Thursday, March 28, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Công hàm của Australia về Biển Đông khích lệ ASEAN trong đàm phán COC với Trung Quốc

Công hàm của Australia phản đối Trung Quốc

Ngày 23/7, phái đoàn thường trực Khối thịnh vượng chung của Australia tại Liên hợp quốc (LHQ) đã gửi công hàm số 20/026 bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tiếp theo sau sự lên tiếng của Mỹ hôm 13/7, Australia đã chính thức lên tiếng ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế năm 2016, bác bỏ đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển, đòi chủ quyền đối với cái mà Bắc Kinh gọi là “vùng nước lịch sử”.

Australia cũng bác bỏ các đường cơ sở thẳng nối các nhóm đảo trái với luật quốc tế mà Trung Quốc áp dụng đối với Tứ Sa là Trường Sa, Hoàng Sa, Đông Sa và Trung Sa ở Biển Đông, và do đó đòi có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đi kèm.

Hình minh hoạ. Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 25/9/2019 ở New York
Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 25/9/2019 ở New York. (Hình: AFP)
Trung Quốc đe doạ Canberra

Ngay sau khi công văn của Australia được công bố chính thức trên trang web của Uỷ ban Đăng ký Thêm lục địa Liên Hiệp Quốc, một bài báo có tiêu đề “Australia đã ngu ngốc lên chung con thuyền bị rò rỉ của Mỹ để can thiệp vào Biển Đông” đăng trên trang Thời báo Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mô tả công hàm gửi LHQ của Australia và các cuộc tập trận hải quân gần đây của Australia và Mỹ trong khu vực là những hành động khiêu khích liều lĩnh.

Bài báo trên của Hoàn cầu Thời báo, dựa trên quan điểm của Zhou Fangyin, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông, viết rằng trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Australia hiện đang xấu đi đáng kể, nếu Canberra tiếp tục theo sát Washington và “khiêu khích” Bắc Kinh thì “thiệt hại đối với Australia nên được dự đoán trước, không chỉ về quan hệ chính trị, mà cả về quan hệ kinh tế”. Học giả này cũng nêu ra đe dọa cụ thể là biện pháp trả đũa kinh tế chống lại Australia với khả năng đánh thuế vào sản phẩm nông nghiệp nhập từ Australia như thịt bò và rượu vang.

Công hàm của Australia nói lên điều gì?

Công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông được Australia gửi lên LHQ chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “lập trường của Mỹ về các yêu sách tại Biển Đông” ngày 13/7, phản đối các yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cũng lần lượt gửi công hàm phản đối những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các chuyên gia trên thế giới cho rằng việc Australia gửi công hàm lên Liên hợp quốc (LHQ) ngày 23/7 bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông thể hiện một tín hiệu“mạnh mẽ khác thường”. Công hàm của Australia diễn ra ngay trước khi có các cuộc tham vấn ngoại giao-quốc phòng giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) dự kiến diễn ra ngày 27/7.

Australia đã luôn giữ thế trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là khi một cuộc chiến tranh lạnh mới Mỹ -Trung ngày càng trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, động thái mới nhất này cho thấy Australia đang liên kết chặt chẽ hơn với Washington trong cuộc tranh cãi đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về vùng biển này.

Hình minh hoạ. Bản đồ có đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông
Bản đồ có đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông. AFP
Công hàm của Australia về Biển Đông có lợi cho ASEAN như thế nào?

Tuyên bố của Pompeo và Công hàm mới đây của Canberra đã cho thấy sự ủng hộ mới từ Mỹ và Australia dành cho các nước ASEAN. Các tuyên bố này, “cộng hưởng” với các công hàm trước đó của một số quốc gia ASEAN bao gồm Philippines, Việt Nam, Indonesia, sẽ tạo áp lực với Trung Quốc. Những tuyên bố này của Mỹ và Australia sẽ gián tiếp giúp tăng cường sức mạnh đàm phán của ASEAN với Trung Quốc về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) trong khu vực. Có khả năng các nhà đàm phán ASEAN sẽ đồng ý đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc về việc không chỉ áp dụng COC cho Trung Quốc mà còn áp dụng với các quốc gia khác.

Những tuyên bố của các đồng minh Khối hiệp ước quân sự Australia – New Zealand – Mỹ (ANZUS) củng cố cho phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế đã được nêu trong UNCLOS.

Tại Washington, nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông Greg Poling của CSIS mô tả công hàm của Australia gửi LHQ là một “cú đánh trực diện từ Canberra tới Bắc Kinh”. Các nhà nghiên cứu khu vực cho rằng động thái của Australia có thể sẽ được chính phủ các nước ASEAN đón nhận, mặc dù sẽ không có những bình luận công khai, do sự nhạy cảm của mối quan hệ đa tầng trong khu vực với Trung Quốc. (RFA)