Thursday, May 2, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cuộc chạy đua vắc-xin Covid-19 đem lại hy vọng lớn cho nhân loại

Tính đến ngày 25-11, theo trang thống kê worldometers.info, thế giới ghi nhận hơn 60 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có gần 1,5 triệu ca tử vong. Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh này, trong khi châu Âu hiện là tâm dịch của thế giới với hơn 16 triệu ca nhiễm và hơn 365 nghìn ca tử vong do dịch Covid-19.

Vì vậy, bên cạnh các phương pháp điều trị được cải thiện nhanh chóng, vắc-xin vẫn được coi là chiến lược quan trọng để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Hàng loạt thông tin lạc quan về vắc-xin đã được công bố, đem lại hy vọng lớn cho nhân loại.

Hàng loạt vắc-xin triển vọng

Ngày 25-11, Bộ Y tế Nga thông báo rằng theo kết quả phân tích lần thứ 2 những dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin Sputnik V phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Nga đã cho hiệu quả lên tới 95%. Đánh giá trên được đưa ra dựa vào những cơ sở dữ liệu sơ bộ có được 42 ngày sau khi liều vắc-xin Sputnik V đầu tiên được tiến hành thử nghiệm.

Theo Bộ Y tế Nga, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng mới được công bố dựa trên kết quả 39 trường hợp được xác nhận nhiễm virus và trong số 18.794 bệnh nhân được tiêm cả 2 mũi, vắc-xin Sputnik V có hiệu quả lên tới 91,4% vào ngày thứ 28 và hơn 95% hiệu quả vào ngày thứ 42. Trước đó, vắc-xin Sputnik V cho hiệu quả 92% trong đợt phân tích sơ bộ trước đó.

COVID Vaccine: Infections reported among Sputnik V trial volunteers

Ngày 23-11 trước đó, Hãng dược phẩm liên doanh AstraZeneca (Anh – Thụy Điển) cũng thông báo vắc-xin ngừa bệnh Covid-19 do hãng phát triển cùng với trường Đại học Oxford có thể đạt hiệu quả tới 90% chỉ với một liều sử dụng. Còn Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho hay kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng cùng BioNTech (Đức) phát triển cho thấy hiệu quả đến 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tập đoàn Moderna (Mỹ) cho biết vắc-xin thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Tiến sĩ Nakorn Premsri, Giám đốc Viện Vắc-xin Quốc gia Thái Lan cho biết, 2 trong số 7 loại vắc-xin đã được thử nghiệm thành công trên động vật và đang chuẩn bị chuyển sang thử nghiệm trên người. Đó là vắc-xin mRNA do Trung tâm Nghiên cứu vắc-xin Đại học Chulalongkorn VRC phát triển và vắc-xin ADN do BioNet-Asia phát triển.

5 loại vắc-xin còn lại hiện đang tiếp tục được thử nghiệm trên động vật. Mẫu vắc-xin mRNA dự kiến sẽ được thử nghiệm trên người vào ngày 19-4-2021. Theo kế hoạch, mẫu vắc-xin này sẽ được thử nghiệm trên 72 tình nguyện viên ở nhiều nhóm tuổi khác nhau. Nếu các thử nghiệm thành công, mẫu vắc-xin mRNA sẽ bước vào thử nghiệm giai đoạn hai trên người với quy mô trên 600 người ở 2 nhóm tuổi vào tháng 6-2021.

Sản xuất và sử dụng đại trà

Ngày 25-11, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết, Mỹ có thể bắt đầu phân phối các loại vắc-xin ngừa Covid-19 ngay sau ngày 10-12 tới và bày tỏ tin tưởng có thể phân phối vắc-xin cho tất cả 64 khu vực có thẩm quyền trong vòng 24 giờ kể từ khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép. Trước đó, báo giới Mỹ đưa tin Ủy ban Tư vấn về vắc-xin và các sản phẩm sinh học có liên quan thuộc FDA có kế hoạch tổ chức hội nghị thảo luận về đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech.

Còn Nga dự kiến triển khai một chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà vào năm 2021 – Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết ngày 25-11. Đội ngũ nhân viên y tế, các giáo viên và những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao sẽ được ưu tiên tiếp cận với các loại vắc-xin ngừa Covid-19. “Các nhà sản xuất lên kế hoạch điều chế hơn 2 triệu liều (vắc-xin Sputnik V) cho đến cuối năm nay” – bà Tatyana Golikova cho biết.

