Tuesday, May 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam hủy tất cả lễ hội đầu xuân để chống dịch COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam – Nhà cầm quyền các địa phương tại Việt Nam loan báo “dừng đón khách tham quan” tại các đền, chùa, lễ hội vì dịch COVID-19 lây lan nghiêm trọng trở lại.

Từ lễ hội chùa Hương nổi tiếng ở Hà Nội hay lễ hội đền Trần ở Thái Bình đến các chương trình lễ hội ở các tỉnh miền Trung và miền Nam đều bị hủy bỏ.

Một gia đình đi lễ đầu năm tại chùa Trấn Quốc, Hà Nội, thưa thớt người chứ không đông nghẹt như những năm không bị dịch. (Hình AFP/Getty)

Hàng năm, bắt đầu từ ngày mùng 6 Tháng giêng âm lịch, trẩy hội chùa Hương vừa là dịp thưởng ngoạn thắng cảnh, vừa nhân dịp cầu xin trời Phật ban cho những điều tốt lành nhất trong năm mới. Hàng trăm ngàn du khách, Phật tử tứ phương dồn về đây, chen chúc nhau. Nhưng năm nay, các báo tại Việt Nam đều đưa tin nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức thông báo “dừng khai hội, không đón khách về tham quan lễ hội Chùa Hương” để “đảm bảo quy định phòng dịch.”

Báo VietNamNet thuật lời bà phó giám đốc Sở Văn Hóa Và Thể Thao thành phố Hà Nội cho hay: “Huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo từ nay đến rằm Tháng Giêng là “thời điểm nhạy cảm,” do đó việc dừng lễ hội đến ngày 15 âm lịch là cần thiết để kiểm soát tốt hơn.”

Ngay tại thành phố Hà Nội, một số hình ảnh những ngày tết Tân Sửu của hãng thông tấn AFP cũng chỉ thấy người đi lễ chùa đầu năm thưa thớt, không ai phải chen chúc vất vả như những năm trước chưa bị đại dịch. Đền chùa là nơi người có niềm tin tưởng sự ban phát của thần linh tới cầu lộc, cầu tài.

Thành phố Hà Nội cũng là một trong những địa phương tại Việt Nam có dịch trở lại từ những ngày cuối Tháng Giêng và mới ngày 14 Tháng Hai, có tin một người chết. Tuy nhiên, không phải là người dân địa phương.

Tuy còn hơn một tháng nữa mới tới lễ hội đền Trần ở tỉnh Thái Bình, nhà cầm quyền địa phương cũng đã ra thông cáo “dừng tổ chức lễ khai mạc và các hoạt động phần hội của Lễ hội đền Trần năm 2021, chỉ thực hiện các nghi lễ truyền thống của lễ hội ở quy mô tối thiểu; đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh.”

Tỉnh Bình Định có “lễ hội kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa” và dịp tết Tân Sửu nhưng “chỉ tổ chức dâng hương, dâng hoa với quy mô nhỏ” chứ không tập trung đông người như “thời gian trước.”

Ngay từ mùa trẩy hội chùa Hương Tháng Hai năm ngoái, cũng đã thấy vắng khách. Đò suối Yến im lìm trên bến. (Hình VietNamNet)

Tỉnh Thanh Hóa có tới “300 lễ hội lớn nhỏ” phần lớn là “các lễ hội đầu Xuân và hơn 1,500 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có hơn 800 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.” Đây là cơ hội để nhà cầm quyền địa phương nhân danh văn hóa để kiếm tiền nhưng Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Thanh Hóa đã đề nghị các địa phương “xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 tại các di tích, danh thắng.”

Tỉnh Tuyên Quang có “lễ hội Lồng Tông” (Ngày hội xuống đồng) thì cũng nhận được lệnh “dừng các lễ hội Xuân Tân Sửu 2021 để tránh tập trung đông người, phòng, chống dịch COVID-19.”

Nói chung, các địa phương tại Việt Nam đều hủy bỏ từ bắn pháo hoa đến các chương trình lễ hội để tránh tập trung đông người, cơ hội cho dịch bệnh dễ lây lan. (N/V)