Friday, April 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chuyển đổi vắc-xin hay kéo dài thời gian giữa hai liều tiêm có an toàn?

Anh và các nước khác đang xem xét các phương cách để kéo dài mức cung khan hiếm vắc-xin COVID-19 bằng cách trì hoãn liều thứ hai, giảm bớt dung lượng của các liều tiêm và chuyển đổi loại vắc-xin giữa liều đầu tiên và liều thứ hai.

Cụ Werner Boestfleisch, 86 tuổi, nhận liều vaccine COVID-19 đầu tiên trong hai liều của Pfizer-BioNTech
tại Potsdam, Đức ngày 5/1/2021.
Cụ Werner Boestfleisch, 86 tuổi, nhận liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên trong hai liều của Pfizer-BioNTech tại Potsdam, Đức ngày 5/1/2021.

Đề nghị này đã gây nên tranh luận sôi nổi giữa các nhà khoa học. Sau đây là lập luận và chỉ trích về những chiến lược thay đổi này:

Tại sao trì hoãn liều thứ hai?

Trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng, các công ty thử nghiệm liều lượng vắc-xin cụ thể trong những khoảng thời điểm chính xác để tạo ra bằng chứng cho thấy vắc-xin hoạt động tốt như thế nào. Tất cả vắc-xin COVID-19 được chấp thuận, cho đến nay được thiết kế để dạy cho hệ thống miễn nhiễm nhận dạng và bảo vệ cơ thể con người trước virus trong liều đầu tiên, và sau đó cung cấp một liều tăng cường thứ hai để củng cố bài học này.

Đối mặt với đại dịch lây lan nhanh chóng và biến thể mới của virus corona truyền nhiễm mạnh mẽ hơn, một số nước hy vọng mở rộng việc miễn nhiễm bằng cách cung cấp bảo vệ cho càng nhiều người càng tốt với liều đầu tiên, và trì hoãn liều thứ hai.

Tối đa hóa số những người được miễn nhiễm một phần “có thể giảm bớt những ca COVID-19 trầm trọng và do đó chuyển bớt gánh nặng của các bệnh viện”, ông Michael Head, một chuyên gia y tế toàn cầu tại Trường đại học Southampton ở Anh, nói.

Hoán chuyển giữa các vắc-xin như thế nào?

Pha trộn hay hoán chuyển giữa các vắc-xin COVID-19 phần lớn được thúc đẩy bởi cùng mục tiêu: tiêm chủng càng nhiều người càng tốt vào lúc đại dịch vẫn bùng phát mạnh.

Tiêm một liều chính của một vắc-xin và một liều tăng cường của một vắc-xin khác mang lại sự uyển chuyển trong việc sử dụng bất cứ vắc-xin nào có được, hơn là trì hoãn để mọi người có được hai liều tiêm của cùng một loại vắc-xin.

Những chiến lược này có được thực hiện trong các cuộc thử nghiệm?

Không. Không cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối nào so sánh chiến lược san sẻ các liều vắc-xin hay hiệu quả của việc pha trộn các loại vắc-xin, ông Stephen Evans, giáo sư dịch tễ dược học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (LSHTM) nói.

Các giới chức đã nêu lên bằng chứng hạn chế từ các cuộc thử nghiệm của vắc-xin Pfizer/BioNTech, vắc-xin Oxford/AstraZeneca và vắc-xin Moderna. Tất cả đều đưa tới việc bảo vệ chống COVID-19 sau liều đầu tiên.

Các nhà ban hành qui định y tế của Anh nói hôm 30/12 đã phát hiện tỉ lệ thành công 80% đối với vắc-xin Oxford/Astrazeneca khi được tiêm hai liều, cách nhau 3 tháng, cao hơn trung bình mà các nhà bào chế phát hiện.

Ủy ban cố vấn vắc-xin của chính phủ Anh ngày 31/12 nói vắc-xin Pfizer/BioNTech đưa tới sự bảo vệ 89% từ hai tuần sau liều đầu tiên, và vắc-xin của Oxford/AstraZeneca “bằng chứng cho thấy liều đầu tiên…giúp có được khoảng 70% bảo vệ chống lại những ảnh hưởng của virus.” Tuy nhiên họ không cung cấp dữ liệu chi tiết.

Moderna báo cáo vắc-xin của họ bảo vệ được 80% sau liều đầu tiên, với hiệu nghiệm lên đến cao điểm hai tuần sau liều đầu tiên.

Tuy nhiên không có bằng chứng dài hạn là bất cứ vắc-xin nào trong các loại này sẽ cho được miễn nhiễm lâu dài căn cứ trên chỉ một liều, hay là hữu hiệu như thế nào nếu liều thứ hai bị trì hoãn.

BioNTech/Pfizer cảnh báo hôm 4/1 rằng họ không có bằng chứng là vắc-xin của họ sẽ tiếp tục bảo vệ nếu liều thứ hai không được tiêm trong vòng 21 ngày sau liều thứ nhất.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ, nói với CNN hôm 1/1 là Hoa Kỳ có phần chắc không trì hoãn việc tiêm liều thứ hai.

