Thursday, May 2, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cờ Việt Nam tại Trường Sa bị ‘bôi trắng’ trên Google Maps


Quốc kỳ Việt Nam cỡ đại ở một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát đã biến mất khỏi hình ảnh vệ tinh của Google, gây tức giận cho công chúng Việt Nam và khiến chính quyền yêu cầu Google phải khôi phục lại như cũ.

Với kích cỡ lớn, từ trước đến này, lá cờ làm bằng gốm trên đảo Trường Sa Lớn có thể quan sát trên ảnh vệ tinh. 

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng này chính là mái của một tòa nhà lớn trên đảo Trường Sa Lớn được dùng làm hội trường của đảo. Nó được ghép lại từ các mảnh gốm với tổng chiều dài 25 mét, chiều rộng hơn 12 mét và được xem là quốc kỳ bằng gốm lớn nhất nước. Nó ngự trị trên đảo đã hơn 10 năm qua và có thể được nhìn thấy từ trên không trung.

Tuy nhiên, đến ngày 10/7, hình ảnh lá cờ này đã đột nhiên biến mất trên bản đồ vệ tinh của Google Earth. Thay vào đó, mái hội trường giờ chỉ có một màu trắng xóa.

‘Chất lượng hình ảnh kém’

Trong công văn phản hồi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam, hãng công nghệ Mỹ này giải thích sở dĩ lá cờ biến mất là ‘do hình ảnh chất lượng kém’ và quy trách nhiệm cho một ‘đối tác thứ ba’ đã cung cấp hình ảnh vệ tinh cho họ, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nhưng Google không nói rõ đó là ai.

Google khẳng định họ không cố tình làm mờ hay chỉnh sửa ảnh vệ tinh và ‘đang tiến hành các bước cần thiết để thay thế bằng ảnh có chất lượng tốt hơn’. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã yêu cầu Google nhanh chóng khắc phục.

Tuy nhiên, đến rạng sáng ngày 12/7, hình ảnh quốc kỳ khổng lồ của Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn vẫn chưa được nhìn thấy trở lại qua các ứng dụng bản đồ của Google.

Trong ảnh vệ tinh mới của Google, nóc tòa nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn có màu trắng, không thấy rõ hình ảnh lá cờ. 
Người dân trên mạng xã hội về nghi vấn “bôi xóa” Quốc kỳ Việt Nam. Hình CafeBiz

Đáng chú ý là chỉ có hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đó biến mất vì ‘chất lượng ảnh thấp’ còn các công trình xung quanh vẫn hiện lên rất rõ trên hình ảnh vệ tinh của Google.

Hành vi này của Google bị cộng đồng mạng Việt Nam chỉ trích là gây tổn hại đến chủ quyền của Việt Nam vì đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa là nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.

Trên ứng dụng bản đồ của Google, hình ảnh đảo Trường Sa Lớn đã nhận được rất nhiều ý kiến phẫn nộ và yêu cầu chỉnh sửa của người dùng Việt Nam.

Yếu tố Trung Quốc?

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên viên thuộc Viện Nghiên cứu đông nam Á ISEAS–Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói rằng việc lá cờ này biến mất ‘không làm thay đổi yếu tố pháp lý chủ quyền’ của Việt Nam vì ‘tuyên bố chủ quyền vẫn như trước’.

Ông Hợp nói Trung Quốc có thể bị nghi ngờ đứng đằng sau nhưng cũng có khả năng ‘đó chỉ là hiệu ứng quang học nhất thời’ như nhiễu quang học hay nhiễu điện tử.

