Saturday, April 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Báo TQ đăng ảnh ‘đổ thêm dầu vào lửa’ căng thẳng với Úc

Truyền thông Trung Quốc đăng bức tranh biếm họa ám chỉ Úc nghe theo chỉ đạo của Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra không ngừng leo thang.

Thời báo Hoàn cầu, một kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, ngày 6/12 đã đăng một bức tranh biếm họa có hình một con chuột túi đứng trong bóng của một con đại bàng với lời bình luận: “Rõ ràng là Úc đã trở thành con tốt trong chính sách khu vực của Mỹ những năm gần đây, đặc biệt là trong thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump nắm quyền”.

Theo News, con chuột túi trong bức tranh ám chỉ Úc trong khi con đại bàng là biểu tượng của nước Mỹ. Động thái của truyền thông Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Canberra đang gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực thương mại và ngoại giao trong nhiều tháng qua.

Đi kèm bức tranh biếm họa là một bài viết mà trong đó Thời báo Hoàn cầu đã chỉ trích Úc. “Trong chiến dịch tấn công Huawei của Mỹ, Úc bắn phát súng đầu tiên rồi nhận công với Mỹ”, bài báo viết.

“Sau khi hứng chịu thiệt hại to lớn do quan hệ với Trung Quốc xuống dốc, Úc đã cáo buộc Trung Quốc bắt nạt họ. Trung Quốc hiểu được các ‘chiêu trò’ của Úc từ trước đó. Úc không thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc. Tóm lại, tình thế khó xử mà Úc đang vướng phải là kết quả của việc họ khiêu khích Trung Quốc nhưng không sẵn sàng trả giá cho thiệt hại”, Thời báo Hoàn cầu viết.

Tuần trước, Úc đã chỉ trích phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vì đăng tải một bức ảnh bị chỉnh sửa lên mạng xã hội, trong đó có hình ảnh một quân nhân Úc kề dao vào cổ một đứa bé người Afghanistan.

Quan hệ giữa Úc và đối tác thương mại lớn nhất của nước này, Trung Quốc, đã gia tăng căng thẳng kể từ khi Canberra cấm Huawei tham gia vào mạng viễn thông 5G. Mâu thuẫn leo thang sau sự kiện Úc kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của Covid-19 hồi đầu năm, động thái khiến Trung Quốc nổi giận. 

Trung Quốc sau đó đã liên tục cấm nhập hàng Úc hoặc đánh thuế quan lên hàng hóa của Canberra như thịt bò, rượu, than. (T/H, D/T)