Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chữ của năm 2020: PANDEMIC

KENNEDALE, Texas – “Chữ Của Năm” không phải là chữ mới, cũng không mang theo nghĩa mới, nhưng là chữ được dùng nhiều nhất và gắn liền với những sự kiện hay biến cố đáng quan tâm nhất, có thể để lại những di chứng lâu dài về sau.

“Chữ Của Năm,” Word(s) of the Year, viết tắt là WOTY, là một từ ngữ hoặc một nhóm từ ngữ nổi bật và tiêu biểu nhất được sử dụng trong lãnh vực truyền thông trong suốt một năm do các công ty biên soạn tự điển như Merriam-Webster, Dictionary.com (Hoa Kỳ) hay Oxford (Anh) chọn lựa.

Hằng năm, những nhà biên soạn tự điển theo dấu những từ ngữ được sử dụng rộng rãi trong tất cả các ngành truyền thông, đề cử một danh sách các “ứng viên” vào chung kết và cuối cùng chọn một ứng viên sáng giá nhất để “phong tặng” chức danh này.

“Pandemic,” chữ được tra cứu nhiều nhất năm 2020. (Hình minh họa: Sebastian Thöne/Pixabay)

Nguồn gốc của từ “Pandemic”

Căn cứ trên số lượng vô cùng cao truy cập trên mạng, hai nhà xuất bản tự điển tiếng Anh quan trọng trên thế giới, Merriam-Webster và Dictionary.com, vào hôm 30 Tháng Mười Một, 2020, đã cùng chọn “Chữ Của Năm 2020” là “PANDEMIC,” tức là Đại Dịch.

Theo Merriam-Webster thì số lượng tra cứu chữ này bắt đầu gia tăng kể từ ngày 20 Tháng Giêng, 2020, ngày mà bệnh nhân đầu tiên được phát hiện bị nhiễm virus ở Mỹ và lên cao nhất vào ngày 3 Tháng Hai, cùng ngày bệnh nhân nhiễm virus đầu tiên của Mỹ được xuất viện ở Seattle, Washington.

Vào ngày 11 Tháng Ba, khi cơn dịch lấy đi sinh mạng của gần 4,300 người và Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) chính thức tuyên bố cơn dịch là “Pandemic” với tên chính thức COVID-19, thì con số tra cứu chữ này tăng gần 116,000 lần ở Merriam-Webster và 13,500 lần ở Dictionary.com so với cùng thời gian này vào năm 2019. Sự tra cứu đó vẫn duy trì mức cao của nó trong suốt năm 2020, trung bình tăng mỗi tháng 1,000%.

“Pandemic” có gốc Hy Lạp, từ chữ “PANDEMOS.” “Pan” có nghĩa là “tất cả” (all) hay “mỗi/mọi” (every); và “Demos” có nghĩa là “dân chúng” (people). “Pandemic” được dùng một cách rộng rãi từ giữa thế kỷ 17 (1600), có nghĩa là “phổ quát” hay “phổ biến” (universal).

Một chữ khác liên hệ là “Epidemic,” dịch bệnh. “Epidemic” dùng để chỉ một cơn dịch diễn ra trong một khu vực giới hạn với số lượng người bị nhiễm giới hạn trong khi “Pandemic” là một “Epidemic” diễn ra trong một khu vực rộng lớn hơn và ảnh hưởng đến nhiều người hơn. “Pandemic 2020” là cơn dịch toàn cầu!

Tự điển Merriam-Webster (1) định nghĩa: “Đại dịch là một sự kiện trong đó một dịch bệnh lây lan nhanh chóng và gây ảnh hưởng đến một số lượng lớn người trong một khu vực rộng lớn hoặc trên toàn thế giới.” (2)

Tự điển Dictionary.com (3) cho một định nghĩa tương tự: “Đại dịch là một cơn dịch lan tràn khắp một nước, một lục địa hay trên toàn thế giới.” (4)

Còn Collins Dictionary, một công ty tự điển khác, của Anh, chọn chữ “LOCKDOWN” (phong tỏa). Phong tỏa là “một biện pháp y tế công cộng” (a public health measure), qua đó, “mọi sinh hoạt công cộng bình thường bị đình chỉ” (normai public life is suspended), mọi người bị hạn chế di chuyển và gặp gỡ người khác.

Riêng tự điển Cambridge thì chọn chữ “QUARANTINE” (cách ly để kiểm dịch), được định nghĩa là “một khoảng thời gian quy định chung trong đó, người ta không được phép rời nơi mình ở hoặc đi lại tự do, để tránh cho họ khỏi bị nhiễm bệnh hay truyền bệnh cho người khác.” (5)

“Lockdown” hay “Quarantine” cũng xuất phát từ “Pandemic.”

“Social distance” được dùng nhiều trong năm đại dịch COVID-19. (Hình minh họa: Gerd Altmann/Pixabay)

Đại dịch thay đổi ngôn ngữ như thế nào?

Virus Corona đã dẫn tới một sự bùng nổ những chữ và nhóm chữ mới, cả ở tiếng Anh cũng như các ngôn ngữ khác. Các từ vựng mới này giúp chúng ta nắm bắt được những thay đổi bây giờ đã trở thành một phần trong đời sống hằng ngày.

Đối với những cơn dịch quan trọng trước đây, hậu quả lâu dài để lại trong ngôn ngữ chỉ là những “cái tên” được sử dụng phổ biến trong quần chúng như bệnh HIV (Human Immunodeficiency Virus), bệnh AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome), Spanish Flu (1918-1920), SARS (2002-2004), Swine Flu (2009). Và chỉ dừng ngang đó.

