Bí mật về những container siêu lạnh đưa vắc-xin COVID-19 đi khắp các châu lục
Một trong những thách thức hậu cần lớn nhất trong lịch sử hiện đại thế giới là: Làm thế nào hàng triệu liều vắc-xin COVID-19, phải được bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh, có thể nhanh chóng được vận chuyển đi khắp các châu lục và đại đương?
Theo CNN, một công ty đang ứng dụng những kinh nghiệm về vận chuyển cá ngừ của mình vào chiến dịch logistic lịch sử này.
Thermo King –công ty từng cách mạng hoá ngành thực phẩm thông qua những tiến bộ về vận chuyển đường biển kiểm soát nhiệt từ trước Chiến tranh thế giới thứ II –hiện đang phối hợp với các tập đoàn dược, các chính phủ và công ty logistics để đảm bảo vắc-xin phòng COVID sẽ được bảo quản đúng quy cách khi được đưa tới các cơ sở chủng ngừa trên khắp địa cầu.
Để khiến điều đó xảy ra, họ đã cải tiến các container từng được sử dụng để vận chuyển cá ngừ tươi tới Nhật Bản, vốn đòi hỏi điều kiện lạnh tương tự.
Ông Francesco Incalza, Chủ tịch Thermo King khu vực châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, nói với CNN: “Chúng tôi đã dùng loại container đó và sửa lại”.
Theo ông Incalza, cá ngừ phải được bảo quản ở -60 độ C để duy trì chất lượng và màu đỏ đậm khi đến các siêu thị và nhà hàng. Trong khi đó, vắc-xin COVID-19 do Pfizer/BioNTech phát triển phải được bảo quản ở -70 độ C khi vận chuyển.
Vì thế Thermo King, công ty thuộc tập đoàn Trane Technologies có trụ sở tại Ireland, đã thực hiện một số chỉnh sửa, bổ sung lớp cách nhiệt và điều chỉnh hệ thống làm lạnh để hạ thấp nhiệt độ trong container hơn nữa.
Giờ đây, mỗi container dài hơn 6 mét có thể chứa 300.000 liều vắc-xin Pfizer – loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên được các nước phương Tây chấp thuận sử dụng sau quá trình kiểm tra nghiêm ngặt – để vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường biển. Một số lô vắc-xin Pfizer đã được bán và đang toả đi khắp thế giới.
Ông Incalza cho biết thông thường, việc đổi mới vận chuyển siêu lạnh như vậy thông thường phải mất vài năm để phát triển. Nhưng với tình hình cấp bách hiện nay thì thời gian sẽ được rút ngắn đáng kể.
Công nghệ “dây chuyền lạnh”
Các sản phẩm dược thường cần được bảo quản ở nhiệt độ mát từ 2-8 độ C trong quá trình vận chuyển. Nhưng vắc-xin của Pfizer thì khác. Đây là lần đầu tiên một loại vắc-xin sử dụng công nghệ tiên tiến mRNA được phê duyệt.
Công nghệ này dựa trên việc truyền các đoạn gien để hướng dẫn cơ thể sản xuất một protein tương tự như của virus SARS-CoV, từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch để kháng lại virus gây COVID-19 khi chúng xâm nhập thật.
Ngày 11/12 (theo giờ địa phương), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin của Pfizer, trong khi trước đó, hôm 8/12, Vương quốc Anh đã triển khai tiêm đại trà vắc-xin này. Canada cho biết sẽ đưa vào sử dụng vắc-xin Pfizer từ ngày 16/12 tới.
Một loại vắc-xin khác sử dụng công nghệ mRNA, được sản xuất bởi Moderna (Mỹ), cũng dự kiến được chính phủ Mỹ phê duyệt trong những tuần tới. Vắc-xin Moderna sẽ được bảo quản ở nhiệt độ cao hơn, là -20 độ C.
Các chuyên gia về chuỗi cung ứng nói rằng việc giữ cho vắc-xin công nghệ mRNA đủ độ lạnh là một trong những trở ngại chính trong phân phối vắc-xin trên khắp thế giới, nhằm sớm chấm dứt đại dịch.
Nhưng họ cho rằng thách thức này hoàn toàn có thể giải quyết, với sự tinh vi của cái gọi là “dây chuyền lạnh”, đã trải qua lịch sử hàng chục năm vận chuyển thực phẩm và dược phẩm đi khắp thế giới ở những mức nhiệt khác nhau.
Tất nhiên, công nghệ “dây chuyền lạnh” này không hề rẻ. Đại học Imperial ở London lưu ý rằng phần lớn chi phí của các chương trình tiêm chủng là chi cho “dây chuyền lạnh”, thậm chí có thể chiếm tới 80% tổng chi phí.
Tuy nhiên, triển vọng vận chuyển hàng hóa nhạy cảm, cần kiểm soát nhiệt độ đi khắp thế giới là có cơ sở. Đó là một phần nhờ công của hai nhà đồng sáng lập ra Thermo King, Frederick McKinley Jones và Joseph Numero.
Jones đã phát triển một thiết bị làm lạnh hiệu quả, có thể chở bằng xe tải sau khi nghe một người bạn chơi golf phàn nàn về một lô hàng thịt gà bị hỏng vào năm 1938.
Kết quả là Thermo King đã phát triển “theo cấp số nhân” trong Thế chiến thứ hai, khi công nghệ “dây chuyền lạnh” của họ được sử dụng để giúp bảo quản máu, thuốc và thực phẩm thời chiến.
Hai nhà sáng lập Thermo King đã được Tổng thống Mỹ George H.W. Bush trao thưởng Huy chương Công nghệ quốc gia vào năm 1991, và Jones là người da đen đầu tiên nhận được vinh dự này.
Từ cá ngừ đến vắc-xin
Một thế hệ sau, Thermo King lại đóng vai trò quan trọng trong xử lý một cuộc khủng hoảng khác.
Vào tháng 10/2020, Chủ tịch Trane Technologies (công ty mẹ của Thermo King), David Regnery, nói với các nhà phân tích rằng công ty đã phát triển một loại tủ đông di động với công suất gấp 60 lần so với những loại trước đây trên thị trường dược phẩm. Ông Regnery đang nhắc tới những container lạnh chứa cá ngừ đã được trang bị thêm.
Ông cũng cho rằng sản phẩm mới được phát triển là “cơ hội lớn cho Thermo King”. Cổ phiếu của công ty, giao dịch ở New York, đã tăng 35% trong năm nay.
Dự đoán nhu cầu tăng vọt, Thermo King bắt đầu tăng cường sản xuất các container siêu lạnh của mình tại một cơ sở ở Trung Quốc từ vài tháng trước, theo ông Incalza.
Vị Chủ tịch Trane Technologies coi việc phân phối những liều vắc-xin đầu tiên vào cuối năm 2020 này là một phần cuộc tập dượt quan trọng trước chương trình phân phối khổng lồ trong năm 2021. “Khi nhắc đến mùa Xuân, chúng ta đang nói đến việc phân phối hàng tỉ, hàng tỉ liều vắc-xin”, ông Incalza nói. (BTT)