Tuesday, May 7, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cùng 1 ngày, 2 ứng viên vắc-xin COVID-19 bị báo cáo gặp vấn đề

Ứng viên vắc-xin đầy hứa hẹn của châu Âu không tạo phản ứng miễn dịch đủ mạnh ở người cao tuổi, trong khi một vắc-xin tiềm năng ở Úc làm sai kết quả xét nghiệm HIV.

Hai nhóm chuyên gia phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 đầy hứa hẹn của châu Âu và của Úc phải thay đổi kế hoạch nghiên cứu sau khi phát hiện vấn đề nghiêm trọng ở hai ứng viên vắc-xin này, hãng tin Reuters cho hay.

Theo thông báo ngày 11-12, ứng viên vắc-xin ngừa COVID-19 của công ty dược Sanofi (có trụ sở ở Pháp) và hãng dược Anh GlaxoSmithKline (GSK) cho thấy phản ứng miễn dịch không đủ mạnh để bảo vệ người cao tuổi trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp này.

Sanofi và GlaxoSmithKline buộc phải bắt đầu một nghiên cứu khác với hy vọng tìm ra một loại vắc-xin ngừa COVID-19 hiệu quả vào cuối năm 2021.

Trong cùng ngày, nhóm nghiên cứu của Đại học Queensland và công ty công nghệ sinh học CSL (Úc) thông báo hủy bỏ kế hoạch thử nghiệm giai đoạn 2 và giai đoạn 3 đối với ứng viên vắc-xin ngừa COVID-19 do hai đơn vị này hợp tác phát triển.

Nguyên nhân được báo cáo là dù tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả, vắc-xin tiềm năng của Đại học Queensland và CSL làm sai lệch kết quả xét nghiệm HIV ở nhiều trường hợp tình nguyện viên đã được tiêm ứng viên vắc-xin này. 

Trong trường hợp của Sanofi và GlaxoSmithKline, người được tiêm ứng viên vắc-xin này và trong độ tuổi từ 18 đến 49 cho kết quả “phản ứng miễn dịch tương đương các bệnh nhân đã hồi phục sau COVID-19”. Tuy nhiên, phản ứng miễn dịch ở người lớn tuổi hơn là yếu hơn mức kỳ vọng.

Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu miễn dịch Jean-Daniel Lelievre thuộc Đại học Henri-Mondor (Pháp) cho rằng nguyên nhân có thể là liều lượng mà Sanofi và GlaxoSmithKline dùng để tiêm thử nghiệm chưa đủ mạnh. Ông Lelievre tin tưởng rằng nhóm nghiên cứu này “có thể cải tiến vắc-xin của họ”.

Theo kế hoạch mới được thay đổi, hai hãng dược này sẽ bắt đầu thử nghiệm “giai đoạn 2b” vào tháng 2-2021. Nếu kết quả khả quan, giai đoạn thứ nghiệm thứ ba sẽ được tiến hành trong quý 2 năm 2021.

Nếu kế hoạch này thành công, Sanofi và GlaxoSmithKline dự kiến sản xuất và phân phối vắc-xin vào quý 4 năm 2021, chậm hơn gần nửa năm so với kế hoạch ban đầu của nhóm nghiên cứu này.

Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học Úc CSL cho biết thay vì phát triển và sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 do chính hãng này tham gia nghiên cứu, CSL sẽ đẩy mạnh sản xuất vắc-xin do Đại học Oxford phối hợp cùng hãng dược Anh AstraZeneca phát triển.

Theo đó, CSL sẽ sản xuất thêm 20 triệu liều vắc-xin do Đại học Oxford và AstraZeneca cùng nghiên cứu, nâng tổng năng lực sản xuất lên 53 triệu liều. Trước đó, CSL có kế hoạch sản xuất 51 triệu liều vắc-xin do hãng này và Đại học Queensland phát triển, cùng với 33 triệu liều vacccine của Đại học Oxford và AstraZeneca.

Về kết quả không khả quan từ CSL và Đại học Queensland, bác sĩ Diego Silva, chuyên gia tại Trường Y tế công, Đại học Sydney (Úc) cho rằng “kết quả tiêu cực cũng quan trọng như thành công trong khoa học vì chúng cũng tạo ra một phần cơ sở bằng chứng cho các nghiên cứu trong tương lai”.

Những vấn đề này được cho là đang thể hiện rõ những thách thức đối với việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 với tốc độ kỷ lục. Thông thường, phải mất 10 năm hoặc lâu hơn để phát triển một loại vắc-xin nhưng do sức ép từ đại dịch COVID-19, nhiều đơn vị nghiên cứu đã rút ngắn thời gian xuống còn chưa đầy một năm.

Thách thức này được cho là có thể thúc đẩy các chính phủ mở rộng phạm vi đặt hàng vắc-xin ngừa COVID-19, phòng trường hợp có những trục trặc từ bất kỳ vắc-xin nào mà họ đã đặt mua.

Theo công ty phân tích số liệu Airfinity (Anh), ít nhất 7,4 tỉ liều vắc-xin ngừa COVID-19 đã được chính phủ các nước đặt mua trước, nhiều ứng viên vắc-xin được đặt hàng ngay cả khi chưa được cấp phép. Quá trình thảo luận đặt mua 2,9 tỉ liều vắc-xin ngừa COVID-19 khác đang được các nước đẩy nhanh.

Hiện nay, ngoài các vắc-xin do Nga và Trung Quốc đã được phát triển và cấp phép “nội địa”, công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) được coi là đã tiến xa nhất trên con đường phát triển vắc-xin ngừa COVID-19.

Ứng viên vắc-xin ngừa COVID-19 mang tên BNT162b2 do hai công ty này hợp tác phát triển đã được cấp phép tại Anh. Mỹ và nhiều nước khác cũng đang khẩn trương xem xét cấp phép cho ứng viên vắc-xin này. (PLO)