Thursday, March 28, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tòa án Hình sự Quốc tế từ chối điều tra việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) chuyên xét xử tội ác diệt chủng, hôm 14/12/2020 đã từ chối mở điều tra về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, vì Trung Quốc không phải là thành viên.

Ảnh minh họa : Chưởng lý Fatou Bensouda của Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) tại La Haye, Hà Lan.
Chưởng lý Fatou Bensouda của Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) tại La Haye, Hà Lan. Hình ICC-CPI.

Văn phòng chưởng lý Fatou Bensouda của Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, trong thông cáo nói rằng đó là những sự kiện xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc, và Bắc Kinh không ký kết Quy chế Roma thành lập CPI, nên việc điều tra là bất khả.

Theo CPI, do điều kiện tiên quyết này không được đáp ứng nên không thể thụ lý đơn kiện của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lưu vong. Ngoài ra, về việc trục xuất người Duy Ngô Nhĩ sống ở Tadjikistan và Cam Bốt sang Trung Quốc, « hiện chưa có đủ yếu tố để mở điều tra ».

Trong khi đó cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ sống ở nước ngoài cho rằng Tadjikistan và Cam Bốt đều là thành viên quy chế Roma, và hành động cưỡng bức diễn ra trên lãnh thổ các nước này, nên CPI hoàn toàn có thể tiến hành điều tra.

Các tổ chức nhân quyền và chuyên gia tố cáo hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi đã bị tống vào các trại cải tạo ở Tân Cương, nơi mà Bắc Kinh gọi là « trung tâm dạy nghề ».

▻Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Nhận định của một chuyên viên điều tra của Tòa  án Hình sự quốc tế (ICC) tại Den Haag – Hà Lan: Nguyễn Phú Trọng là

Trước đó khi trả lời TV5, bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch (HRW) khẳng định, qua hai năm điều tra, tổ chức này đã ghi nhận tình trạng bắt giam tùy tiện hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, tra tấn, cưỡng bức triệt sản…

Dù Trung Quốc không phải là thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế, vẫn có thể truy tố ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, tuy nhiên đây là tiến trình giữa các Nhà nước. Cần có một chính phủ quyết tâm đưa Trung Quốc ra trước tòa án này, như Gambia đã kiện Miến Điện về tội diệt chủng người Rohingya, nhưng điều này không dễ dàng với một nước lớn như Trung Quốc.

Dân biểu châu Âu Raphael Glucsmann hôm nay khi trả lời Libération cho biết một nghị quyết khẩn cấp về lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ sẽ được Nghị Viện Châu Âu xem xét vào thứ Năm 17/12. Theo ông, do thiếu vắng phản ứng quốc tế, chế độ Bắc Kinh tự cho mình có thể đi xa hơn trong việc đàn áp. (RFI)