Friday, May 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cách thức để bạn có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng mình khỏi nạn bị ngược đãi trầm trọng trên mạng


Lên mạng cho chúng ta những cơ hội nối kết thật phi thường. Để gặp gỡ nhiều người quen mới, giữ liên lạc với gia đình và bạn bè, khám phá các lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa mới.

Nhưng khi lên mạng mà gặp chuyện không hay thì sao? Khi chúng ta phải chịu đựng sự đay nghiến gây tổn thương – thậm chí là bị ngược đãi trầm trọng thì sao?

Nói vậy thì có vẻ như phóng đại – nhưng những rủi ro khi lên mạng trầm trọng hơn nhiều so với những gì hầu hết mọi người nhận thức được. Những rủi ro ấy cần phải được giải quyết – nếu không sẽ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Luật lệ mới về an toàn trực tuyến, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022, có nghĩa là nay có thêm nhiều phương thức để mọi người tự bảo vệ mình khỏi bị ngược đãi trầm trọng trên mạng hơn bao giờ hết. Những cách thức đó có nghĩa là vị Ủy viên về An toàn Trên Mạng (eSafety Commissioner) có thể buộc những kẻ ngược đãi người khác phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ, và vị Ủy viên này có nhiều quyền hạn hơn để ra lệnh xóa bỏ những nội dung có hại và ngược đãi nghiêm trọng trên mạng. Nhưng chuyện này có ý nghĩa thế nào đối với các cộng đồng văn hóa đa nguyên?

Để tìm hiểu, tôi đã gặp gỡ một số nhân vật được kính trọng trong xã hội văn hóa đa nguyên ở Úc để thảo luận về vấn đề tại sao các cộng đồng văn hóa đa nguyên lại có nhiều nguy cơ bị sách nhiễu nghiêm trọng trên mạng hơn, và cách thức chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau để tìm sự giúp đỡ.

Tập quán im lặng trong nhiều cộng đồng văn hóa đa nguyện là tình trạng hết sức phổ biến. Trong mọi nền văn hóa, người ta thường sợ nói ra. Sợ bị tẩy chay, bị trở thành nạn nhân – thậm chí còn sợ là mình đổ lỗi cho người khác trong chính cộng đồng mình.

18% những người thuộc nguồn gốc đa văn hóa và ngôn ngữ ở Úc nói rằng họ đã từng là đối tượng hứng chịu những ngôn từ thù ghét trên mạng – cao hơn mức  trung bình trên toàn quốc là 14%. Vì nỗi lo sợ không dám nói ra quá phổ biến trong các cộng đồng – nên tôi không ngại ngần mà đoán rằng mức khác biệt thực sự thậm chí còn cao hơn thế.

Tất nhiên đó là chưa đề cập đến chuyện thiếu hiểu biết về những yếu tố nào đã tạo nên tình trạng ngược đãi nghiêm trọng trên mạng, hoặc nơi nào để trình báo chuyện đó.

Trong cuộc thảo luận nhóm của chúng tôi, một thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm từng là nạn nhân của cô. Câu chuyện thật đau lòng – thuật lại cuộc hành hạ đã phủ trùm cuộc đời cô như đám cháy rừng hoành hành. Bạn bè cô đều tránh xa vì họ sợ trở thành mục tiêu kế tiếp của kẻ bạo hành cô, và cô cảm thấy hoàn toàn bất lực.

Nghe chuyện của cô ấy buộc bạn phải tự nghĩ: liệu mình có biết phải làm gì nếu chuyện đó xảy ra cho mình không? Nếu có kẻ sách nhiễu mình trên mạng, thì mình phải làm sao? Ai có thể giúp đỡ mình?

Đối với các cộng đồng văn hóa đa nguyên, những thắc mắc ấy còn nặng nề và cấp bách hơn nhiều. Không chỉ chiếm tỷ lệ quá cao trong thành phần nạn nhân, thống kê còn cho thấy khi tổng hợp lại thì các yếu tố sắc tộc, chủng tộc và quốc tịch là lý do số một mà mọi người nói rằng khiến họ trở thành mục tiêu của những ngôn từ hận thù trên mạng. Đối với những di dân mới đến và không quen thuộc với luật lệ và tiến trình pháp lý ở đây – thì đó là một sự kết hợp đáng sợ: họ là người có nhiều nguy cơ là mục tiêu bị nhắm tới mà lại kém khả năng biết phải làm gì về điều đó.

