Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ bất ngờ tuyên bố xóa nợ cho 17 nước, chuyển thêm 10 tỉ USD cho các nước châu Phi


Theo Bloomberg, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thông báo Bắc Kinh sẽ xóa nợ của 23 khoản cho vay không lãi suất cho 17 quốc gia châu Phi, đồng thời chuyển 10 tỉ USD của Trung Quốc trong quỹ dự trữ của IMF cho các quốc gia trên lục địa này.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ xóa nợ của 23 khoản vay không lãi suất cho 17 quốc gia châu Phi. Hình Reuters

Theo hãng tin Bloomberg, ngày 23/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thông báo Bắc Kinh sẽ xóa nợ của 23 khoản cho vay không lãi suất cho 17 quốc gia châu Phi, đồng thời chuyển 10 tỉ USD của Trung Quốc trong quỹ dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho các quốc gia trên lục địa này.

Theo một bài đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, quyết định trên được ông Vương công bố tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi diễn ra vào tuần trước.

Tuy nhiên, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cung cấp chi tiết về giá trị của các khoản vay đã đáo hạn vào cuối năm ngoái, cũng như không cho biết quốc gia nào đang nợ tiền Trung Quốc.

Từ năm 2000, Bắc Kinh đã công bố nhiều đợt xóa nợ đối với các khoản vay không lãi suất cho các nước châu Phi. Theo một nghiên cứu do Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) công bố, tính đến năm 2019, Bắc Kinh đã xóa ít nhất 3.4 tỉ USD tiền nước ngoài nợ mình.

Trung Quốc đồng thời chuyển 10 tỉ USD trong quỹ dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho các quốc gia trên lục địa này.

Những khoản nợ được hủy giới hạn trong các khoản vay viện trợ nước ngoài không lãi suất đến hạn. Zambia được hủy nhiều nợ nhất trong khoảng thời gian đó.

Tuy nhiên, phần lớn các khoản cho vay gần đây của Trung Quốc ở châu Phi, đơn cử như các khoản vay ưu đãi và các khoản vay thương mại chưa từng được xem xét hủy bỏ, mặc dù một số khoản đã được tái cơ cấu, theo két quả nghiên cứu.

Lạm phát gia tăng kéo theo việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, làm tăng chi phí chi trả các khoản vay nước ngoài.

Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển đã đang mắc số nợ trị giá 250 tỉ USD, tạo ra nguy cơ vỡ nợ đồng loạt của nhiều nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn từ trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị chỉ trích về ‘ngoại giao bẫy nợ’. Hình AFP

Theo Ngân hàng Thế giới, Bắc Kinh hiện là chủ nợ của khoảng 40% tổng nợ song phương và nợ tư nhân mà các quốc gia nghèo nhất thế giới cần phải chi trả trong năm nay.

Quyết định xóa nợ của Trung Quốc được cho là một bước đi nhằm xây dựng quan hệ với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Hiện Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để giành ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Năm 2021, IMF đã hỗ trợ số tiền kỷ lục 650 tỉ USD nhằm giúp các nước thành viên vượt qua tác động của COVID-19. Tuy nhiên, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã thúc giục các quốc gia giàu hơn dành các khoản vay dự trữ để giúp đỡ những quốc gia nghèo hơn.

Theo Bloomberg, riêng Trung Quốc đã nhận được số tiền khoảng 38.2 tỉ USD thông qua việc IMF áp dụng quyền rút vốn đặc biệt gần đây.

Ông Vương nói rằng Trung Quốc sẵn sàng chuyển quyền rút vốn đặc biệt trị giá 10 tỉ USD của Trung Quốc thông qua hai quỹ tín thác do IMF lập ra để giúp đỡ các quốc gia nghèo và thu nhập trung bình. (T/H, PLO)