Friday, April 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Rò rỉ tài liệu cho thấy Bắc Kinh để mắt đến các cảng mới, các cơ sở đánh cá ở Quần đảo Solomon


Theo một tài liệu rò rỉ gần đây, Bộ Thương mại của Bắc Kinh đã hứa sẽ mở ra cơ hội cho các cầu cảng mới, cho việc đóng tàu, các cơ sở đánh cá, và phát triển năng lượng sạch ở Quần đảo Solomon, ám chỉ về khả năng một thỏa thuận an ninh gây tranh cãi có thể mở ra cánh cửa cho quân sự hóa khu vực.

Bản đồ các nước láng giềng gần nhất của Úc ở Tây Thái Bình Dương. Hình ANU/Dịch vụ CartoGIS

Tiết lộ mới nhất được đưa ra sau khi một thỏa thuận trước đó xuất hiện liên quan đến việc một công ty hàng không quốc doanh của Bắc Kinh hỏi lãnh đạo tỉnh Isabel ở quốc gia Thái Bình Dương này về các địa điểm để phát triển cơ sở hạ tầng hải quân cho Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Tài liệu mới nhất được báo Úc tìm thấy lần này là bản dự thảo Biên bản Ghi nhớ về Tăng cường Hợp tác Kinh tế Biển (pdf) giữa Bắc Kinh và đối tác Quần đảo Solomon trong khuôn khổ dự án Con đường Tơ lụa Hàng hải của Trung Quốc.

Biên bản ghi nhớ sẽ chứng kiến ​​cả hai bên hợp tác hướng tới liên kết đối tác “đôi bên cùng có lợi” và “hợp tác sâu sắc hơn” trong nền kinh tế biển và công nghệ xanh.

Cả hai nước sẽ cố gắng khuyến khích đầu tư kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như đánh bắt công nghiệp, công nghệ hàng hải, du lịch, năng lượng tái tạo (phong điện, điện thủy triều), khoan dầu ngoài khơi, cũng như xây dựng cảng, cáp ngầm, và đóng tàu.

Thỏa thuận được đưa ra khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng ở Quần đảo Solomon.

Tàu tuần tra lớp Armidale của Úc, HMAS Armidale, tuần tra bờ biển Honiara, Quần đảo Solomon, hôm 04/12/2021. Hình CPL Brodie Cross/ADF

Tuần trước (02-08/05), ĐCSTQ và Quần đảo Solomon đã ký kết về việc xây dựng một trung tâm y tế mới tại bệnh viện lớn nhất quốc gia Thái Bình Dương, Bệnh viện Chuyên khoa Quốc gia (National Referral Hospital, NRH) ở thủ đô Honiara.

Trong khi đó, những lo ngại tiếp tục gia tăng sau khi ký kết chính thức “Hợp tác an ninh giữa Quần đảo Solomon và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” cho phép Bắc Kinh điều động cảnh sát, quân đội, vũ khí, và thậm chí cả tàu hải quân với sự đồng ý của Quần đảo Solomon được cho là “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn ở Quần đảo Solomon,” theo bản thảo bị rò rỉ của tài liệu.

Sự xuất hiện của hiệp ước an ninh này đã làm dấy lên một loạt hoạt động ngoại giao từ các đồng minh dân chủ, bao gồm các chuyến thăm của điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell của chính phủ ông Biden và gần đây là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Úc Marise Payne và người đồng cấp thuộc Quần đảo Solomon, ông Jeremiah Manele ở Brisbane hôm 06/05.

“Chúng tôi đã nhắc lại những lo ngại sâu sắc của mình về thỏa thuận an ninh với Trung Quốc, bao gồm cả sự thiếu minh bạch,” bà nói trong một tuyên bố. “Tôi một lần nữa hoan nghênh sự bảo đảm của Thủ tướng (Manasseh) Sogavare rằng Quần đảo Solomon sẽ không được sử dụng làm căn cứ quân sự của ngoại quốc.”

Tuy nhiên, vào đầu tháng Tư, một bức thư bị rò rỉ từ Công ty Kỹ thuật Dự án Quốc tế AVIC cho thấy công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đang tích cực tìm kiếm các địa điểm để phát triển cơ sở hạ tầng hải quân ở nước này.

Trong tài liệu do Bộ Quốc phòng Úc cung cấp này, Chỉ huy trưởng Nhóm Đặc nhiệm Liên hợp 637.3, Trung tá Steve Frankel (bên trái) và Binh nhì Thomas Rixon xem Tàu tuần tra lớp Armidale, HMAS Armidale, ra khơi vào Cảng Honiara, ở Đảo Guadalcanal, Quần đảo Solomon, hôm 01/12/2021. Hình CPL Brandon Grey/Bộ Quốc phòng Úc/Getty

Điều này xảy ra khi ĐCSTQ bị theo dõi gắt gao vì tuân theo học thuyết hợp nhất quân sự-dân sự, cho phép đảng sử dụng các công nghệ và phát triển dân sự hiện có cho mục đích quân sự.

Vấn đề nổi lên khi hàng ngàn giáo sư Trung Quốc làm việc tại các trường đại học ở các nước phương Tây thực sự có liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân và sử dụng bí quyết và nghiên cứu mà họ có được để thúc đẩy sự phát triển của quân đội ĐCSTQ.

Giáo sư Anne-Marie Brady, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Canterbury ở New Zealand, đã cáo buộc Bắc Kinh “liên tục” cố gắng tiếp cận các phi trường và cảng quan trọng về mặt quân sự ở Nam Thái Bình Dương.

“Trung Quốc cung cấp vũ khí, phương tiện quân sự và tàu thuyền, quân phục, chương trình huấn luyện, và các tòa nhà quân sự” cho các lực lượng vũ trang của Fiji, Papua New Guinea, Tonga, Vanuatu, và giờ đây là Quần đảo Solomon,” bà Brady viết trên Twitter.

“Trung Quốc sử dụng các tàu hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) để tiến hành các chuyến đi quân sự thường xuyên tới Thái Bình Dương. Các tàu do thám vũ trụ Viễn Vọng (Yuanwang) của PLA khai triển tới Thái Bình Dương trong các vụ phóng hỏa tiễn và vệ tinh, sử dụng Papeete (thủ đô của Polynesia thuộc Pháp) và Suva (thủ đô của Fiji) làm các cảng căn cứ của họ,” bà nói. “Trung Quốc đang sử dụng các đại sứ quán ở Thái Bình Dương làm địa điểm cho các trạm mặt đất của [hệ thống định vị] Bắc Đẩu. Giống như GPS, nó là một công nghệ quân sự rất quan trọng để nhắm bắn bằng hỏa tiễn.” (T/H, ETV)