Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Các lệnh trừng phạt thương mại của ĐCSTQ gần như không ảnh hưởng đến nền kinh tế Úc


Cuộc chiến thương mại có động cơ chính trị của chính quyền Bắc Kinh nhắm vào Úc hầu như không ảnh hưởng đến nền kinh tế tổng quan của quốc gia này, nhấn mạnh rằng giao thương với Trung Quốc có thể không quan trọng về mặt kinh tế đối với Úc như mọi người vẫn nghĩ.

Một bức ảnh được chụp cho thấy một cánh đồng lúa mì đang được thu hoạch tại một trang trại gần Inverleigh, Úc Châu, vào ngày 12/01/2021. Hình AFP/Getty

Ủy ban Năng suất đã tiết lộ trong báo cáo Đánh giá Thương mại 2021-2022 của họ rằng các lệnh cấm giao thương của Trung Quốc đối với hàng hóa của Úc đã làm giảm GDP thực tế của Úc (GDP đã điều chỉnh theo lạm phát), thu nhập thực tế (tổng sản phẩm quốc gia, GNP), và tỷ lệ thương mại xuống dưới một phần trăm cho mỗi chỉ số.

Đáng chú ý nhất, GDP thực tế chỉ giảm 0.009%. Trong khi đó, tác động lớn nhất là sản lượng từ lĩnh vực sản xuất chính, giảm 1.4%.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp đặt các rào cản thương mại trị giá 20 tỷ dollar đối với một số hàng hóa vào năm 2020, bao gồm than, rượu, lúa mạch, thịt bò, tôm hùm, gỗ, và bông, nhằm trả đũa chính sách cứng rắn với ĐCSTQ của chính phủ cựu Thủ tướng Morrison, trong đó ông đề nghị mở các cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Mặc dù xuất cảng rượu vang và tôm hùm bị ảnh hưởng đặc biệt do các ngành này gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường đầu tư thành công như các ngành bị ảnh hưởng khác, nhưng các trở ngại về thương mại không gây ra bất kỳ tổn thất đáng kể nào cho toàn bộ nền kinh Úc.

Báo cáo cho biết: “Mặc dù các biện pháp này dường như không gây ra nhiều tổn thất đáng kể cho toàn bộ nền kinh tế Úc, nhưng một số doanh nghiệp đã phải trả giá đắt.”

Các nhà xuất cảng tôm hùm đã từng dồn rất nhiều nỗ lực vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi tiến vào các thị trường mới, trong đó có Hồng Kông và Việt Nam, giá trị xuất cảng đã bắt đầu tăng trở lại.

Báo cáo cho biết các nhà xuất cảng lúa mạch và than thành công nhất trong việc tìm kiếm các thị trường khác, đồng thời lưu ý rằng mặc dù có các rào cản thương mại, nhưng xuất cảng thịt bò và lúa mì không bị ảnh hưởng nhiều.

Các mặt hàng bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại được xuất cảng sang Trung Quốc, dựa trên dữ liệu từ Báo cáo Tùy chỉnh Thương mại năm 2023 về Mậu dịch Quốc tế của Cục Thống kê Úc (ABS). (Ảnh: Ủy ban Năng suất)
Các mặt hàng bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại được xuất cảng sang Trung Quốc, dựa trên dữ liệu từ Báo cáo Tùy chỉnh Thương mại năm 2023 về Mậu dịch Quốc tế của Cục Thống kê Úc (ABS). Hình Ủy ban Năng suất
Điểm đến của tôm hùm xuất cảng trước và sau chiến tranh thương mại. (Ảnh: Ủy ban Năng suất)
Điểm đến của tôm hùm xuất cảng trước và sau chiến tranh thương mại. Hình Ủy ban Năng suất

Kinh tế Úc hưng vượng

Báo cáo này nêu rõ: “Khi nhu cầu và nguồn cung toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ nhìn chung không thay đổi, thì những gián đoạn đặc thù thường dẫn đến việc tổ chức lại thương mại giữa các quốc gia riêng lẻ, thay vì làm giảm thương mại toàn cầu nói chung.”

Phân tích dữ liệu xuất cảng từ Cục Thống kê Úc (ABS) của Viện Chính sách Chiến lược Úc (APSI) cho thấy Trung Quốc chiếm 29.5% tổng kim ngạch xuất cảng của Úc vào tháng 08/2022 — giảm từ 42.1% vào tháng 07/2021.

