Saturday, April 27, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc thừa nhận tin tức về việc TQ dỡ bỏ lệnh cấm than


Úc có thể sớm xuất cảng than sang Trung Quốc trở lại sau khi chính phủ liên bang quốc gia này thừa nhận khả năng nối lại quan hệ thương mại than với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Một bánh gầu xúc đất cát được xúc ra từ một khu vực khác của mỏ ở Newcastle, Úc, cảng xuất cảng than lớn nhất thế giới, hôm 05/11/2021. Hình AFP/Getty

Sau khi xuất hiện các bản tin nói rằng Bắc Kinh cho phép một số công ty quốc doanh nhập cảng than từ Úc, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết việc nối lại thương mại bình thường sẽ có lợi cho hai nước.

Một phát ngôn viên của bộ này cho biết trong các bình luận mà AAP có được: “Chính phủ Úc có quan điểm nhất quán rằng việc nối lại thương mại bình thường giữa Úc và Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho cả hai nước.”

“Quan điểm đó cũng đúng với than đá.”

Nếu tiết lộ này là đúng, đây sẽ đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc nối lại nhập cảng than của Úc kể từ khi nước này áp đặt lệnh trừng phạt thương mại không chính thức đối với Úc vào năm 2020.

Hai nước đang nỗ lực hàn gắn quan hệ ngoại giao sau bốn năm mối quan hệ này bị đóng băng sâu sắc. Ngoại trưởng Penny Wong đã đến thăm Bắc Kinh để gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 21/12/2022.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong gặp Đại sứ Úc tại Trung Quốc Graham Fletcher tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 21/12/2022. (Ảnh: AAP/Lukas Coch)
Ngoại trưởng Úc Penny Wong gặp Đại sứ Úc tại Trung Quốc Graham Fletcher tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 21/12/2022. Hình AAP

Trong số các chủ đề được thảo luận tại cuộc họp có các lệnh trừng phạt thương mại, số phận của hai người Úc bị chính quyền Trung Quốc giam giữ tùy tiện và các vấn đề nhân quyền.

Thượng nghị sĩ Wong cho biết cuộc gặp rất mang tính xây dựng nhưng không nói rõ các cuộc đàm phán đã có thể tiến triển như thế nào đối với các vấn đề trên.

Các bản tin về việc Trung Quốc nối lại nhập cảng than từ Úc

Hôm 05/01, Reuters đưa tin rằng ba doanh nghiệp nhà nước và một nhà sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc đã được bật đèn xanh để nhập cảng than từ Úc.

Theo bản tin kể trên, hôm 04/01, Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã triệu tập Tập đoàn Đại Đường Trung Quốc (China Datang Corp), Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc (China Huaneng Group), Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (China Energy Investment Corporation), và Tập đoàn Thép Bảo Vũ Trung Quốc (China Baowu Steel Group) để thảo luận về vấn đề nối lại nhập cảng than từ Úc.

Tuy nhiên, dường như các công ty này sẽ chỉ được phép mua than của Úc để sử dụng cho chính họ.

Đây không phải là lần đầu tiên tin tức về việc dỡ bỏ phong tỏa thương mại của Trung Quốc xuất hiện, vì hồi tháng 07/2022 đã có những suy đoán tương tự xảy ra nhưng không thành hiện thực.

Phản ứng của ngành khai thác than Úc

Trong khi các nhà xuất cảng than Úc giữ hy vọng về tin tức này, thì họ cũng tỏ ra thận trọng.

Hội đồng Khoáng sản Úc, đại diện cho các nhà xuất cảng than lớn trên cả nước, cho biết họ “lạc quan một cách thận trọng” trước các bản tin nói rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị dỡ bỏ phong tỏa thương mại.

Theo Sydney Morning Herald, một phát ngôn viên của Hội đồng Khoáng sản cho biết: “Việc bình thường hóa các mối quan hệ thương mại là một điều tích cực cho ngành.”

“Chúng tôi sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra… nhưng chúng tôi cũng cam kết với các cơ sở khách hàng hiện tại mà chúng tôi có.”

Trong khi đó, ông Thi Huấn Bằng (Xunpeng Shi), giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Úc-Trung, cho biết mặc dù việc nối lại thương mại than đá có thể không tạo ra lợi ích kinh tế lớn cho Úc, nhưng đó sẽ là một bước tiến trong mối bang giao giữa hai nước.

Bức ảnh này cho thấy một cây cầu băng tải đang đổ đất cát được xúc ra từ một khu vực khác của mỏ ở thị trấn Singleton, Newcastle, Úc, hôm 05/11/2021. (Ảnh: Saeed Khan/AFP/Getty Images)
Bức ảnh này cho thấy một cây cầu băng tải đang đổ đất cát được xúc ra từ một khu vực khác của mỏ ở thị trấn Singleton, Newcastle, Úc, hôm 05/11/2021. Hình AFP/Getty

Ông nói trong các bình luận mà AAP có được: “Thay đổi đó là quan trọng về mặt chính trị hơn là kinh tế… Hành động này báo hiệu Trung Quốc đã thực hiện bước đầu tiên hướng tới việc hàn gắn bang giao.”

“Suy cho cùng, không khó cho chính quyền Trung Quốc vì lệnh cấm nhập cảng này chưa bao giờ được công bố chính thức… Tuy nhiên, ngụ ý đằng sau rất quan trọng vì điều này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng cải thiện mối quan hệ song phương.”

Lệnh cấm thương mại của Trung Quốc đối với than của Úc

Năm 2020, Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế không chính thức đối với nhiều loại hàng hóa của Úc, trong đó có than đá, rượu và tôm hùm, sau khi căng thẳng leo thang giữa hai nước do một số vấn đề chính trị và sức khỏe cộng đồng.

Đến tháng 12/2020, lượng than xuất cảng của Úc sang Trung Quốc trong quý 4 đã giảm mạnh 82%, trong khi cảng than lớn nhất của nước này đã ngừng tất cả các chuyến hàng than sang Trung Quốc.

Trước khi có lệnh trừng phạt này, Úc là nhà cung cấp than lớn thứ hai cho Trung Quốc, xuất cảng hơn 70 triệu tấn than sang nước này hàng năm.

Mặc dù lệnh cấm thương mại đã ảnh hưởng đáng kể đến các nhà xuất cảng than của Úc lúc ban đầu, nhưng ngành than nước này cuối cùng đã có thể tìm được các thị trường dài hạn thay thế, trong đó có Ấn Độ.

Thực tế này có nghĩa là việc nối lại nhập cảng than của Trung Quốc có thể sẽ không mang lại lợi ích đáng kể cho ngành than của Úc.

Trong khi đó, Trung Quốc phải nhập cảng than từ các nguồn xa hơn sau lệnh trừng phạt, dẫn đến chi phí cao hơn cho ngành thép và năng lượng của nước này. (T/H, ETV)