Saturday, April 27, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vắc-xin Covid: Khởi động hành trình chấm dứt đại dịch?

Vương quốc Anh đã chính thức triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vắc-xin phòng Covid-19, các quốc gia phương Tây khác cũng lục đục lên kế hoạch tương tự. Liệu đây có phải sự khởi động của hành trình chấm dứt đại dịch?

Thủ tướng Anh Boris Johnson lưu ý người dân rằng cuộc sống họ chưa thể trở lại bình thường ngay dù họ đã tiêm Vắc-xin Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Ngày 2/12, Anh đã trở thành quốc gia tiên phong cấp phép khẩn cấp cho vắc-xin SARS-CoV-2, mở đầu cho chuỗi ngày kết thúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Anh trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng vắc-xin BNT162b2 ngừa Covid-19 do công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) hợp tác phát triển.

Các quan chức chính phủ nước này cho biết, việc tiêm chủng hàng loạt sẽ bắt đầu gần như ngay lập tức với 800.000 liều vắc-xin Pfizer và chính thức bắt đầu vào ngày 8/12. Trong đợt đầu tiên triển khai tiêm chủng, các nhân viên y tế tuyến đầu và những người trên 80 tuổi, các nhân viên nhà dưỡng lão là nhóm đối tượng được ưu tiên.

Khởi đầu đáng mừng

Không thể phủ nhận rằng việc phát triển, thử nghiệm và phê duyệt một loại vắc-xin trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là một kỳ tích.

Trong cuộc phỏng vấn vào sáng ngày 2/12, ông Ugur Sahin, giám đốc điều hành của BioNTech, đã chia sẻ đầy tự hào với CNN: “Nếu việc triển khai vắc-xin được diễn ra một cách đảm bảo và hiệu quả, chúng tôi tin rằng đây thực sự là khởi đầu của quá trình kết thúc đại dịch,”. Ông Sahin đề xuất thêm rằng cần có thêm nhiều quốc gia phê duyệt vắc-xin, nhưng “đây là một khởi đầu tốt”.

Thật vậy, việc có một quốc gia lớn và đang chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch trên thế giới bắt đầu tiêm hàng loạt vắc-xin sẽ là bước khởi động để cho các quốc gia khác làm theo.

The COVID Vaccines Are Approaching. Is the FDA Ready to Inspect the Plants  Where They're Made? | Vanity Fair

Cùng ngày, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin của Pfizer và khẳng định, vắc-xin này “đáp ứng các tiêu chí theo quy định về nghiên cứu lâm sàng”. Phân tích ban đầu của FDA cho thấy, sản phẩm hoạt động tốt bất kể chủng tộc, cân nặng hay tuổi tác.

Tuy nhiên, giờ đây, giới quan sát nhận định việc cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 đã trở thành một cuộc đua giữa các cường quốc. Do đó, rất có thể sau Anh, Mỹ sẽ là quốc gia kế tiếp tiêm chủng đại trà cho người dân.

Ngày 10/12, FDA sẽ họp để thảo luận vấn đề này và EMA cho biết vắc-xin của Pfizer và BioNTech có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 29/12. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng thông báo đang xem xét cấp phép cho loại vắc-xin của Pfizer.

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào nước Anh khi nước này bắt đầu triển khai vắc-xin Pfizer, nhưng đây không phải là câu chuyện riêng quốc gia này. Bởi lẽ, sự kết thúc của đại dịch đang ở trong tầm mắt, nhưng nỗ lực và hợp tác toàn cầu mới là điều cần thiết để thế giới đạt được mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn con virus này.

Thách thức cho nước nghèo

Điều quan trọng là khi cuộc đua vắc-xin ngày càng nóng lên, các nước nghèo có thể bị bỏ lại phía sau. Trong hoạt động phát triển và mua bán vắc-xin, những nước này không thể cạnh tranh với sức mạnh khoa học hoặc kinh tế của các quốc gia phát triển hơn.

Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Đại học Duke (bang North Carolina, Mỹ) ước tính rằng, một phần dân số ở các nước thu nhập thấp có thể phải đợi đến năm 2024 mới được tiêm phòng.

