Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Lý giải sự nguy hiểm chết người của tư thế ghì cổ bằng đầu gối

Nhìn qua thấy kiểu tư thế ghì cổ bằng đầu gối của cảnh sát đơn giản nhưng lại có sự nguy hiểm chí mạng chết người của George Floyd đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự nguy hiểm tiềm tàng của động tác ghì cổ bằng đầu gối mà cảnh sát Mỹ Derek Chauvin đã thực hiện.

Động tác nguy hiểm


Nạn nhân Floyd, một nam giới da màu 46 tuổi, vẫn tiếp tục bị giữ chặt bằng đầu gối sau khi ông nói rằng mình không thể thở. FBI vẫn đang điều tra về vụ việc trong khi làn sóng biểu tình phản đối hành động của cảnh sát đang nổ ra ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ.

Theo CNN, động tác ghì cổ bằng đầu gối đã bị cấm ở nhiều cơ quan cảnh sát, nhưng cảnh sát Minneapolis lại cho phép các sĩ quan thực hiện động tác này nếu nghi phạm chống cự hoặc có hành vi hung hăng. Tuy nhiên, Floyd không có vũ khí và đã bị còng tay khi bị ghì chặt trên mặt đất.

Một số chuyên gia hành pháp nói động tác này là nguy hiểm và không cần thiết.

Seth Stoughton, một phó giáo sư luật tại Đại học South Carolina, cho biết tùy thuộc vào vị trí đầu của người bị ghì và trọng lượng của người dùng đầu gối, động tác này có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng.

Ông Stoughton – đồng tác giả của cuốn “Đánh giá Việc sử dụng Vũ lực của Cảnh sát” – đã chỉ ra 3 phương thức mà các sĩ quan có thể gây ra tổn thương cho nghi phạm.

Sự nguy hiểm đầu tiên là nghi phạm bị giữ ở vị trí nằm sấp, tức là nằm úp mặt xuống trong khi tay bị còng ở sau lưng trong một thời gian dài. Đây là tư thế nguy hiểm bởi nó có thể gây ra chứng ngạt thở do tư thế không phù hợp.

Khi ở tư thế này, một người có thể hít thở đủ, nhưng không thể thở một cách đầy đủ nhất và do đó sẽ dần dần bị thiếu oxy và bất tỉnh.

Ông Stoughton cho biết các sở cảnh sát cũng nhấn mạnh rằng chỉ giữ một người ở tư thế nằm sấp đủ lâu để khống chế, sau đó cần chuyển nghi phạm sang tư thế khác, ví dụ như bắt nằm nghiêng, cho ngồi hoặc đứng.

Một sự nguy hiểm khác nằm ở áp lực đặt vào cổ nghi phạm. Một lực lớn và cân nặng từ người ghì lên cổ nghi phạm có thể gây ra chấn thương gây tử vong.

Ông Stoughton nói: “Các sĩ quan cần tránh đè lên cổ hoặc đầu của nghi phạm; áp lực ở vị trí như vậy có thể làm rạn xương móng và cột sống cổ, tùy thuộc vào vị trí của người ghì”.

Cuối cùng, bất kì sĩ quan nào thực hiện các động tác khống chế như vậy cũng cần phải theo dõi tình trạng sức khỏe của nghi phạm. Việc ghì cổ bằng đầu gối trong thời gian dài có thể dẫn tới tử vong.

Cảnh sát không được đào tạo

Sở cảnh sát Minneapolis cho phép các sĩ quan sử dụng hai phương pháp khống chế cổ đối với nghi phạm, nhưng chỉ có những sĩ quan đã được đào tạo mới có thể dùng.

Cụ thể, hai phương pháp này là: khống chế cổ “tỉnh táo” và khống chế cổ “bất tỉnh”. Trong đó, phương pháp đầu tiên là gây áp lực nhẹ lên cổ nghi phạm bằng tay hoặc chân nhưng không chặn đường thở của nghi phạm, còn phương pháp sau là gây ra áp lực đủ lớn để nghi phạm bất tỉnh nhưng không tử vong.

Cả hai đều có thể được áp dụng khi nghi phạm chống cự, nhưng phương pháp khống chế bất tỉnh chỉ được phép sử dụng khi các nghi phạm chống cự một cách hung hăng và không thể nào bị khuất phục bằng các biện pháp khác.

Tuy nhiên, phương pháp mà cảnh sát dùng với Floyd không giống bất kì với phương pháp nào nêu trên – ông Stoughton nói.

“Đó không phải là khống chế cổ. Cảnh sát không chỉ gây áp lực lên cổ người khác. Đó là hành động rất nguy hiểm,” ông nói.

Sự kiện George Floyd tử vong dẫn tới những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ. Ảnh: AP

Theo bà Pruitt – nữ chủ tịch của Hiệp hội Cảnh sát Da màu Quốc gia Mỹ, việc sử dụng vũ lực chỉ thực hiện khi cần một người tuân thủ lệnh bắt giữ. Trong khi đó, ông Floyd đã bị còng tay và đang nằm trên mặt đất. Việc khống chế bằng lực là không cần thiết.

Một vài năm trước, bà đã hỏi các thành viên của sở cảnh sát liệu họ có được đào tạo để thực hiện việc ghì cổ bằng đầu gối hay không. Tuy nhiên, hầu như tất cả mọi người đều phủ nhận việc này bởi nguy cơ cao gây chấn thương nghiêm trọng.

“Khi một người nói ‘Tôi không thở được’, đó là dấu hiệu khẩn cấp về y tế và cần phải hỗ trợ sơ cứu họ ngay lập tức. Tại vì vào thời điểm đó, nghi phạm đã trở thành bệnh nhân,” một chuyên gia nói.

Hiện tại, chưa có công bố pháp y về nguyên nhân Floyd tử vong. Theo báo cáo của sở cứu hỏa, Floyd không có mạch đập và không còn phản ứng khi được đưa lên xe cứu thương.

Ngoài ra, một số người cho rằng Sở cảnh sát Minneapolí đang sử dụng những thuật ngữ không chính xác. Cụ thể, không có biện pháp khống chế nào có thể được coi là “không gây tử vong”, mà đúng hơn nên là “ít khả năng gây tử vong”.

“Trong nhiều năm qua, các đội hành pháp đã thừa nhận rằng bất kì hình thức khống chế nào cũng có thể gây tử vong – thậm chí ví dụ như xịt quá nhiều hơi cay,” một sĩ quan nói. (VBF)