Wednesday, December 4, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cứ 3 phụ nữ trên thế giới có 1 người bị bạo lực tình dục, thể xác


Ngày 25/11, Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đánh dấu khởi đầu của 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới.

Cứ 3 phụ nữ trên thế giới có 1 người bị bạo lực tình dục, thể xác. Hình minh họa

Ông Pio Smith, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNFPA, cho biết, trên toàn cầu, cứ 3 phụ nữ có 1 người từng phải trải qua bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục trong đời.

Năm 2022, tỷ lệ phụ nữ bị giết hại đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm. Trên không gian mạng, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với quấy rối, theo dõi, lạm dụng hình ảnh và đe dọa bạo lực.

Đáng nói, tình trạng này đang leo thang trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo, những kẻ buôn người khai thác công nghệ kỹ thuật số để lừa dối, kiểm soát và bóc lột những người phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương.

“Trẻ em gái vị thành niên và những phụ nữ cần phụ thuộc vào nền tảng kỹ thuật số để lao động, là đối tượng dễ bị bạo lực mạng. Đặc biệt, với cộng đồng nhóm đồng tính (LGBTQI+), các nhà hoạt động, phụ nữ da màu và phụ nữ khuyết tật, nguy cơ bị lạm dụng còn tăng gấp nhiều lần. Bạo lực cơ sở giới trên không gian mạng có thể khiến phụ nữ mất đi sự nghiệp, sức khỏe và thậm chí là mạng sống.

Ông Pio Smith, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNFPA.

Tuy nhiên, chỉ vì hình thức bạo lực này diễn ra trên không gian mạng, nên thường dễ dàng bị bỏ qua. Không gian mạng đã trở thành một nền tảng quan trọng để đấu tranh cho bình đẳng giới, tuy nhiên, những người đấu tranh cho sự thay đổi lại trở thành mục tiêu của sự tấn công. 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới năm nay với chủ đề “Hướng tới 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh: Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”, kêu gọi hành động cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng đang leo thang này…

Thế giới đã cùng đạt được nhiều tiến bộ nhưng vẫn tồn tại những thách thức to lớn và trong một số trường hợp, những thành quả ấy đang bị đảo ngược”, ông Pio Smith thông tin.

Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, cơ quan chuyên trách về sức khỏe sinh sản và tình dục của Liên Hợp Quốc và Đại học Melbourne (Úc) đã chỉ ra rằng, phụ nữ, trẻ em gái và những người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ thường trở thành mục tiêu của tấn công, bởi những rào cản về trình độ hiểu biết kỹ thuật số hạn chế, sự kỳ thị từ những người xung quanh, khiến những người bị bạo lực không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ.

Ông Pio Smith mong muốn mỗi người đều nâng cao tinh thần trách nhiệm, không gian số cần phải trao quyền, không mang lại những nguy cơ, rủi ro… Trước hết là việc tăng cường trách nhiệm giải trình đối với các nền tảng công nghệ. Các công ty công nghệ cần từng bước xây dựng để những hướng dẫn về đạo đức và nguyên tắc an toàn, cần có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ dữ liệu được phát triển có trách nhiệm, với các cơ chế báo cáo rõ ràng để bảo vệ người dùng khỏi bị lạm dụng.

Bên cạnh đó, để thu hẹp khoảng cách giới trong không gian mạng, cần trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái các kỹ năng, hiểu biết về kỹ thuật số. Các chương trình giáo dục có thể xóa bỏ những khuôn mẫu có hại, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, để họ có thể tham gia đầy đủ vào thế giới kỹ thuật số và có những hành động phản ứng kịp thời để giải quyết nhu cầu về an toàn cả trực tuyến và ngoài đời thật. Điều này đòi luật pháp cần chặt chẽ hơn, các chương trình cần đạt được hiệu quả và cam kết bảo đảm rằng mọi phụ nữ đều hiểu rằng họ không có lỗi khi bản thân là người bị bạo lực…

Vừa qua, tại Diễn đàn liên chính phủ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh diễn ra gần đây, các quốc gia đã tái khẳng định cam kết tạo ra không gian số an toàn hơn. Các khoản đầu tư như 15 triệu USD từ Mỹ và 20 triệu USD từ Chính phủ Liên bang Úc để chống lại bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến đã nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề này.

Bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến không chỉ là vấn đề công nghệ. Điều ấy phản ánh sự bất bình đẳng sâu sắc hơn trong xã hội. Để giải quyết vấn đề này, cần phải thay đổi những khuôn mẫu giới có hại, thu hút những người trẻ tuổi tham gia vào công tác phòng ngừa và bảo đảm những người bị bạo lực nhận được hỗ trợ về pháp lý và phục hồi/chữa lành về tinh thần.

“Trong 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới, tôi kêu gọi các chính phủ, công ty công nghệ và xã hội dân sự hãy hành động ngay. Chúng ta khiến những người bạo lực phải chịu trách nhiệm, đẩy nhanh các chiến lược phù hợp với từng quốc gia, lấy người bị bạo lực làm trung tâm và tăng khoản tài trợ cho các phong trào vì quyền phụ nữ…”, ông Pio Smith cho hay. (T/H, PNVN)