Thursday, April 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thế giới đối mặt nguy cơ thừa vắc-xin ngừa Covid-19


Sau khi lao vào chạy đua để nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng các đơn hàng mua vắc-xin Covid-19 tưởng như bất tận, ngành công nghiệp vắc-xin toàn cầu đang phải đối mặt với nhu cầu suy yếu khi nhiều nhà sản xuất gia nhập ở giai đoạn sau phải cạnh tranh trên một thị trường đang có dấu hiệu chững lại.

Các lọ vắc-xin Covid-19 đã sử dụng của hãng dược Pfizer. Hình Bloomberg

Xu hướng này sẽ kìm hãm doanh số bán hàng khổng lồ mà các “đại gia” dược phẩm toàn cầu từ Pfizer đến AstraZeneca Plc đã kiếm được ​​vào thời điểm cao trào của đại dịch Covid-19. Nó cũng tạo ra những khó khăn mới cho các nhà sản xuất vắc-xin địa phương từ Ấn Độ đến Indonesia, những nước đã chạy đua xây dựng năng lực sản xuất vắc-xin Covid-19 nhưng hiện đang vật lộn với nguồn cung dư thừa.

Ngay cả khi các mũi tiêm tăng cường có khả năng duy trì nhu cầu đối với vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới, tình trạng thiếu hụt vắc-xin trầm trọng trong phần lớn năm ngoái đã dần lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó, một sự đảo ngược nhanh chóng đang diễn ra với nguy cơ cao nguồn cung vắc-xin Covid-19 sẽ trở nên dư thừa.

Nguồn cung đang vượt nhu cầu

Trên toàn thế giới, hơn 11 tỉ liều vắc-xin Covid-19 đã được sử dụng, với tỷ lệ bao phủ vắc-xin đang nhích lên ở các nước nghèo. Sau khi vật lộn với nguồn cung vắc-xin thiếu hụt trầm trọng vào năm ngoái, hồi tháng 1, Covax, sáng kiến phân phối vắc-xin công bằng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết nguồn cung vắc-xin  đang vượt quá nhu cầu.

Hoạt động phân phối, năng lực tiêm chủng và thái độ nghi ngại vắc-xin giờ đây là các thách thức chính để triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 ở những nơi như châu Phi.

Bloomberg Intelligence nhận định các dự báo cho rằng doanh thu vắc-xin Covid-19 của Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson có thể đạt tổng cộng 61 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, cao hơn một chút so với doanh số bán hàng năm 2021, có thể “quá lạc quan”. Sự thiếu nhiệt tình đối với liều tiêm thứ tư ở Israel được xem như là dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu toàn cầu đang giảm dần.

Scott Rosenstein, cố vấn y tế của Công ty tư vấn Eurasia, nói: “Nguồn cung vắc-xin Covid-19 đang vượt nhu cầu ở hầu hết nhiều nơi trên thế giới, ngay cả khi nhiều nước triển khai các mũi tiêm tăng cường. Khi mọi người nhận thức rằng biến thể Omicron ít có khả năng dẫn đến bệnh nặng và vắc-xin Covid-19 không làm tốt công việc ngăn ngừa lây nhiễm dù bảo vệ chống lại các triệu chứng nặng, nhu cầu đối với vắc-xin Covid-19 đã giảm đáng kể”.

Số lượng mũi tiêm vắc-xin Covid-19 cần thiết trong những năm tới dự kiến ​​sẽ giảm so với những ngày đầu của đại dịch.

Trong khi đó, số lượng nhà sản xuất mới gia nhập thị trương vắc-xin ngày càng tăng.

Theo Công ty phân tích thị trường sức khỏe toàn cầu Airfinity, hơn 9 tỉ liều vắc-xin Covid-19 có thể được sản xuất trong năm 2022 nhưng nhu cầu có thể giảm về mức từ 2.2-4.4 tỉ liều mỗi năm kể từ năm 2023 trở đi.

Airfinity dự báo doanh thu vắc-xin Covid-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) có thể suy giảm trong năm 2022 sau khi đạt 4 tỉ đô la vào năm 2021. Doanh thu vắc-xin Covid-19 của Pfizer đạt 36.8 tỉ đô la vào năm ngoái nhưng hồi cuối tháng 1, hãng dược này cho biết chỉ kỳ vọng doanh thu vắc-xin trong năm nay đạt 32 tỉ đô la.

Ấn Độ “đau đầu” với năng lực sản xuất dư thừa

Ấn Độ, nước có ngành công nghiệp vắc-xin lớn nhất thế giới, đang đau đầu ứng phó với vấn đề nguồn cung vắc-xin Covid-19 dư thừa ở trong nước lẫn trên toàn cầu. Một số chuyên gia ở Ấn Độ hoài nghi về tính cần thiết của các mũi tiêm tăng cường vì cho rằng hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh của chúng chỉ kéo dài thêm vài tuần.

