Saturday, April 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chích ngừa Covid với 2 vắc-xin khác nhau: Lợi hay hại?

Tuy rất hiếm khi xảy ra, nhưng những ca đông máu sau khi chích vắc-xin AstraZeneca khiến ngày càng nhiều người lo ngại về thuốc tiêm ngừa này. Những người đã được chích mũi đầu tiên với AstraZeneca thì nay đang phân vân, đắn đo, không biết có nên đòi được chích liều thứ hai cũng với vắc-xin này hay với một vắc-xin khác. Và nếu họ cố đi tìm một lời giải đáp thì lại càng nhức đầu, bởi vì cho tới nay vẫn có nhiều tranh cãi về việc chích ngừa Covid-19 với hai vắc-xin khác nhau.

Trước hết, xin được nhắc lại là hiện nay chủ yếu có hai loại vắc-xin. Loại thứ nhất, vắc-xin adénovirus, hay còn được gọi là vecteur virus, tức là vắc-xin đưa vào cơ thể chúng ta một virus vô hại, rồi dùng cơ chế của nó tạo ra một mảnh vô hại của virus gây bệnh Covid-19. Đó là những vắc-xin như AstraZeneca hay Johnson&Johnson.

Loại thứ hai, vắc-xin gọi là ARN Messager, tức là loại vắc-xin “dạy” cho các tế bào của chúng ta tạo ra một protein, hay chỉ là một mảnh protein, kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể chúng ta. Đó là những vắc-xin như Pfizer hay Moderna.

Ảnh minh họa hai loại vac-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech.
Ảnh minh họa hai loại vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech. (Hình REUTERS)

Các nước có ý kiến khác nhau

Như vậy, nếu sử dụng hai loại vắc-xin với kỹ thuật hoàn toàn khác nhau, thì liệu có thể đạt được hiệu quả miễn dịch tốt cho cơ thể chúng ta hay không ? Ý kiến về vấn đề này thì mỗi nước mỗi khác.

Tại Pháp, vắc-xin AstraZeneca kể từ nay chỉ được dành cho những người 55 tuổi trở lên, do nguy cơ đông máu đối với những người dưới độ tuổi này. Trước khi có quyết định đó, đã có 533.000 người dưới 55 tuổi được chích liều đầu tiên với AstraZeneca. Như vậy thì phải giải quyết những trường hợp này thế nào?

Cơ quan Y tế Cao cấp ( HAS ) ngày 09/04/2021 đã khuyến cáo là những người dưới 55 tuổi đã được chích liều đầu tiên với AstraZeneca, thì liều thứ hai sẽ được chích một loại vắc-xin ARN Messenger như Pfizer hay Moderna. Trong cuộc họp báo hôm đó, bà Elizabeth Bouvet, chủ tịch Ủy ban kỹ thuật về chích ngừa của HAS, đã giải thích rằng chích ngừa với hai vắc-xin khác nhau sẽ giúp cơ thể có phản ứng miễn dịch tốt hơn và thời gian miễn dịch dài hơn.

Vấn đề sử dụng hai vắc-xin khác nhau không chỉ được đặt ra ở Pháp mà còn ở nhiều nước khác. Chẳng hạn như tại Canada, ngày 26/02 vừa qua, Ủy ban về miễn dịch của Québec ( CIQ ) đã viết : « Cho dù vắc-xin được sử dụng cho liều thứ hai là gì, hai liều được tiêm sẽ đều được coi là có hiệu quả và như vậy sẽ không cần tiêm liều thứ ba ». Nhưng cơ quan này cũng nhấn mạnh ngay : « Trong khi chưa có những dữ liệu về sự hoán đổi các vắc-xin, nên sử dụng cùng một loại vắc-xin cho liều thứ hai ».

Và nếu không thể được chích với cùng một vắc-xin, CIQ khuyên là nên chích với một vắc-xin tương tự, ví dụ như nếu đã được chích liều thứ nhất với một loại vắc-xin ARN, thì liều thứ hai nên sử dụng cùng loại vắc-xin này. Nói ra hơn là chúng ta chỉ có thể hoán đổi giữa Pfizer với Moderna, hoặc là giữa AstraZeneca với Johnson&Johnson.

Tại Đức, ủy ban thường trực về tiêm chủng ( STIKO ) ngày 01/04 vừa qua thì thận trọng hơn, lưu ý rằng « chưa có bằng chứng khoa học nào về sự an toàn hiệu quả » của việc chích ngừa với hai vắc-xin khác nhau.

Trong khi đó, Anh Quốc, một trong những quốc gia đi đầu thế giới về tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, do muốn chích liều đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt, từ lâu đã quyết định là đôi khi có thể sử dụng một loại vắc-xin khác cho liều thứ hai. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để đo lường các tác động của việc pha trộn thuốc tiêm ngừa, vì như ta đã biết, tỷ lệ lây nhiễm ở Anh Quốc trước đây rất cao, cho nên khó mà có được kết quả chính xác. Một nghiên cứu của Anh đã cho thấy là 56,4% số người trên 80 tuổi ở nước này hiện đã có kháng thể chống virus corona. Như vậy, trong trường hợp này, liều vắc-xin thứ nhất đã có tác dụng giống như liều thứ hai rồi và liều thứ hai thì thật ra không có, hoặc ít có tác dụng.