Lá cờ Việt Nam (điểm đánh dấu) trên đảo Trường Sa bị bôi trắng. Ảnh chụp màn hình
Khi phóng to bức ảnh chụp, Google cho biết phần ảnh chụp là do bị kém chất lượng dẫn đến ảnh không hiển thị chính xác, Google không hề can thiệp vào hình ảnh hoặc tự bôi trắng hình ảnh lá cờ. Ảnh chụp màn hình

“Nếu Việt Nam đã đề nghị Google thay ảnh thì mọi thứ sẽ trở lại bình thường,” ông Hợp bày tỏ tin tưởng và nói thêm rằng nếu Google hàng động dưới áp lực của Trung Quốc thì sẽ bị chính quyền Mỹ không để yên.

Ông đề xuất nếu Google xử lý chậm thì chính quyền Việt Nam có thể đe dọa chặn Google Map ở trong nước vốn sẽ khiến hãng công nghệ này mất doanh thu hay khởi kiện ra một cơ quan trọng tài quốc tế rằng Google đã ‘hạn chế việc biểu đạt quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa’.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tiến Trung, một nhà bất đồng chính kiến, nhận định với VOA rằng ‘chắc chắn Google đã xóa hình quốc kỳ Việt Nam có chủ đích’.

“Ảnh vệ tinh thì không thể nào có chuyện lá cờ tự dưng biến mất. Cần phải có sự can thiệp của con người,” ông Trung lập luận và cho rằng lời giải thích của Google là ‘không thuyết phục’.

Theo lý giải của ông thì sở dĩ Google làm như vậy là ‘có thể muốn lấy lòng Bắc Kinh’ để được Bắc Kinh bật đèn xanh cho phép họ thâm nhập thị trường khổng lồ của Trung Quốc mà đến nay Google vẫn bị cho ra rìa.

Người lính hải quân Việt Nam ở đảo Thuyền Chài, quần đảo Trường Sa năm 2013. Hình Reuters
Bức tranh ghép bằng gốm Quốc kỳ Việt Nam. Hình TBV

‘Chiến thuật vùng xám’

Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp chỉ ra rằng nếu Trung Quốc đứng sau việc này, thì đó chỉ nằm trong chiến thuật vùng xám mà Bắc Kinh thực hiện bây lâu nay để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông. Chiến thuật vùng xám là những hành vi cưỡng ép về kinh tế, chính trị, thông tin, không gian mạng… nhưng chưa đến mức xung đột quân sự.

“Trong chiến thuật vùng xám, Trung Quốc ngay từ đầu đã có các hành động kinh tế, thương mại, chính trị, quan hệ hai đảng cầm quyền, pháp lý, văn hóa, các thủ đoạn tâm lý chiến…. để quấy phá VN ở biển Đông,” ông nói và chỉ ra Bắc Kinh đang tăng cường áp lực buộc các công ty khai thác dầu khi Nga rút khỏi biển Đông.

Ông nói Việt Nam đã có những bước đi để đẩy lùi chiến thuật vùng xám của Trung Quốc như tìm kiếm sự ủng hộ từ các đối tác khác để đối phó Trung Quốc, đa dạng hóa quan hệ kinh tế để giảm sự phụ thuộc, tăng cường kiểm soát an ninh trên biển, ra các đạo luật và quy định để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên biển, tăng cường ý thức của dân chúng về chủ quyền biển đảo…

Ông Nguyễn Tiến Trung bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa để khẳng định lãnh thổ, lãnh hải trên mặt quân sự, khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế, chính trị của Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều nên, theo lời ông, Việt Nam cần có thêm sự ủng hộ của các nước.

“Chính phủ Việt Nam nên tăng cường giáo dục lịch sử cho các em học sinh để người dân Việt Nam ngay từ nhỏ đã có ý thức là lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam đang bị xâm chiếm để luôn cảnh giác với họa xâm lược từ Trung Quốc,” ông khuyến nghị.

“Chính phủ Việt Nam cũng cần có các quỹ cho các học giả Việt Nam nghiên cứu về luật pháp quốc tế, về lịch sử biển Đông, để tiếng nói Việt Nam có trọng lượng trên trường quốc tế,” ông Trung nói thêm. (T/H, VOA)