Theo trang Nature đưa tin, Liên minh châu Âu và năm quốc gia khác đã đặt trước khoảng một nửa nguồn cung cấp vắc-xin dự kiến ​​cho năm 2021.

Mặc dù một số quốc gia thu nhập trung bình đã đạt được các hợp đồng mua vắc-xin, như Ấn Độ với hai tỷ liều vắc-xin, nhưng các quốc gia giàu có vẫn được đánh giá là có ưu thế hơn trong cuộc chạy đua vắc-xin này, ví dụ như Canada đã có khoảng tám liều cho mỗi người dân.

COVAX Overview • Epidemic Preparedness Innovations

WHO và các tổ chức quốc tế khác đang có những nỗ lực để giải quyết vấn đề này bằng cách thành lập Cơ chế Tiếp cận Toàn cầu vắc-xin Covid-19 (Covax). Hơn 150 quốc gia đã tham gia chương trình nhằm mục đích phát triển và phân phối hai tỷ liều vắc-xin một cách đồng đều vào cuối năm tới (nhưng Mỹ và Nga đều không tham gia).

Tuy nhiên, các vấn đề không chỉ dừng lại ở khâu cung ứng mà còn cả ở hoạt động hậu cần. Điển hình như vắc-xin Pfizer cần phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh đặc biệt -70 độ C, điều đang nằm ngoài khả năng của nhiều nước hiện nay.

Đối với một số quốc gia, đây là một rào cản gần như không thể vượt qua. Tổng thống đắc cử của Palau, ông Surangel Whipps Jr., cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 2/12 rằng, việc sở hữu vắc-xin dường như là bất khả thi. Thế nhưng trớ trêu thay, đảo quốc Thái Bình Dương nhỏ bé này lại là một trong số ít các quốc gia phòng chống hiệu quả dịch Covid-19.

Một vấn đề khác là ngay cả khi các chương trình tiêm chủng hiệu quả và có chấm dứt đại dịch ở một số quốc gia phát triển, bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có thể tồn tại và lan rộng ở các nước nghèo. Điều này không chỉ gây nguy cơ đối với hàng triệu người sống ở các quốc gia đó, mà còn có thể tiếp tục lây lan sang những nơi khác.

Các cơ quan y tế đang gặp nhiều khó khăn với vấn đề phân phối vắc-xin toàn cầu trong nhiều tháng nay. Katherine O’Brien, giám đốc mảng miễn dịch của WHO, nhận định hồi tháng 11 rằng việc phân phối vắc-xin đại trà khó như việc leo đỉnh núi Everest.

Thêm vào đó, thế giới vẫn có thể phải đối mặt với những trở ngại bất ngờ phía trước. Một số chuyên gia lo ngại rằng, việc triển khai vắc-xin quá nhanh chóng có thể làm người dân mất niềm tin vào cơ chế tiêm chủng, đặc biệt là loại do Pfizer và Moderna tạo ra bởi những loại vắc-xin này vốn sử dụng công nghệ mRNA mới và có thể gây ra các tác dụng phụ ngắn hạn.

Viết trên tờ Foreign Affairs, hai chuyên gia y tế Josh Michaud và Jen Kates đã cảnh báo “sự vỡ mộng về vắc-xin” trong trường hợp liều vắc-xin không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Với tình hình dịch bệnh căng thẳng và đặc biệt khi mùa đông đã đến, nước Anh đương nhiên không muốn chờ đợi. Tuy nhiên, Thủ tướng Boris Johnson đã cảnh báo đất nước không nên “quá lạc quan” tại một cuộc họp báo ở Dinh Thủ tướng vào chiều 2/12. Cùng với đó, Phó Giám đốc y tế của Anh, Jonathan Van-Tam, cho biết, đây là vấn đề của “vài tháng chứ không phải vài tuần” trước khi các chương trình tiêm chủng thực sự có hiệu lực.

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào nước Anh khi nước này bắt đầu triển khai vắc-xin Pfizer, nhưng đây không phải là câu chuyện riêng quốc gia này. Bởi lẽ, sự kết thúc của đại dịch đang ở trong tầm mắt, nhưng nỗ lực và hợp tác toàn cầu mới là điều cần thiết để thế giới đạt được mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn con virus này. (TGVN theo Washington Post)