Friday, October 4, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hồng Kông: Biểu tình trở lại vào ngày Quốc tế Lao động khi COVID-19 lắng xuống

Lực lượng cảnh sát tại Hồng Kông đã xịt hơi cay vào đám đông để giải tán những người biểu tình đang hát vang bài “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” tại trung tâm thương mại New Town ở Sha Tin vào buổi chiều tối hôm 1/5. Sau khi từ chối cấp phép cho buổi diễu hành truyền thống về quyền lợi người lao động, cảnh sát đã đến các gian hàng công đoàn khắp thành phố và cưỡng ép người dân thực hiện giãn cách xã hội.

Ngay sau khi tình hình dịch Viêm phổi Vũ Hán lắng xuống, các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Hồng Kông tiếp tục được tổ chức. Cảnh sát đã xịt hơi cay vào đám đông người biểu tình để giải tán họ trong một trung tâm mua sắm vào cuối ngày Quốc tế Lao động 1/5, theo SCMP.

Trái với dự kiến về một cuộc biểu tình lớn vào hôm 1/5, chỉ có một nhóm khoảng hơn 100 người tập trung ở trung tâm thương mại New Town ở Sha Tin từ khoảng 7h tối, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người của chính phủ, theo hãng tin AP. 

Những người biểu tình đã cùng hát vang bài “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng,” được xem như quốc ca của phong trào chống chính phủ thân ĐCSTQ.

Cảnh sát liền chăng dây thiết lập những khu vực cấm tụ tập bên trong trung tâm thương mại, cảnh báo người biểu tình rằng họ đang vi phạm quy định về cấm tụ tập từ 4 người trở lên.

Người biểu tình hô vang “Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” khi họ dần rút lui. Tuy nhiên, vẫn có những cuộc đụng độ nhỏ xảy ra, và cảnh sát đã sử dụng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông. Các phóng viên tại hiện trường cũng bị đánh, theo tường thuật của SCMP.

Từ chiều hôm 1/5, cảnh sát đã dàn quân khắp thành phố sau khi mạng xã hội xuất hiện tin nhắn kêu gọi người biểu tình tham gia nhảy flashmob ở Mong Kok, Causeway Bay, Sai Ying Pun, Tai Po và Kwun Tong, kết thúc bằng một cuộc biểu tình ca hát ở trung tâm thương mại New Town vào buổi tối.

Lời kêu gọi nhảy flashmob được đưa ra sau khi cảnh sát từ chối cấp phép tổ chức cuộc tuần hành truyền thống ngày Quốc tế Lao động của công đoàn với lý do gây rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng. Thay vào đó, Liên minh Công đoàn đối lập (CTU) đã lên kế hoạch dựng hơn 50 gian hàng (booth) trên đường phố để thúc đẩy quyền của người lao động.

Tại một gian hàng ở Mong Kok, chủ tịch CTU Carol Ng Man-yee cho biết những tháng ngày biểu tình và đại dịch đã làm nổi rõ những thiếu sót của chính phủ. “Quỹ chống dịch của Chính phủ đã phớt lờ những người thất nghiệp và những người làm việc tự do … Các cuộc biểu tình thời gian qua và đại dịch lần này đã cho thấy đây không phải là một chính quyền của người dân Hồng Kông,” cô Ng. nói.

Cô kêu gọi cư dân tham gia hoặc thành lập các công đoàn, do các nhóm người lao động đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình từ hồi tháng 6 năm ngoái chống lại dự luật dẫn độ. Cô Ng. cũng kêu gọi hỗ trợ cho các cửa hàng đã ủng hộ người biểu tình. 

Sau khi Ng. lên tiếng, một cuộc cãi vã đã nổ ra trên phố. Cảnh sát chống bạo động đã nhanh chóng có mặt và phong toả lối vào của Langham Place. 

Vào khoảng 5h chiều, các công đoàn viên bao gồm nhà cựu lập pháp Lee Cheuk-yan đã đồng loạt giơ hai tay lên trời, một tay xòe 5 ngón và một tay giơ 1 ngón, và hô vang “Năm yêu cầu, không thể thiếu một.” Đây là khẩu hiệu chính của phong trào, bao gồm yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về việc sử dụng vũ lực của cảnh sát và thực hiện quyền bầu cử phổ thông.

Hàng chục người gần đó đã lặp lại cụm từ này, trong đó có một cụ bà 70 tuổi đã về hưu, cho biết bà ra ngoài để tiếp thêm động lực cho phong trào kháng nghị. Bà nói rằng không sợ nhiễm virus corona vì dịch bệnh đã lắng xuống và bà luôn đeo khẩu trang.

“Rất nhiều sinh viên đã bị bắt giữ. Nếu những người già chúng tôi không đi ra ngoài, phong trào sẽ kết thúc,” bà nói.

Hai học sinh là Zachery Chan, 16 tuổi và Mark Lee, 13 tuổi, có mặt Mong Kok cùng hai người bạn, nói rằng họ không sợ bị bắt giữ. “Mọi người cẩn trọng với đại dịch và nhiều người không dám ra ngoài, vì thế chúng tôi muốn bước ra,” Mark nói.

Tại Kwun Tong, cảnh sát phong toả một gian hàng do Liên minh Công nhân Công trường Xây dựng thiết lập và cảnh báo họ không được tụ tập 7 người trong một nhóm. Trong số này có nhà hoạt động trẻ Hoàng Chi Phong, người cáo buộc cảnh sát đàn áp chính trị. Hoàng Chi Phong cho biết có một nhóm hơn 4 người ở ngay trước mặt, phân phát nước khử trùng tay, nhưng cảnh sát chưa từng kiểm tra hoặc đưa ra cảnh báo với họ.

Tại khu trung tâm, ba thành viên của Hiệp hội nhân viên khách sạn Hồng Kông đã thiết lập một gian hàng trên cầu đi bộ bên ngoài Trung tâm tài chính quốc tế để tuyển dụng thành viên.

Trước đó, phó chủ tịch đảng Lao động Mak Tak-ching đã bị bắt khi anh và 7 nhà hoạt động khác diễu hành từ Trung tâm Admiralty đến trụ sở chính phủ để phản đối việc lực lượng cảnh sát từ chối cho phép diễu hành vào ngày Quốc tế Lao động.

Hong Kong riot police use pepper spray at a shopping mall in Sha Tin (SCMP)

Những người này đi thành hai nhóm, mỗi nhóm 4 người, nhưng cảnh sát đã chặn họ lại và cảnh báo họ sẽ bị phạt vì vi phạm lệnh giãn cách xã hội.

Mak từ chối xuất trình chứng minh thư khi được hỏi và bị phạt 2.000 đôla Hồng Kông (260 USD). Anh sau đó bị bắt vì nghi ngờ cản trở các sĩ quan trong khi thi hành nhiệm vụ, bị đưa đến đồn cảnh sát trung tâm và sau đó được tại ngoại. Bảy người khác cũng bị phạt.

Các nhà hoạt động đã lập luận rằng họ không vi phạm lệnh cấm đám đông miễn là một người tham gia biểu tình ở trong một nhóm không quá 4 người.

Tuy vậy, cảnh sát cho biết những người gặp nhau vì cùng một mục đích đều được coi là một thực thể duy nhất, và do đó phạm luật. (T/T theo SCMP)