Sunday, April 28, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

‘Cơn ác mộng’ COVID-19 còn kéo dài đến năm 2022

Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), ngày 23/9, cảnh báo rằng các đợt bùng phát COVID-19 cục bộ “kéo dài đến năm 2022” ngay cả khi số tử vong đã giảm từ mức đỉnh điểm vừa qua.

Một người dân nghèo đợi tiêm vắc-xin AstraZeneca ở Brazil hồi tháng 6/2021.

Đại dịch kéo dài

PAHO cho biết tại khu vực châu Mỹ, dù công tác tiêm chủng đang tiến triển song khu vực này vẫn phải đối mặt với một “vấn đề bất bình đẳng về vắc-xin nghiêm trọng”, sẽ kéo dài đại dịch, đặc biệt là ở các quốc gia Mỹ Latinh nghèo hơn. Điều đó có nghĩa là cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bao gồm các quy trình phát hiện sớm, điều tra và cách ly các trường hợp nhiễm bệnh, cũng như truy tìm và cách ly những người tiếp xúc.

Theo đó, dự kiến sẽ có những đợt bùng phát tái phát tại các cơ sở như viện dưỡng lão, nhà tù và các khu đô thị đông dân cư. Mặc dù tỷ lệ bao phủ tiêm chủng nhìn chung có thể đạt mức cao, nhưng điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung vắc-xin, vốn bị hạn chế trên toàn thế giới, cũng như khả năng tiếp cận và nhu cầu giữa các nhóm dân cư cụ thể.

 Khu vực châu Mỹ hiện bị ảnh hưởng nặng nề hơn các khu vực khác trên thế giới, với hơn 2 triệu người chết cho đến nay. Mỹ và Brazil có tỷ lệ người chết cao nhất trên thế giới. Brazil, Colombia, Mexico, Peru và Mỹ nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu về tổng số người chết trên toàn cầu. Còn Châu Mỹ Latinh và Caribe đã số ca tử vong do COVID-19 nhiều hơn số ca tử vong do COVID-19 ở Châu Á và Châu Phi cộng lại.

Việc tích trữ vắc-xin ngừa COVID-19 của các nước giàu để ngỏ khả năng xuất hiện của các biến thể mới.

Xin ngừng tích trữ vắc-xin

Báo cáo của chi nhánh khu vực châu Mỹ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Sự chần chừ về vắc-xin ngừa COVID-19 có thể khiến dân số tiếp nhận chậm hơn hoặc ngăn cản việc đạt được đầy đủ tiềm năng tiêm chủng”.

Tại Kỳ họp Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76 đang diễn ra tại New York, Mỹ, lãnh đạo các quốc gia đang phát triển cảnh báo về việc tích trữ vắc-xin ngừa COVID-19 của các nước giàu có đã để ngỏ cánh cửa cho sự xuất hiện của các biến thể virus mới trong bối cảnh tình trạng nhiễm trùng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.

Cụ thể, Philippines cảnh báo về “hạn hán về nhân đạo” vắc-xin ở các nước nghèo, Peru cho biết đoàn kết quốc tế đã thất bại, còn Ghana phản đối chủ nghĩa dân tộc vắc-xin.

“Nước giàu tích trữ vắc-xin trong khi nước nghèo chờ đợi nguồn cung nhỏ giọt. Bây giờ, họ còn nói đến chuyện tiêm liều bổ sung giữa lúc các nước đang phát triển cân nhắc phương án tiêm nửa liều để vượt qua giai đoạn khó khăn ” -Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu.

Nghiên cứu mới đây cho thấy 100 triệu liều vắc-xin COVID-19 được lưu trữ tại các quốc gia giàu có tại Bắc bán cầu sẽ hết hạn sử dụng vào tháng 12 tới.

Trong bối cảnh đó, tại Kỳ họp trên, nhiều cam kết hỗ trợ vắc-xin ngừa COVID-19 được các nước đưa ra, dẫn đầu là Mỹ với công bố viện trợ thêm 500 triệu liều vắc-xin cho các nước thu nhập thấp và trung bình, hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định sẽ cung cấp khoảng 2 tỷ liều vắc-xin cho thế giới từ nay tới cuối năm. Hàng loạt các cuộc gặp song phương đã diễn ra bên lề Kỳ họp trên với các cam kết hỗ trợ, chia sẻ vắc-xin song phương. (SKDS)