Friday, April 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu không bao giờ có vắc-xin COVID-19?

Trong lịch sử có một số loại virus cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vắc-xin để tiêu diệt. Chính vì vậy, mỗi người đều phải chuẩn bị sẵn sàng tư thế phòng vệ trước virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) như một mối đe dọa thường trực.

Theo kênh CNN, thay vì xóa bỏ hoàn toàn COVID-19, các quốc gia có thể phải học cách “sống chung với lũ”. Một số nước từng bước thận trọng mở cửa trở lại, các lệnh hạn chế cũng phần nào được nới lỏng. Việc xét nghiệm và giãn cách xã hội sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của con người. Các phương án điều trị có thể vẫn đang được nghiên cứu, trong khi bệnh dịch có thể bùng phát mỗi năm và số người chết tiếp tục tăng lên.

Đây là viễn cảnh mà giới chính trị hiếm khi nhắc tới khi họ luôn hy vọng về một triển vọng tìm ra vắc-xin. Nhưng nhiều chuyên gia y tế thực sự nghiêm túc nghĩ đến tình huống tồi tệ trên, do trước đó chuyện tương tự từng xảy ra.

“Có một số loại virus mà đến giờ chúng ta vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa. Chúng ta không thể khẳng định 100% rằng sẽ có vắc-xin chống COVID-19, hoặc giả dụ có, nó cũng sẽ an toàn và hiệu quả”, Tiến sĩ David Nabarro – Giáo sư chuyên y tế toàn cầu tại Đại học Hoàng gia London, một trong những đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19 – giải thích.

Phần lớn các chuyên gia tự tin sau này sẽ có vắc-xin COVID-19 vì không giống những loại virus như HIV hay virus gây ra bệnh sốt rét, virus SARS-CoV-2 không biến đổi nhanh chóng. Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, bày tỏ tin tưởng sẽ có vắc-xin chống COVID-19 trong 12 hoặc 18 tháng tới. Tuy nhiên, kể cả khi có vắc-xin, hiệu quả trong việc phòng ngừa khi phát triển trong thời gian ngắn như vậy cũng không một ai có thể khẳng định trước.

“Chúng ta chưa bao giờ tạo ra một loại vắc-xin nào chỉ mất có 1 năm hoặc 18 tháng cả. Chúng ta cần kế hoạch A, và kế hoạch B”, Tiến sĩ Peter Hotez – hiệu trưởng Đại học Y dược Nhiệt đới thuộc Đại học Y Baylor (Houston) – cho hay.

Khi vắc-xin không phải là phương án

Năm 1984, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ lúc bấy giờ là Margaret Heckler thông báo các nhà khoa học nước này đã nhận diện loại virus có khả năng gây hội chứng suy giảm miễn dịch HIV và dự đoán sẽ có vắc-xin phòng ngừa trong hai năm. Gần 40 năm sau và 32 triệu người tử vong, cả thế giới vẫn đang mong chờ vắc-xin ngừa căn bệnh thế kỷ này.

Trong rất nhiều năm, chẩn đoán dương tính với loại virus này là bản án tử đối với nhiều người. Không chỉ vậy, họ còn phải sống những năm tháng cuối cùng trong sự hắt hủi của xã hội. Thậm chí các bác sĩ còn tranh cãi rất nhiều trên các tạp chí y khoa rằng liệu bệnh nhân nhiễm HIV có đáng được chữa trị hay không.

Các nghiên cứu để tìm ra loại vắc-xin ngăn ngừa HIV/AIDS không ngừng lại. Năm 1997, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố quốc gia này sẽ chế tạo được vắc-xin trong 10 năm. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa có khởi sắc.

Khó khăn trong việc tạo ra vắc-xin ngăn ngừa HIV nằm trong bản thân của loại virus này. “Nếu như cúm mùa có thể tự biến đổi từ năm này qua năm khác, để cho hệ miễn dịch của bạn trong năm trước đó không thể phòng bệnh cho năm sau, thì bản thân HIV có thể biến đổi ngay trong một lần nhiễm”, Paul Offit – một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm – lý giải.