Ông David Uren, thành viên cao cấp của APSI cho biết hầu hết các ngành bị ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Trung Quốc đều có thể phát triển mạnh ở các thị trường mới, ngoại trừ các nhà xuất cảng rượu và tôm hùm. Ông cũng cho rằng nền kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề hơn từ cuộc chiến thương mại này so với Úc.

Ông Uren lưu ý rằng điều này cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Úc trong bối cảnh quốc gia này phải đối mặt với một đợt giảm xuất cảng khác sang Trung Quốc.

Ủy ban Năng suất ước tính rằng các rào cản thương mại đã làm giảm 6.7% tổng giá trị xuất cảng sang Trung Quốc trong khi làm tăng nhu cầu đối với hàng xuất cảng của Úc từ các nước khác thêm 2.2%.

Nhưng đồng thời, giá các mặt hàng xuất cảng chính của Úc như quặng sắt và than tăng vọt đã làm tăng giá trị hàng xuất cảng của quốc gia này lên 32%. Hầu hết than xuất cảng được chuyển hướng đền Nhật Bản, Nam Hàn, và Ấn Độ.

Trên thực tế, do nhu cầu hàng hóa và năng lượng toàn cầu khổng lồ, thặng dư thương mại của Úc đạt hơn 1.3 tỷ dollar trong 12 tháng tính đến tháng Năm, theo ABS.

Nhưng khi chính quyền Bắc Kinh đang dần dỡ bỏ một số rào cản thương mại đối với than và gỗ, thương mại sang Trung Quốc đối với những nhà xuất cảng này đang dần trở lại mức trước thời kỳ đại dịch COVID.

Nền kinh tế Trung Quốc rạn nứt

Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong nói rằng điều này là một minh chứng tích cực cho thấy quá trình nền kinh tế Úc Châu đang chuyển sang mô hình đa dạng hóa.

“Nói như vậy, rõ ràng là chúng tôi tin rằng việc loại bỏ những rào cản thương mại này nằm trong lợi ích của chúng tôi và lợi ích của Trung Quốc, và đó là điều tôi đã nói với ông Vương Nghị vào tuần trước tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á,” bà Wong nói với tờ Sky News Australia.

Trong khi đó, các số liệu kinh tế khác nhau cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế nhanh chóng hiện nay của Trung Quốc, trong đó có cuộc khủng hoảng ngày càng tăng về tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ và dữ liệu xuất cảng ngày càng suy giảm, cũng như sự thừa nhận lo ngại từ các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đổ lỗi cho các quốc gia ngoại bang về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, trong khi khẳng định rằng nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy một “xu hướng phục hồi tích cực” dưới sự lãnh đạo của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hành động này được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Anthony Albanese có khả năng sẽ đến thăm Trung Quốc. Sự kiện này đang trở thành chủ đề của nhiều lời đồn đoán trong khi chính quyền Bắc Kinh tiếp tục giam giữ hai công dân Úc là ông Dương Hằng Quân (Yang Hengjun) và cô Thành Lôi (Cheng Lei).

“Chính phủ Úc rất lo lắng về trường hợp của cô Thành Lôi. Tôi nghĩ rằng chúng tôi rất lo ngại về sự trì hoãn trong việc đưa ra phán quyết đối với trường hợp của cô. Chúng tôi rất lo lắng về khoảng thời gian mà cô bị giam giữ. Vì chúng tôi lo ngại về việc giam giữ Tiến sĩ Dương, và đó là trường hợp mà chúng tôi thường xuyên đưa ra để bàn thảo,” bà Wong nói.

Bà Wong nói thêm rằng chính phủ Úc muốn thủ tướng thực hiện chuyến công du đến Trung Quốc trong “những hoàn cảnh tích cực nhất.”

“Chúng tôi muốn làm việc với người Trung Quốc để tạo ra những hoàn cảnh tích cực đó. Và chúng tôi đã bày tỏ quan điểm của mình về [các vấn đề] ví dụ như tầm quan trọng của việc dỡ bỏ những rào cản thương mại đó để tiếp tục phát triển,” bà nói.

Theo một cuộc thăm dò của Viện Lowy, trước chiến dịch cưỡng bách kinh tế đang diễn ra của ĐCSTQ đối với Úc và mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của quốc gia này ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, lòng tin của người dân Úc đối với Trung Quốc vẫn duy trì mức thấp là 13%. (T/H, ETV)