Wednesday, April 17, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nợ công của Úc lên đến 590 tỷ AUD do Covid-19

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nợ công của Úc tính đến năm 2022 dự kiến sẽ đạt con số 590 tỷ AUD, tương đương 77% GDP.

Trong số 35 quốc gia có nền kinh tế phát triển được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) theo dõi, Úc được tổ chức này đánh giá là chịu thiệt hại khá lớn từ tác động của đại dịch Covid-19. Sau khi xem xét các khoản chi lớn của Úc nhằm hỗ trợ nền kinh tế đứng vững trước đại dịch toàn cầu, IMF cho rằng nước này sẽ phải gánh khoản nợ công lên đến khoảng 590 tỷ AUD vào năm 2022.

Là quốc gia có tổng sản phẩm nội địa (GDP) hàng năm khoảng 2,000 tỷ AUD, nhưng Covid-19 đã buộc Úc phải chi ngân sách hàng trăm tỷ AUD để đối phó với dịch bệnh, cứu các doanh nghiệp và hỗ trợ người dân.

Theo IMF, tổng mức nợ công của chính phủ liên bang cùng với 8 bang và vùng lãnh thổ tại Úc sẽ tăng từ mức tương đương 47.5% GDP vào năm 2019 lên 77% GDP vào năm 2022. Với mức tăng nợ công tương đương 29.5% GDP, Úc sẽ là quốc gia có mức tăng nợ công lớn nhất trong số 35 nước phát triển.

Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg khẳng định nền kinh tế Australia đang phục hồi nhanh và mạnh hơn sau cuộc khủng hoảng do Covid-19.(Ảnh: ABC).
Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg khẳng định nền kinh tế Úc đang phục hồi nhanh và mạnh hơn sau cuộc khủng hoảng do Covid-19. (Hình ABC).

Mặc dù có mức nợ công tăng  cao, nhưng Úc được đánh giá sẽ sớm thoát khỏi suy thoái kinh tế do Covid-19. Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, IMF dự báo Úc sẽ có mức tăng trưởng kinh tế 4.5% trong năm 2021, cao hơn 1% so với mức dự báo của tổ chức này đưa ra vào tháng 1 vừa qua.

Theo Tổng trưởng Ngân khố Liên bang Josh Frydenberg, dự báo của IMF đã khẳng định tính hiệu quả của khoản hỗ trợ kinh tế trực tiếp trị giá 251 tỷ AUD của chính phủ Úc. Nền kinh tế đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng nhanh hơn và mạnh hơn so với các dự báo trước đây. Dự kiến nợ ròng của Úc sẽ đạt đỉnh 43% GDP, chưa bằng một nửa so với mức trung bình của các nền kinh tế phát triển hiện nay.

Cũng theo đánh giá của IMF, các nước trên thế giới đến nay đã chi 16,000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia tránh nguy cơ sụp đổ từ đại dịch. Nếu không có các phản ứng kịp thời này, tác động từ Covid-19 sẽ lớn gấp 3 lần so với hiện nay./. (VOV)