“Nó liên tục thay đổi trong cơ thể người bệnh, nên cảm giác như người bệnh bị nhiễm hàng nghìn chủng HIV khác nhau. Và một khi nó biến đổi, virus làm tê liệt hệ miễn dịch của người bệnh”, Offit trả lời kênh CNN.

Không quá đặc trưng như HIV, song vẫn có một số loại bệnh khác phát triển từ virus khiến nhân loại bó tay. Hàng chục năm nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải cho bệnh sốt xuất huyết khiến 400.000 người bị mắc mỗi năm theo thống kê của WHO. 

Tương tự như trên, rất khó để phát triển vắc-xin ngăn ngừa rhovirus và adenovirus thông thường gây ra các triệu chứng cảm lạnh – giống với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ có một loại vắc-xin ngăn chặn hai chủng adenovirus và chúng đều không có sẵn trên thị trường.

Kế hoạch B

Nếu như số phận tương tự ứng xuống vắc-xin ngừa COVID-19, kịch bản trong tương lai là chúng ta sẽ phải sống cùng với virus SARS-CoV-2 trong nhiều năm nữa.

Tuy nhiên, phác đồ điều trị HIV/AIDS vẫn có thể cung cấp một giải pháp để xã hội có thể sống cùng một căn bệnh chưa tìm ra lời giải. “Đối với HIV, chúng tôi đã có thể biến nó thành căn bệnh mãn tính với thuốc kháng virus. Chúng tôi đã làm những gì chúng tôi luôn hy vọng làm được với bệnh ung thư. Sau những năm 1980, dương tính với HIV không còn là án tử đối với mọi người”, chuyên gia Offit cho biết. Viên thuốc uống hàng ngày đã bảo vệ hàng trăm nghìn người có nguy cơ nhiễm HIV trước căn bệnh.

Hiện các y bác sĩ vừa nghiên cứu một số phương pháp điều trị COVID-19 vừa thử nghiệm vắc-xin. Các nhà khoa học đang xem xét thử nghiệm thuốc chống Ebola, trong khi tìm hiểu phương pháp điều trị bằng huyết tương. Tuy nhiên, tất cả các thử nghiệm đều ở giai đoạn ban đầu.

Một cuộc sống không có vắc-xin

Nếu như vắc-xin chưa thể sản xuất, cuộc sống rồi sẽ quay trở lại bình thường song không còn giống như trước. Các chuyên gia khuyến cáo các chính phủ nên ban hành một cách sống và tương tác mới để có thời gian thêm cho việc tìm kiếm vắc-xin.

Ông Nabarro cho biết mỗi cá nhân trong xã hội phải tự chịu trách nhiệm đối với xã hội, cần tự cách ly ngay khi có triệu chứng hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19. Tư tưởng của người lao động chỉ thấy cảm lạnh thông thường và vẫn tiếp tục đi làm nên phải chấm dứt. Các chuyên gia cũng dự đoán sẽ có một sự thay đổi quan điểm đối với cách thức làm việc từ xa, làm việc tại nhà.

Trong ngắn hạn, chương trình xét nghiệm trên diện rộng và theo dõi tiếp xúc cũng cần được triển khai để cuộc sống hoạt động song song với COVID-19. Các lệnh hạn chế sẽ được khuyến cáo mỗi mùa đông về cho đến khi có vắc-xin thực sự, và lệnh phong tỏa có thể được tái áp dụng bất kỳ khi nào chính quyền cảm thấy cần thiết.

“Tôi thực sự nghĩ sẽ có vắc-xin phòng ngừa COVID-19, vì chúng ta có sự đầu tư, công sức và mục tiêu rõ ràng. Nhưng những đại dịch trước đây chứng minh kết quả của một cuộc tìm kiếm vaccine rất khó dự đoán. Tôi không nghĩ sẽ sớm có vắc-xin COVID-19”, chuyên gia Offit kết luận. (T/T)