Thật ra, cho dù sử dụng hai kỹ thuật khác nhau, các vắc-xin ngừa Covid-19 đều tạo ra cùng một kháng nguyên (antigène), đó là protein Spike để chống virus SARS-CoV-2. Như vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu, có pha lẫn các vắc-xin này cũng không ảnh hưởng gì đến hiệu quả miễn dịch. 

Tiền lệ vắc-xin ngừa viêm gan B

Mặt khác, việc hoán đổi vắc-xin không phải là chuyện mới mẻ gì, chẳng hạn như trong việc tiêm ngừa bệnh viêm gan B, có thể sử dụng hai loại vắc-xin khác nhau cho liều thứ nhất và liều thứ hai, bởi vì các vắc-xin này có cùng một kháng nguyên

Trong thông báo ngày 09/04, Cơ quan Y tế Cao cấp của Pháp cũng đã nhắc lại trong việc phát triển một số vắc-xin, nhất là vắc-xin ngừa HIV, người ta đã thấy là chích hai liều với hai vắc-xin có hiệu quả hơn là chích hai liều với cùng một vắc-xin.

Theo bác sĩ Jean-Daniel Lelièvre, trưởng khoa các bệnh lây nhiễm của bệnh viện Henri Mondor, ở Créteil, ngoại ô Paris, nói với đài phát thanh France Info, đó là những kỹ thuật đã từng được sử dụng rất nhiều trong việc tiêm các vắc-xin ngừa HIV và ngừa bệnh Ebola. Việc tiêm chủng với hai vắc-xin khác nhau tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn là với cùng một loại vắc-xin cho hai liều.

Nghiên cứu tại Anh

Tại Anh Quốc, để đo lường mức độ hiệu quả hay những hạn chế của việc pha trộn vắc-xin, người ta đang tiến hành nghiên cứu trên 800 người tình nguyện. Những người này sẽ được chích liều thứ với Pfizer/BioNTech và liều thứ hai với AstraZeneca, hoặc ngược lại, với thời gian giữa hai liều là từ 4 đến 12 tháng. Các nhà khoa học hy vọng sẽ công bố các kết quả đầu tiên từ đây cho đến tháng 6. 

Trả lời đài BBC, giáo sư Matthew Snape, đại học Oxford, người chỉ đạo cuộc nghiên cứu nói trên, cho biết là những nghiên cứu trên các loài vật cho thấy là các kháng thể phản ứng miễn dịch tốt hơn khi pha trộn các vắc-xin.  Phó Giám đốc Y tế Anh Jonathan Nguyễn Văn Tâm cũng cho rằng: “ Có thể là khi phối hợp hai vắc-xin, phản ứng miễn dịch sẽ được cải thiện, tạo ra những kháng thể còn cao hơn và kéo dài hơn. Nhưng trừ phi điều đó được kiểm nghiệm trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng, chúng ta sẽ không bao giờ biết được.”

Thời gian giữa hai liều là bao lâu?

Nhưng nếu thật sự việc hoán đổi vắc-xin ngừa Covid-19 là không gây ra vấn đề gì, thì có một câu hỏi được đặt ra: Trong thời gian bao lâu thì nên tiêm liều thứ hai?

Hiện chưa có lời giải đáp cho câu hỏi này. Thật vậy, thời gian giữa hai liều đối với AstraZeneca khác với thời gian giữa hai liều đối với một loại vắc-xin ARN Messenger như Pfizer/BioNTech. Đối với AstraZeneca, giới y tế khuyến cáo là nên chờ từ 9 đến 12 tuần mới tiêm liều thứ hai, còn đối với các vắc-xin Pfizer/BioNtech và Moderna thì thời gian giữa hai liều chỉ là từ 3 đến 4 tuần. 

Theo Cơ quan Y tế Cao cấp của Pháp, hiện giờ những người dưới 55 tuổi đã được chích liều thứ nhất với vắc-xin AstraZeneca thì sẽ được chích liều thứ hai 12 tuần sau. Dĩ nhiên là những người đó không được chích liều thứ nhất vào cùng thời điểm, như vậy sẽ có những người được tiêm liều thứ hai sớm hơn những người khác. Một số chuyên gia đề nghị là phải nhanh chóng nghiên cứu những người đầu tiên được chích liều thứ hai, để xem kháng thể của họ phản ứng thế nào, rồi tùy theo kết quả nghiên cứu sẽ điều chỉnh lại khoảng thời gian giữa hai liều. Như đã nói ở trên, ở Pháp đã có đến hơn nữa triệu người được chích liều đầu tiên với AstraZeneca. Những người này chắc là đang rất lo lắng không biết số phận mình rồi sẽ ra sao!

Nhưng còn những người 55 tuổi trở lên và đã được tiêm liều đầu tiên với AstraZeneca thì sao? Họ có sẽ được quyền chọn lựa vắc-xin cho liều thứ hai hay không, hay cứ bắt buộc vẫn là AstraZeneca, loại vắc-xin mà ngày càng có nhiều người tẩy chay do nguy cơ đông máu? Rồi cũng có những người đã được chích AstraZeneca cho liều thứ nhất và “kiên quyết” không đổi vắc-xin cho liều thứ hai, mà lúc đó Pháp không còn đủ AstraZeneca, thì phải làm sao? Lại thêm những câu hỏi làm nhức đầu không ít người! (RFI)