Đại dịch lần này hoàn toàn khác. Chỉ trong vòng vài ba tháng, con siêu vi Corona đã thay đổi hẳn nếp sống của mọi người và tái cấu trúc cách con người đối phó với hiện thực. Mọi sự, từ những tin tức hàng đầu, những quảng cáo kinh doanh, cho đến cách ăn nói thông thường hằng ngày đều ghi dấu ấn của đại dịch.

Đại dịch trở thành cái mốc để định danh các biến cố bằng cách sử dụng các giới từ: “trước” đại dịch (before pandemic), “trong” đại dịch (during pandemic), “ở giữa” đại dịch (amid pandemic) hay “kể từ” đại dịch (since pandemic).

“Pandemic” còn được sử dụng như một từ bổ nghĩa (modifier) theo cách phương cách mới: “dạy dỗ kiểu đại dịch” (pandemic teaching), “thời trang đại dịch” (pandemic fashion), “nấu nướng đại dịch” (pandemic baking/cooking) hoặc “suy nhược đại dịch” (pandemic depression), vân vân và vân vân.

Chỉ trong thời gian có vài tuần lễ đầu năm 2020, Pandemic đã đưa vào một lô chữ mới nổi bật, phổ biến rộng rãi mà bình thường thì chỉ có những nhà chuyên môn mới biết và sử dụng. Xin liệt kê một số chữ dưới đây:

-asymptomatic: không triệu chứng.

-contact tracing: theo dõi liên hệ hay truy vết.

-flatten the curve: làm phẳng đường cong (trên đồ thị) = giảm bớt số ca nhiễm bệnh hay tử vong.

-frontliner: người ở tiền tuyến (chỉ các bác sĩ, y tá và nhân viên làm việc tại các bệnh viện và cơ sở y tế).

-herd immunity hay community immunity: miễn nhiễm cộng đồng.

-infodemic: dịch thông tin.

-long-hauler: bệnh nhân COVID-19 dài ngày (hơn hai tuần cho đến vài tháng).

-quarantine: cách ly kiểm dịch.

-shelter-in-place: trú ẩn tại chỗ.

-lockdown: phong tỏa (trú ẩn trong nhà, không được đi ra ngoài).

-social distancing: giãn cách xã hội.

-superspreader: bệnh nhân siêu lây (lây cho nhiều người).

-twindemic: lưỡng dịch/dịch đô (bệnh cúm + bệnh COVID-19).

-sanitizer: dung dịch sát khuẩn.

-CDC (The Centers for Disease Control and Prevention): Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh.

“No mask no entry,” không khẩu trang không được vào. (Hình minh họa: Noah Seelam/AFP via Getty Images)

Trên đây là những thuật ngữ. Ngoài ra, còn có một số từ ngữ chỉ các sinh hoạt xã hội bị ảnh hưởng của dịch bệnh hay phát sinh từ dịch bệnh do những nhà biên soạn từ điển theo dấu chúng để đưa vào từ điển. Chúng được mệnh danh là “coronacoinages” (từ mới phát sinh do siêu vi Corona). Xin ghi lại một số:

-contactless: phi tiếp xúc, tránh tiếp xúc.

-curbside pick up: nhận hàng ở bãi đậu xe (curbside: lề đường).

-maskless: không mang khẩu trang.

-no mask no service: không đeo khẩu trang không phục vụ.

-no mask no entry: không khẩu trang không được vào.

-face coverings: khẩu trang.

-anti-masker: người chống đeo khẩu trang, thường là người ủng hộ Tổng Thống Trump.

-drive-by: tham dự một lễ hội đông người nào đó bằng cách “ngồi trong xe” đậu ở bãi đậu xe. Ta có: drive-by campaign rallies (tạm dịch: mít tinh vận động tranh cử thời đại dịch); drive-by graduations (dự lễ tốt nghiệp thời đại dịch), drive-by weddings (dự đám cưới thời đại dịch), drive-by birthdays (dự sinh nhật thời đại dịch), vân vân.

-drive-in/drive-thru: một dịch vụ công cộng được thiết lập để người tới giao dịch có thể đậu xe tại đó, ngồi trong xe làm việc, khỏi phải ra ngoài tiếp xúc (contactless): drive-in confession (ngồi xưng tội trên xe thời đại dịch), drive-in coronavirus test (ngồi trên xe thử nghiệm siêu vi).

-virtual meeting, conference, event: hội nghị qua mạng.

-remote/virtual/online learning class: lớp học qua mạng, lớp học từ xa, lớp học gián tiếp.

-in-person class: lớp học tại trường, lớp học trực tiếp.

-mail-in voting: bầu cử bằng thư, bầu cử gián tiếp; in-person voting: bầu cử trực tiếp.

-hybrid class/learning: lớp học lai, có ngày học tại trường, có ngày học qua mạng (traditional class + remote classes/activities).

-fist bump: chạm nắm tay để chào nhau (thay vì handshakes, bắt tay).

-elbow bump: chạm cùi chỏ để chào nhau (thay thế cho high-fives, vỗ vào lòng bàn tay). (Trần Doãn Nho) (N/V)

Chú thích:

(1) Merriam-Webster: www.merriam-webster.com/words-at-play/word-of-the-year/coronavirus

(2) an occurrence in which a disease spreads very quickly and affects a large number of people over a wide area or throughout the world. 

(3) Dictionary.com: www.dictionary.com/e/word-of-the-year

(4) a disease prevalent throughout an entire country, continent, or the whole world.

(5) a general period of time in which people are not allowed to leave their homes or travel freely, so that they do not catch or spread a disease.