Điều thiết yếu là mọi người trong cộng đồng chúng ta phải hiểu luật lệ và biết phải làm gì khi họ là nạn nhân và bị tổn thương. Cứ xem cách mọi người cư xử trên mạng thì ta dễ thấy là mọi chuyện có thể tuột/vượt khỏi tầm kiểm soát như thế nào. Tôi giả sử rằng nhiều thủ phạm không hoàn toàn hiểu những gì họ đang làm là bất hợp pháp. Và nếu họ không biết những gì họ đang làm là vi phạm pháp luật, thì liệu nạn nhân của họ có biết không? Liệu họ có nhận thức được rằng có những điều mà họ có thể làm để đối phó không?

Tôi muốn so sánh thế này. Nếu bạn đến một công viên, và mọi người đều giữ gìn nơi đó thật sạch sẽ và cư xử với lòng tôn trọng lẫn nhau thì bạn có thể cũng xử sự như vậy. Nhưng nếu rác rưởi ở khắp mọi nơi và mọi người tha hồ làm bất cứ điều gì họ muốn – thì có lẽ chúng ta cũng chấp nhận điều đó thôi.

Điều này cũng giống y như khi bạn lên mạng. Chúng ta cần phải bằng cách này hoặc cách khác phá vỡ cái tập quán giữ im lặng và khuyến khích mọi người lên tiếng và lên tiếng công khai khi có chuyện không hay xảy ra – và cung cấp cho họ công cụ để lên tiếng.

Bây giờ là lúc nên mạnh mẽ bàn luận về chuyện này. Nói chuyện với bạn bè, gia đình và cộng đồng chúng ta –nhằm bảo đảm bảo rằng mọi người đều biết phải tìm đến nơi nào để được giúp đỡ khi cần.

Những quyền hạn mới mà vị Ủy viên về An toàn Trên mạng (eSafety Commissioner) nắm giữ là để giúp chúng ta buộc những kẻ ngược đãi phải chịu trách nhiệm về  hành vi của họ và thi hành các biện pháp bảo vệ. Bằng cách bắt đầu các cuộc nói chuyện về vấn đề này và hỗ trợ những người trong cộng đồng mình có thể đang cần được giúp đỡ thêm, chúng ta có thể xây dựng một văn hóa cư xử trên mạng, nơi mọi người cảm thấy được an toàn khi biết rằng có sẵn luật lệ để bảo vệ họ.

Nhiều di dân đến Úc là để tìm kiếm cuộc sống an toàn. Giờ đây, khi thế giới ảo càng ngày càng trở thành một phần trong cuộc sống và thói quen của mình, chúng ta phải bảo đảm rằng sự an toàn ấy được mở rộng để bao gồm cả thế giới thực và thế giới trực tuyến. Chúng ta có quyền được an toàn – cả trên mạng và trong cuộc sống thực.

Các công cụ và luật lệ đều đã được đưa vào áp dụng- chúng ta chỉ cần bảo đảm sao cho mọi người đều biết rằng những điều đó đã có sẵn. Hãy khởi sự nói chuyện và giúp bảo đảm mọi người đều luôn được bảo vệ trong tất cả mọi khía cạnh cuộc sống của họ.

Để biết thêm thông tin về luật mới về an toàn trên mạng và cách thức trình báo bằng 12 ngôn ngữ, hãy truy cập trang www.esafety.gov.au/online-safety

Xin cảm ơn những đồng nghiệp cổ vũ cho vấn đề an toàn trên mạng của tôi – Leviseda Douglas, Arshdeep Cheema và Sedi Salek – đã cùng tôi tham dự cuộc thảo luận này và chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của mình.

Lizzy Kuoth là một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa đa nguyên và là cố vấn về kinh nghiệm tỵ nạn và tiếp cận cộng đồng, rất nhiệt thành với việc thăng tiến và cổ vũ những vấn đề nhằm xậy dựng các cộng đồng tốt đẹp và hòa hợp hơn.