Chính phủ Anh có thể sẽ phê duyệt việc đưa vào sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech ngay trong tuần này. Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắc-xin này và dự kiến sẽ nhận được 10 triệu liều vào cuối năm nay, đủ để tiêm phòng cho 5 triệu người, nếu các cơ quan quản lý chấp thuận loại vắc-xin này. Tây Ban Nha cũng sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm phòng Covid-19 toàn diện từ tháng 1-2021 và dự kiến sẽ bao phủ một phần đáng kể dân số của nước này trong vòng 6 tháng sau đó.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cam kết phân phối khoảng 2 tỷ liều vắc-xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cho các nước đang phát triển trong năm 2021. UNICEF đang làm việc cùng hơn 350 hãng hàng không và các công ty vận chuyển hàng hóa để cung cấp vắc-xin và 1 tỷ dụng cụ tiêm đến các nước nghèo như Burundi, Afghanistan và Yemen…

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua, các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đã cam kết đảm bảo phân phối công bằng các loại vắc-xin, thuốc điều trị và xét nghiệm Covid-19 để các nước nghèo hơn không bị bỏ lại phía sau.

Canada, Mexico và Thái Lan chuẩn bị tiêm chủng đại trà vắc-xin

Với những tiến triển đạt được gần đây trong công tác điều chế vắc-xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Chính phủ các nước Thái Lan, Canada và Mexico dự kiến sẽ thực hiện tiêm chủng đại trà vắc-xin này từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Giám đốc Viện vắc-xin quốc gia (NVI) của Thái Lan Nakhon Premsri cho biết người dân nước này sẽ được tiêm liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên sớm nhất là vào giữa năm 2021.

Đây là vắc-xin do Công ty Dược phẩm AstraZeneca có trụ sở tại Anh và Đại học Oxford phát triển. Chính phủ Thái Lan đang làm việc với 2 đối tác này để cùng sản xuất vắc-xin tại một nhà máy sản xuất dược phẩm gần Bangkok của Tập đoàn Siam Bioscience, vốn đã được AstraZeneca chọn làm đối tác khu vực để sản xuất vắc-xin cho khu vực Đông Nam Á.

9 reasons you can be optimistic that a vaccine for COVID-19 will be widely  available in 2021

Nhà máy có công suất tối đa là 15 triệu liều vắc-xin /tháng. Tiến sĩ Nakhon tin rằng vắc-xin do Tập đoàn Dược phẩm AstraZeneca sản xuất sẽ sớm được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Anh cấp phép bởi có hiệu quả cao tới 70%, cao hơn yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 50%. Sau tiến trình chuyển giao công nghệ, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất lô đầu tiên để nộp vắc-xin thành phẩm cho FDA Thái Lan phê duyệt vào tháng 3 tới.

Nếu vắc-xin được FDA Thái Lan chấp thuận, NVI sẽ bắt đầu sản xuất cho công chúng vào giữa năm sau theo đơn đặt hàng của Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan (DDC), sử dụng nguyên liệu được vận chuyển trực tiếp từ công ty. Cơ quan này cho biết họ cần 2 triệu liều mỗi tháng từ nhà máy.

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo người dân nước này có thể được tiêm liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên sớm nhất là vào năm 2021. Theo ông Trudeau, Canada hiện không có năng lực sản xuất vắc-xin như hàng chục năm trước, trong khi các nước có cơ sở sản xuất vắc-xin như Mỹ, Đức và Anh sẽ ưu tiên dành vắc-xin cho công dân trong nước.

Do đó, người dân Canada khả năng sẽ được tiêm vắc-xin muộn hơn so với những nước này. Thủ tướng Trudeau cũng cho biết Chính phủ đang đầu tư lại để đảm bảo Canada sẽ có thể sản xuất vắc-xin nội địa. Đến nay, quốc gia với 38 triệu dân này đã ký hợp đồng với một số công ty dược phẩm, trong đó có AstraZeneca, Pfizer và BioNTech, Sanofi và GSK, để mua hơn 300 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19.

How long will it take to develop a coronavirus vaccine? – POLITICO

Chính phủ Mexico cho biết quốc gia Mỹ Latinh này đặt mục tiêu bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân vào tháng 12 tới. Chính phủ Mexico đã ký các thỏa thuận mua vắc-xin của một số công ty dược phẩm lớn trên thế giới, trong đó có Pfizer. Hãng dược phẩm của Mỹ này vừa phối hợp với Hãng BioNTech (Đức) nộp đơn lên cơ quan chức năng Mỹ xin cấp phép cho vắc-xin của 2 hãng.

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard nêu rõ Mexico sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc-xin của Pfizer/ BioNTech vào tháng 12 tới nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch và vắc-xin này được cấp phép sử dụng. Dự kiến, vắc-xin sẽ có cho thị trường Mỹ từ giữa tháng tới và được chuyển đến Mexico vài ngày sau đó. Chính phủ Mexico cam kết cung cấp miễn phí vắc-xin Covid-19 trên toàn quốc, ưu tiên các nhân viên y tế và nhóm người có nguy cơ cao.

(ANTD Theo New York Times, AP, Bangkok Post)