Wednesday, May 15, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hàng nghìn người thất nghiệp nếu Úc dừng tham gia dự án F-35

Hàng nghìn lao động Úc đang đứng trước nguy cơ mất việc sau khi Mỹ tuyên bố đưa các dây chuyền sản xuất linh kiện F-35 về nước.

Các công ty công nghiệp quốc phòng Úc ngày 15/5 đã bày tỏ lo ngại với chính quyền nước này về khả năng đình trệ sản xuất sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ đưa hoạt động sản xuất linh kiện cho loại máy bay F-35 trở về Mỹ. Các công ty công nghiệp quốc phòng Úc cho rằng động thái của Mỹ có thể khiến hàng nghìn lao động Úc mất việc làm và sẽ tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Phản ứng trước thông tin này, Bộ Quốc phòng Úc đã lên tiếng trấn an dư luận và khẳng định sẽ trao đổi với phía Mỹ để củng cố vai trò của Úc trong chương trình sản xuất loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ mới nhất này. Bộ Quốc phòng Úc cũng cho biết, chương trình F-35 hiện cung cấp gần 2.400 việc làm cho người lao động Úc và sẽ tạo ra hơn 5.000 việc làm vào năm 2023.

Theo dự án sản xuất máy bay F-35, Úc cam kết mua 72 máy bay đa năng này với chi phí 17 tỉ AUD để thay thế số máy bay FA-18A/B Hornet được Không quân nước này sử dụng từ năm 1985. Với cam kết này, hơn 50 công ty của Úc đã nhận được hợp đồng sản xuất linh kiện cho F-35 trị giá 1,7 tỉ AUD. Đến nay, nhà thầu Lockheed Martin của Mỹ đã bàn giao 24 chiếc F-35A cho Quân đội Úc.

Trước đó vào tháng 6 năm ngoái, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 sau khi thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này chọn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ cung cấp linh kiện cho chương trình F-35 đến năm 2022 để tránh gián đoạn việc bàn giao máy bay và tăng các chi phí bổ sung. Ngoài nhà thầu chính là Lockheed Martin của Mỹ, dự án phát triển F-35 còn có 10 đối tác nước ngoài tham gia trong đó có Úc.

Trong một diễn biến có liên quan khác, nhà thầu quân sự Mỹ mới đây đã phát hiện 870 lỗi kỹ thuật đối với loại máy bay F-35 và nguyên nhân được cho là do các đối tác nước ngoài không đảm bảo chất lượng sản xuất linh kiện. Phía Mỹ cho rằng điều này dẫn đến khả năng sẽ có khoảng 550 máy bay F-35 được giao đến năm 2020 sẽ phải kiểm tra và khắc phục các thiếu sót để đảm bảo an toàn vận hành./. (VOV)