Friday, May 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Rồng bay đáng sợ ăn thịt cả khủng long từng thống trị Úc

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học cho thấy trên bầu trời Úc khoảng 105 triệu năm từng có loài ‘rồng bay’ thống trị.

‘Rồng bay’, có tên là Thapunngaka shawi, bay vút qua một vùng biển nội địa cổ xưa bao phủ phần lớn vùng hẻo lánh của Queensland cách đây 105 triệu năm. Nó được xác định từ một hóa thạch hàm dưới.

Các nhà khai thác hoá thạch trước đó đã thu được hóa thạch của loài này có sải cánh dài gần 7 mét từng thuộc loài bò sát bay lớn nhất Úc.

‘Rồng bay’ Úc thực chất là loài dực long, có khả năng bay trên một vùng biển rộng lớn, bao phủ phần lớn vùng hẻo lánh ở Queensland, được gọi là Biển nội địa Eromanga. Cái miệng hình ngọn giáo của nó rất thích hợp để câu cá trên biển.

Tim Richards, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của Đại học Queensland, làm việc tại Phòng thí nghiệm Khủng long của Trường Khoa học Sinh học, đã phân tích một hóa thạch hàm của loài dực long.

Nhà khai thác hóa thạch Len Shaw lần đầu tiên tìm ra tại một mỏ đá ở phía tây bắc Richmond ở tây bắc Queensland vào tháng 6/2011.

Tim Richards và hoá thạch rồng bay phát hiện ở Queensland.

Tim Richards nói rằng dực long sẽ là một “con thú đáng sợ” có khả năng ăn thịt những con khủng long nhỏ.

Tim Richards, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Đó là những gì sớm nhất mà chúng ta có được về một con rồng ngoài đời thực. Về cơ bản nó chỉ là một chiếc đầu lâu có cổ dài gắn trên một đôi cánh dài, vô cùng tàn bạo”.

Các nhà khoa học đặt tên cho loài mới là Thapunngaka shawi, kết hợp tên của người đầu tiên tìm thấy trong khu vực Richmond, nơi tìm thấy hóa thạch và một số ngôn ngữ của người bản địa Úc Wanamara.

Steve Salisbury, đồng tác giả nghiên cứu và giảng viên cao cấp tại Đại học Queensland, cho biết: “Tên loài, shawi, tôn vinh người phát hiện ra hóa thạch Len Shaw”.

Nó được phát hiện tại Wanamara Country, gần Richmond ở Tây Bắc Queensland bởi các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Queensland, người đã phân tích một hóa thạch hàm của sinh vật để xác định tình trạng của nó là loài bò sát bay lớn nhất Úc.

Chiếc mào khổng lồ bằng xương ở hàm dưới của Thapunngaka shawi thu hút sự chú ý của các nhà khoa học. Họ tin rằng có khả năng cũng có một chiếc tương tự ở hàm trên.

Steve Salisbury cho biết: “Những chiếc mào đóng vai trò quan trọng trong động lực bay của những sinh vật này. Hy vọng rằng nghiên cứu trong tương lai sẽ đưa ra những câu trả lời xác đáng hơn”.

Toàn bộ hộp sọ dài hơn 1mét và chứa 40 chiếc răng. Loài mới phát hiện là một phần trong nhóm các loài ăn thịt có tên gọi là Anhanguera. Những con dực long này đã từng bay qua mọi lục địa.

Nó có sải cánh dài 23ft và là ‘thứ gần nhất mà chúng ta có với một con rồng ngoài đời thực’, theo tác giả nghiên cứu Tiến sĩ Tim Richards.

Xương có thành mỏng của chúng phần lớn là rỗng, có nghĩa là loài dực lòng này hoàn toàn thích nghi với việc bay, nhưng trong hồ sơ hoá thạch, xương của chúng không được bảo quản tốt.

Richards cho biết: “Thật đáng kinh ngạc khi phát hiện ra những hóa thạch của sinh vật này. Có rất ít hoá thạch, thông tin về loài dực long, việc phát hiện ra Thapunngaka góp phần rất lớn vào sự hiểu biết của con người về sự đa dạng các loài dực long ở Úc”.

Phát hiện mới nhất đánh dấu loài dực long Anhanguera thứ 3 được tìm thấy ở Úc. Tất cả hóa thạch dực long ở Úc đều được khai quật tại phía tây Queensland. Hóa thạch được trưng bày tại bảo tàng Kronosaurus Korner ở Richmond. (VNN)