Monday, April 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ngoại trưởng Úc: An ninh Thái Bình Dương là trách nhiệm của các nước trong khu vực


Tiếp tục chuyến công du thứ hai tới Thái Bình Dương để củng cố quan hệ, quảng bá chính sách mới của Úc và cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, hôm Thứ Sáu 3/6 Ngoại trưởng Úc Penny Wong đang ở thăm Vương quốc Tonga và có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của nước này.

Vua Tonga Tupou VI đón tiếp Tổng trưởng Ngoại giao, Thượng nghị sĩ Penny Wong và phái đoàn của cô tại Cung điện Hoàng gia. Nuku’alofa, ngày 3 tháng 6 năm 2022. Hình Tonga Online

Trong tuyên bố đưa ra tại đây, Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm an ninh ở Thái Bình Dương thuộc về các nước trong khu vực.

Vương quốc Tonga là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du thứ 2 tới các quốc đảo Thái Bình Dương trong 2 tuần qua của Ngoại trưởng Úc Penny Wong. Hôm Thứ Năm 2/6, Ngoại trưởng Penny Wong đã tới Samoa sau khi bà đến Fiji vào tuần trước.

Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni (giữa, hàng 1) cùng với một số Bộ trưởng của Tonga chụp ảnh cùng Ngoại trưởng Úc Penny Wong. Hình TBC

Tại Tonga, Ngoại trưởng Penny Wong đã hội kiến nhà Vua Tonga Tupou VI và hội đàm với Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni. Cũng như các chuyến thăm tới Samoa và Fiji trước đó, Ngoại trưởng Penny Wong đã nhắc lại những điểm mới trong chính sách của chính quyền mới tại Úc đối với khu vực đó là lắng nghe, là thúc đẩy hợp tác về biến đổi khí khậu, tăng cường viện trợ phát triển, xây dựng chính sách đưa thêm lao động Thái Bình Dương và gia đình của họ tới Úc.

Ngoài những nội dung này còn có một điểm đáng chú ý khác tại Tonga đó là Ngoại trưởng Penny Wong đề cao và nhấn mạnh vai trò của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương trong việc bảo đảm an ninh cho các nước trong khu vực: “Chúng tôi muốn an ninh khu vực được giải quyết và là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình Thái Bình Dương, là nơi mà chúng ta là thành viên. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ khuyến khích các quốc gia khác tôn trọng cấu trúc khu vực. Và đó cũng chính là lý do mà chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tôi trên cương vị Ngoại trưởng Úc là tới Fiji, tới Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương. Tôi làm như vậy là muốn khẳng định vai trò trung tâm của diễn đàn, vai trò trung tâm của cấu trúc khu vực Thái Bình Dương trong lúc đối mặt với thế giới ngày càng nhiều thách thức. Điều tôi và đảng phái chính trị của mình tại Úc muốn nói rằng, chúng ta sẽ mạnh hơn nếu chúng ta cùng đồng hành với nhau”.

Các chuyến công du tới Tonga, Samoa và trước đó là Fiji không chỉ để thúc đẩy quan hệ của Úc với các nước này mà còn là để truyền đi thông điệp của chính phủ mới tại Úc đối với khu vực. Trong cả 3 điểm đến này, thông điệp của Úc đều nhất quán vì vậy không chỉ 3 quốc gia này mà còn cả khu vực đều cảm nhận được sự khẩn trương và tích cực từ phía Úc.

Và điều này đã phần nào khiến các quốc gia trong khu vực hài lòng, như tuyên bố của Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni: “Chúng rất hài lòng trước việc chính phủ Úc công nhận biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn, trong cả lĩnh vực an ninh đối với các đảo của chúng ta. Chúng tôi cũng rất vui khi biết rằng Úc đang nỗ lực để giảm khí thải carbon và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo”.

Senator the Hon Penny Wong, Press Conference in Fiji (DFAT)

Ngoại trưởng Úc Penny Wong tới thăm Samoa và Tonga và trước đó là Fiji trong cùng thời điểm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm tới 8 quốc gia trong khu vực. Việc hai nhà lãnh đạo Úc và Trung Quốc đến khu vực trong cùng một thời điểm cho thấy sự cạnh tranh công khai và quyết liệt giữa hai nước nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Trong chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc đã ký một số thỏa thuận hợp tác với Samoa, Kiribati, Niue và Fiji và mới đây nhất là bản ghi nhớ hợp tác với Papua New Guinea song lại không thuyết phục được các nhà lãnh đạo ký thỏa thuận hợp tác chung với khu vực. Trong bối cảnh này việc Úc đề cao vai trò của Diễn dàn Quần đảo Thái Bình Dương như một mũi tên trúng hai đích, vừa khuyến khích tiếng nói tập thể và sự đoàn kết của các nước vừa khẳng định các nước trong khu vực sẽ tự giải quyết các vấn đề an ninh đặt ra và không có chỗ cho các nước bên ngoài khu vực tham gia vào vấn đề này.

Mặc dù hôm Thứ Sáu 3/6, hai Ngoại trưởng Úc và Trung Quốc đều đến điểm dừng chân cuối cùng tại khu vực trong chuyến công du lần này song cuộc chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nước ở khu vực Thái Bình Dương sẽ chưa thể dừng lại mà thậm chí có thể còn quyết liệt hơn trong thời gian tới./. (T/H, VOV)