Thursday, April 18, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhiều nước cương quyết với người chưa tiêm chủng COVID-19 để phòng chống dịch


Nhiều nước đang áp đặt quy định hạn chế mới nhằm vào những người chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, nhằm tăng độ che phủ của vắc-xin, hỗ trợ phòng chống dịch.

Theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), người chưa tiêm vắc-xin có nguy cơ cao lây nhiễm cao gấp 6 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 10 lần so với người đã hoàn tất tiêm chủng ngừa COVID-19. Nhiều nghiên cứu khác cũng khẳng định xu hướng này, nhưng vẫn còn nhiều người chưa quyết định tiêm vắc-xin và trở thành đối tượng dễ bị tổn thương trong làn sóng lây nhiễm mới.

Nhiều nước đã bắt đầu triển khai các biện pháp hạn chế mạnh tay đối với người chưa tiêm chủng. Singapore hồi đầu tuần này cho biết sẽ ngừng chi trả hóa đơn điều trị COVID-19 đối với những người “lựa chọn không tiêm chủng”, chính thức có hiệu lực từ ngày 8/12 tới. “Chúng tôi muốn gửi tín hiệu quan trọng này để khuyến khích mọi người đủ điều kiện đi tiêm vắc-xin”, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung phát biểu tại cuộc họp báo hôm 8/11.

Singapore hiện đạt tỉ lệ tiêm chủng 82.7% đối với toàn bộ dân số và là nước có hệ thống y tế tốt nhất thế giới, dựa phần lớn vào dịch vụ y tế tư nhân. Quyết định mới nhất đồng nghĩa với việc bệnh viện sẽ tính tiền điều trị đối với người nhiễm COVID-19, chuyển biến nặng và phải nhập viện điều trị.

Một điểm tiêm ngừa vắc-xin tại quận Schwaz, tiểu bang Tyrol, Áo. Hình APA

Chính phủ Áo ngày 11/11 cho biết việc phong tỏa với người chưa tiêm vắc-xin trên phạm vi toàn quốc có thể là điều “khó tránh khỏi”. Biện pháp mới dự kiến sẽ được triển khai từ ngày 15/11 tại bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch là Austria Thượng (Upper Austria), trong bối cảnh Áo hiện phải đối diện với lây nhiễm gia tăng.

Trong chuyến thị sát tới Bregenz, thủ phủ tiểu bang miền tây Vorarlberg cùng ngày, Thủ tướng Alexander Schallenberg cảnh báo người đủ điều kiện nhưng chưa tiêm vắc-xin có thể sẽ bị phong tỏa và đối diện với một mùa đông, dịp lễ Noel “không mấy dễ chịu”. Theo quy định mới, chứng nhận vắc-xin cũng chỉ có hiệu lực sau 9 tháng kể từ khi hoàn tất tiêm mũi hai. Muốn phục hồi lại chứng nhận, người dân sẽ phải tiêm mũi tăng cường.

Áo mới đây đã triển khai một loạt biện pháp để ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 và khuyến khích người dân đi tiêm vắc-xin. Ngày 8/11, Áo áp dụng quy định mới, không cho phép người chưa tiêm chủng được tới nhà hàng, khách sạn, hiệu cắt tóc và tham dự các sự kiện công cộng. Hiện vẫn còn tới 33.1% người Áo chưa thực hiện bất kỳ mũi tiêm nào.

Thủ tướng Schallenberg trước đó từng cảnh báo người đủ điều kiện nhưng không tiêm vắc-xin có thể sẽ đối mặt với quy định hạn chế về phong tỏa nếu số ca nhiễm mới tăng mạnh. Tỉ lệ lây nhiễm tại Áo trong ngày 11/11 là 760.6 ca nhiễm mới/100,000 dân tính trong 7 ngày gần đây. Tỉ lệ này cao gấp ba lần so với Đức, nước cũng đang trong tình trạng báo động về bùng phát số ca nhiễm.

Một số tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh tại Đức đã áp đặt biện pháp không cho phép người chưa tiêm chủng dù đủ điều kiện được lui tới các địa điểm trong không gian kín như nhà hàng, hộp đêm.

Bắt đầu từ ngày 15/11 tới, thủ đô Berlin sẽ áp dụng quy tắc 2-G trên toàn thành phố. Theo đó, người vào các nhà hàng, rạp chiếu phim hay các sự kiện phải là những người đã tiêm đủ hoặc đã khỏi bệnh, ngoại trừ người dưới 18 tuổi. Biện pháp mới là để đối phó với xu hướng “gia tăng ca nhiễm mới, tạo sức ép đối với các phòng điều trị tích cực”, chính quyền thành phố giải thích.

Tại Úc, chính quyền tiểu bang New South Wales áp quy định người chưa tiêm chủng trên 16 tuổi sẽ không được phép tới thăm nhà người khác, ngoại trừ một số trường hợp rất hãn hữu. Những người này cũng không được phép tới rạp chiếu phim, bảo tàng, sự kiện tập trung đông người ngoài trời quy mô từ 2,000 trở lên. (tintuc)