Công ty dược sinh học Biological E. Ltd. (BioE), nhà sản xuất vắc-xin có trụ sở ở TP. Hyderabad, miền nam Ấn Độ, đã đầu tư 15 tỉ rupee (195 triệu đô la) để tăng gấp đôi công suất lên mức 4 triệu liều vắc-xin Covid-19 mỗi ngày.

Corbevax, vắc-xin Covid-19 của BioE, đã được giới chức trách Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho người lớn vào tháng 12 năm ngoái và sau đó là cho trẻ từ 12-18 tuổi vào tháng trước. Tuy nhiên, khi mà hầu hết người trưởng thành ở nước đông dân thứ hai thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ và chính phủ Ấn Độ cũng không sốt sắng mở rộng chiến dịch tiêm mũi tăng cường, vẫn không rõ BioE sẽ bán thêm được thêm bao nhiêu liều vắc-xin Corbevax ngoài 300 triệu liều mà New Delhi đã đặt mua.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giám đốc điều hành BioE Mahima Datla cho biết thách thức thực sự đối với công ty là sẽ làm thế nào để sử dụng hết công suất tăng thêm.

Bà nói: “Bạn sẽ không thể sa thải nhân viên hoặc đóng cửa một nửa nhà máy của bạn ngay được”.

BioE không phải là nhà sản xuất vắc-xin duy nhất của Ấn Độ đối mặt với hiện thực phũ phàng đó. Vắc-xin Covid-19 của hãng dược Zydus Lifesciences, có trụ sở ở TP. Ahmedabad, đã được phê duyệt sử dụng vào cuối năm ngoái, nhưng mới chỉ có chính phủ Ấn Độ đặt hàng 10 triệu liều. Tháng trước, Sharvil Patel, Giám đốc điều hành Zydus Lifesciences, thừa nhận ông “không chắc chắn” về các cơ hội kinh doanh tiếp theo.

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc-xin lớn hàng đầu thế giới, đã cung cấp 2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 vào năm ngoái. Song, Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành SII, cho biết hồi tháng 12 công ty đã dừng sản xuất do thiếu đơn hàng.

 Cơ hội cho vắc-xin ngừa các căn bệnh khác

“Một trong những câu hỏi lớn phía trước là chúng ta phải làm gì với tất cả năng lực sản xuất vắc-xin này khi nhu cầu suy giảm”, Rosenstein nói.

Giám đốc điều hành BioE Mahima Datla cho biết công ty bà có thể chuyển đổi mục đích sử dụng các dây chuyền sản xuất vắc-xin Covid-19. Bà cũng hy vọng sẽ cung cấp vắc-xin Corbevax để thay thế cho các vắc-xin Covid-19 khác đang hết hạn. Để xuất khẩu ra toàn cầu, trước hết, vắc-xin Corbevax cần được WHO phê duyệt, song cho đến nay, dữ liệu về tính hiệu quả của nó vẫn chưa được công bố.

Các nhà cung cấp vắc-xin khác của Ấn Độ cũng đang xem xét cơ hội kinh doanh các vắc-xin khác ngoài Covid-19.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh ở TP. Chennai, Ấn Độ hôm 16/3. Hình Getty

“Chúng tôi tin rằng không chỉ vắc-xin Covid-19, mà vắc-xin cúm mùa, vắc-xin phế cầu và vắc-xin cho các căn bệnh bị lãng quên khác, sẽ bắt đầu tạo ra các cơ hội kinh doanh rất quan trọng”, Kiran Mazumdar Shaw, Chủ tịch Biocon, hãng dược sinh học lớn nhất Ấn Độ, nói. Năm ngoái, Biocon đã ký thỏa thuận mua 100 triệu liều vắc-xin các loại mỗi năm từ SII.

Ở những nơi khác trên thế giới, một số nhà phát triển vắc-xin Covid-19 đã “dừng cuộc chơi”.

Trong tháng này, hãng dược Kalbe Farma của Indonesia thông báo chấm dứt hợp tác phát triển một loại vắc-xin Covid-19 sử dụng công nghệ DNA với hãng công nghệ sinh học Genexine của Hàn Quốc do các nguồn cung vắc-xin Covid-19 hiện nay đang dồi dào. Tuy nhiên, Kalbe Farma cho biết sẽ sử dụng công nghệ DNA để phát triển vắc-xin ngừa các căn bệnh khác.

Một số nhà sản xuất vắc-xin vẫn kỳ vọng vào nhu cầu mũi tiêm tăng cường trong khi họ tìm cách phát triển phiên bản vắc-xin Covid-19 ưu việt hơn các sản phẩm ban đầu.

Gary Dubin, Chủ tịch phụ trách đơn vị vắc-xin của hãng dược Takeda Pharmaceutical (Nhật Bản), cho rằng dù vẫn còn những hoài nghi về việc liệu mũi tiêm tăng cường theo định kỳ có cần thiết hay không, tình hình có thể nhanh chóng thay đổi nếu các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện. (T/H, KTSG)