Wednesday, April 17, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Góp Một Phút, Chia Sẻ Một Chút


Đoàn Việt Trung 

Đầu năm nay, khi BS Bùi Trọng Cường và tôi điện thoại với nhau, ông nảy ra sáng kiến là Ban Chấp Hành CĐNVTD Qld của ông sẽ lập ra một ủy ban để gây quỹ, và tôi nói vậy thì tôi sẽ bay lên Brisbane để dự. 

Tôi được quen BS Cường từ cuối thập niên 1990 khi bắt đầu tham gia giúp người tỵ nạn. Đầu thập niên 2000, chúng tôi cộng tác với nhau trong BCH Liên bang và BCH Queensland của CĐNVTD. Cách đây 4 năm, tôi tranh đấu cho một nhóm khoảng 20 thuyền nhân Việt ở Nam Dương. CĐ của ông cũng gây quỹ. Đầu năm 2023, tất cả đã lần lượt bay từ Indo đến Canada. Số tiền gây quỹ ở Brisbane đã giúp VOICE Canada giảm bớt gánh nặng tài chánh cho các gia đình hảo tâm ở Canada bảo trợ họ. Qua tới nơi, người lớn thì đi làm ngay, 1 hoặc 2 job, và mọi trẻ em đã đi học. 

Úc có một chương trình gọi tắt là CSP cho phép dân bảo trợ tỵ nạn. Năm 2021 và 2022, nhóm VOICE Australia của tôi 2 lần xin nộp đơn bảo trợ, 2 lần bị cho hay là CSP không áp dụng cho người Việt tỵ nạn ở Thái Lan, mà không chịu nói lý do. Chúng tôi vừa thất vọng vừa tức. 

Chương trình Welcome Corps 

Giữa tháng 1, Mỹ công bố chương trình Welcome Corps, cho phép người dân bảo trợ tỵ nạn. Giai Đoạn 1 thì chính phủ Mỹ chỉ định người tỵ nạn nào được bảo trợ, Giai Đoạn 2 thì được bảo trợ đích danh người mình muốn. Trang web của Welcome Corps thời gian đó nói GĐ2 sẽ bắt đầu giữa năm 2023. UB của BS Cường tổ chức gây quỹ cuối tháng 5 và mời NS Nam Lộc để trình bày về Welcome Corps, ông là 1 trong những người vận động để có Welcome Corps nên ông biết rành. 

Khi ủy ban bắt tay vào việc thì họ cần tài liệu Hỏi Đáp, vì vậy tôi đọc các hướng dẫn của Welcome Corps, rồi giữa tháng 4 tôi gởi BS Cường một bài Hỏi Đáp của VOICE Australia, có những câu hỏi như:

– Các nhóm bảo trợ bên Mỹ, họ có bổn phận gì? (Đón ở phi trường, tìm chỗ ở, giúp tìm việc, giúp trẻ em ghi danh học, ..)

– Nếu họ có tiền, không cần giúp, thì bên Úc gây quỹ để chi? (Ai không cần thì thôi. Ai muốn bảo trợ nhiều người nhưng không kham nổi số tiền – thí dụ 2 gia đình x 5 người = cần 23 ngàn MK – thì hỗ trợ họ để đông người được đi)

– “Tiền gây quỹ được, sẽ gởi đi đâu?” (“CĐNVTD/Qld trực tiếp gởi tiền đến những PSG nào mà CĐNTVD/Qld muốn hỗ trợ” – PSG là Private Sponsor Group, tức nhóm bảo trợ) 

Tôi có được gặp NS Nam Lộc khi ông đến Úc năm nay làm MC không lấy thù lao cho một chương trình chiếu phim về tỵ nạn, và một chương trình nhạc. Ông chia sẻ là tiền hưu vừa đủ sống nên ông tập trung vào những việc phục vụ. Và lần này ông cũng không nhận thù lao. 

Người thật việc thật 

Sự thật là vậy, nhưng có nhiều tin đồn quả quyết rằng CĐNVTD Qld gây quỹ để VOICE Australia bỏ túi, và rằng NS Nam Lộc đã phạm pháp khi dùng visa du lịch mà ăn tiền. Từ tận bên Mỹ, một người đã với cánh tay qua tận Úc giúp tổ chức chiến dịch nộp đơn tố cáo để Bộ Di Trú Úc chặn ông lại ở phi trường. Sau đó, họ tung tin là ông đã bị Bộ Di Trú bắt nhưng CĐNVTD Qld đã cứu ông ra. 

Mấy trăm người đã bỏ công tham dự hoặc bỏ của để giúp đồng bào. Ban Tổ Chức cuộc gây quỹ đã hết lòng làm việc. Họ là người thật việc thật. Nhưng có một số người khác cũng chăm chỉ lắm. Kể cũng vui. 

Cái làm tôi thật sự vui là tấm hình này, phía sau là TNS Paul Scarr và nghị viên Charles Strunk. BTC đặt ra câu “Góp Một Phút, Chia Sẻ Một Chút – Spare a Minute, Share a Little Bit”. Chỉ mấy chữ thôi mà gói ghém tâm tình của gần 300 người có mặt trong đêm gây quỹ 20/5/2023 tại Brisbane. (DVT)