Friday, April 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, thọ 95 tuổi (1926-2022)


Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa qua đời tại chùa Từ Hiếu, Huế vào lúc 12 giờ sáng ngày 22 tháng 1 năm 2022, thọ 95 tuổi. Trang Facebook Làng Mai thông báo tin này vào sáng sớm ngày 22/1/2022.

Sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, vào lúc 00:00 ngày 22 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), Thiền sư pháp hiệu trước Nhất sau Hạnh, Niên Trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu đã thâu thần thị tịch tại Tổ đình, nơi Người đã xuất gia cách đây 80 năm.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tạ thế, nhưng những di sản tinh thần của ông thì sẽ còn ở lại với đời rất lâu. Thiền sư là nhân vật Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. 

Làng Mai là một cộng đồng do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập với mục đích làm nơi tu hành và giảng dạy Phật giáo.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người được đánh giá là một nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài.

Từ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện vì cộng đồng ở miền Nam Việt Nam. Ông cũng đến Hoa Kỳ nhiều lần để diễn thuyết và giảng dạy Phật Giáo tại các đại học danh tiếng ở Mỹ như Princeton, Viện Đại học Cornell. Ông là tác giả của hàng trăm cuốn sách trong đó có nhiều cuốn viết bằng tiếng Anh.

Mục sư Martin Luther King vinh danh Thiền sư như là “một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Hình AP

Thiền sư Thích Nhất Hạnh rời Việt Nam vào năm 1966. Năm 1967, ông được Mục sư Martin Luther King Jr. đề cử Giải Nobel Hoà Bình.

Năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị cấm về Việt Nam và phải ở lại Pháp cho đến năm 2005 ông được lần đầu trở về quê hương. Đây là giai đoạn Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần phải theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Chính quyền Hà Nội vào lúc đó cũng đang muốn đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và phải có những nhượng bộ nhất định trong vấn đề nhân quyền bao gồm tôn giáo theo yêu cầu của các nước phương Tây.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được Chính phủ Hà Nội cho phép xây dựng một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai ở tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Đồng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới.

Vào năm 2006, Hoa Kỳ bỏ tên Việt Nam khỏi danh sách CPC.

Sau đó, Thiền sư còn về lại Việt Nam vào các năm 2007 và 2008.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Làng Mai do ông sáng lập với chính quyền Việt Nam trở nên căng thẳng vào năm 2008, khi Công an tỉnh Lâm Đồng ra công văn trục xuất khoảng 400 tu sinh Làng Mai khỏi tu viện Bát Nhã. Từ khoảng giữa năm 2009 đến cuối năm 2009, các tu sinh Làng Mai ở tu viện Bát Nhã liên tục bị những nhóm người lạ mặt đến tấn công.

Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. Thiền Sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị.

Đến cuối năm 2009, khoảng gần 200 tu sĩ Làng Mai cư ngụ tại chùa Phước Huệ bị yêu cầu phải rời khỏi chùa này chậm nhất là vào ngày 31 tháng 12. Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào lúc đó đã phải nộp đơn lên Tổng thống Pháp Sarkozy xin cho 400 tu sĩ Làng Mai ở Bát Nhã được tị nạn ở Pháp.

Ông cũng cáo buộc chính quyền Việt Nam đã đối xử thô bạo với các tu sinh Làng Mai trong bức thư gửi các tu sinh vào năm 2009:

Tiền đâu để họ thuê côn đồ? Đó có phải là tiền thuế mà dân nạp cho họ để họ có lương bỗng để sống và để làm những việc thất đức như vậy? Tại sao lại giả danh Phật tử để đánh phá Phật tử, giả danh nhân dân để dối gạt và đàn áp nhân dân?”

Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ… Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp Thiền sư cũng đã tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hoá Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn hậu lai. Hình Reuters

Năm 2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị tai biến và không nói được nhưng tinh thần vẫn minh mẫn.

Năm 2017, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở lại Việt Nam và sau đó xin cư ngụ tại Tổ đình Từ Hiếu ở Huế. (T/H, RFA)