25,900 ca nhiễm COVID-19 chỉ tính từ ngày 5 đến ngày 11/5. Các biến thể phụ KP.1.1 và KP.2 hiện chiếm hơn 2/3 số ca bệnh ở Singapore.

Singapore đang có số ca nhiễm COVID tăng nhanh trong khoảng 2 tuần gần đây. Hình The Straits Times

Trong khi đó, dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra rằng, biến thể phụ KP.2 hiện là chủng phổ biến ở nước này. KP.2 chiếm 28.2% tổng số ca nhiễm trong hai tuần tính đến ngày 11/5, tăng từ mức 3.8% vào cuối tháng 3, ngay sau khi chủng này được phát hiện lần đầu tiên.

Cũng theo CDC Mỹ, các trường hợp nhiễm biến thể phụ KP.1.1 đã tăng lên đáng kể, chiếm 7.1% số ca mắc COVID-19 hiện nay ở Mỹ. Tại châu Âu, số ca bệnh cũng đang gia tăng, khi FLiRT được phát hiện ở 14 quốc gia.

Các biến thể phụ KP.1.1 và KP.2 có nguy hiểm không?

CDC Mỹ ngày 16/5 cho biết mặc dù KP.1.1 và KP.2 đang chiếm phần lớn trong số các ca mắc COVID-19 mới nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng gây ra biến chứng nặng hơn so với các biến thể khác. Bộ Y tế Singapore cũng có quan điểm tương tự rằng không có dấu hiệu nào cho thấy KP.1 và KP.2 dễ gây bệnh nặng hơn các biến thể đã xuất hiện từ trước.

Người dân được khuyến cáo vẫn duy trì các biện pháp phòng bệnh. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy KP.1 và KP.2 dễ gây bệnh nặng hơn các biến thể đã xuất hiện từ trước.

Tiến sĩ Leong Hoe Nam – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Phòng khám Rophi ở Singapore cho hay, các triệu chứng khi mắc COVID-19 do KP.1 và KP.2 gây ra cũng giống như các biến thể trước đó và không có dấu hiệu nào cho thấy các biến thể này dẫn đến bệnh nặng hơn.

Về vấn đề này, Giáo sư Paul Tambyah – chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Quốc tế thông tin rằng, KP.2 và KP.1 có thể dễ lây truyền hơn. Hành vi của chúng giống như tất cả các loại virus, cuối cùng chúng tiến hóa để trở nên dễ lây truyền hơn nhưng lại ít gây nguy hiểm với sức khỏe hơn.

Trong tháng này, Cơ quan An ninh Y tế Vương Quốc Anh cho biết họ đang tiếp tục theo dõi dữ liệu liên quan đến các biến thể mới ở nước này và trên thế giới để đánh giá mức độ nghiêm trọng của chúng cũng như hiệu quả của vắc-xin. Cơ quan này nhấn mạnh, không có thay đổi nào đối với lời khuyên về y tế công cộng vào thời điểm này”.

Từ ngày 3/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa KP.2 vào danh sách “các biến thể COVID-19 đang được theo dõi”. Thuật ngữ này được sử dụng để báo hiệu cho các cơ quan y tế công cộng rằng biến thể COVID-19 có thể cần được ưu tiên quan tâm và theo dõi. (T/H, VOV)