Cũng như thế, các nhà khoa học đã nêu lên những quan ngại về ý kiến pha trộn hai loại vắc-xin khác nhau. Một số chuyên gia nói rằng, vì tất các vắc-xin đều nhắm vào “gai nhọn” protein bên ngoài của virus, vắc-xin có thể cùng làm việc với nhau để huấn luyện cơ thể chống virus.

Nhưng không có bằng chứng là phương pháp này sẽ thành công.

“Hiện không có dữ liệu nào cả. Việc này chưa được thử nghiệm, hay nếu đã được thử nghiệm thì dữ liệu cũng chưa được công bố,” ông John Moore, giáo sư về vi sinh học và miễn nhiễm học tại Trường Y Weill Cornel ở New York, nói.

Giảm bớt dung lượng vắc-xin trong mỗi liều thì sao?

Tại Mỹ, một số giới chức y tế đang cứu xét việc tiêm chủng nửa liều vắc-xin Moderna cho những người trong độ tuổi từ 18 đến 55 tuổi. Có một số dữ liệu thử nghiệm lâm sàng hỗ trợ cho chiến lược này.

Bác sĩ Moncef Slaoui, cố vấn trưởng cho chương trình vắc-xin Mỹ Operation Warp Speed, nói với CBS hôm 3/1 là bằng chứng từ thử nghiệm của Moderna cho thấy nửa liều phát sinh được “cùng một đáp ứng miễn nhiễm” đối với liều cao hơn 100 microgram trong người trưởng thành dưới 55 tuổi. Ông cho biết chính phủ Mỹ đang thảo luận vấn đề này với Moderna và các nhà ban hành qui định.

Ông Slaoui nói ông tin là tiêm nửa lượng vắc-xin là “một phương pháp nhiều trách nhiệm hơn căn cứ trên sự kiện và dữ liệu.”

Một vài nhà khoa học Mỹ đồng ý, nhưng nói rằng dữ liệu hiện chưa được công bố. “Rất mù mờ. Tôi muốn thấy dữ liệu,” ông Eric Topol, một chuyên gia về gen và giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps tại La Jolla, California, nói.

Các chiến lược này có an toàn, thành công?

Hiện chưa rõ.

Trong khi không có bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của việc trì hoãn các liều vắc-xin COVID-19, một số chuyên gia tin là nên chờ đợi và hiệu quả tiềm tàng là bảo vệ được số đông dân chúng hơn thì cũng đáng bỏ công.

Những người khác không chắc chắn.

“Không có dữ liện nào cả,” ông Ian Jones, giáo sư virus học tại Trường đại học Reading, Anh, nói.

Hội Miễn nhiễm Anh nói hôm 4/1 là việc trì hoãn một liều thứ hai trong 8 tuần “không chắc sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên tòan bộ đáp ứng miễn nhiễm”. Theo tổ chức này dự kiến, sẽ không có rủi ro nào thêm về mặt an toàn đối với việc trì hoãn ngoài nguy cơ có thể tăng dịch bệnh trong thời gian lâm thời giữa hai liều tiêm.

Một số nhà khoa học cũng nói là dù không có bằng chứng hỗ trợ cho chiến lược pha trộn các liều vắc-xin từ các nhà bào chế khác nhau, bằng chứng từ các vắc-xin khác cho thấy một số bảo đảm.

“Căn cứ trên những cuộc nghiên cứu trước đây phối hợp nhiều loại vắc-xin khác nhau, một hỗn hợp giữa vắc-xin AstraZeneca và Pfizer chắc chắn sẽ an toàn,” bà Helen Fletcher, giáo sư về miễn nhiễm học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nói.

Ông Topol gọi chiến lược pha trộn và thích nghi “là một sai lầm to lớn” với những kết quả “không tiên đoán được-trong đó có khả năng có những phản ứng ngược hay việc giảm mạnh tính hiệu nghiệm. “Việc này không có ý nghĩa gì cả,” ông nói.

Một số người lo ngại về vấn đề an toàn, đặc biệt là việc trì hoãn liều thứ hai trong vài tuần. Khoảng cách này có thể giúp thời gian cho virus biến thể và phát triển việc kháng cự chống vắc-xin.

Sự bảo vệ của kháng thể yếu cũng có thể làm tăng nguy cơ đáp ứng miễn nhiễm bất bình thường khi con người đối mặt với virus thực sự, ông Topol nói.

Kéo dài thời gian giữa lai liều có thực tiễn không?

Kéo dài khoảng cách các liều đặt ra những nguy cơ. Gia tăng rủi ro nhiều người có thể quên hay không trở lại tiêm liều thứ hai.

Việc này cũng làm gia tăng thời gian họ không được bảo vệ tối đa, và có thể làm cho các nhà chức trách khó hơn trong việc theo dõi người nào được tiêm vaccne loại nào, khi nào và thường xuyên ra sao.

Vì những nguy cơ đó, các chuyên gia miễn nhiễm học và y tế công cộng nói việc thông tin rõ ràng là cần thiết để đảm bảo cho người dân hiểu rằng dù thời biểu, liều lượng có thể thay đổi, nhưng cần phải tiêm hai liều vắc-xin để được bảo vệ tốt nhất. (VOA)