Friday, March 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu vắc-xin COVID-19 gây tác dụng phụ: Nhà sản xuất hay chính phủ?

Khi chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử thế giới được triển khai với nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19, việc bồi thường cho các tác dụng phụ tiềm ẩn của vắc-xin cũng được coi là vấn đề quan trọng, giữa bối cảnh các chính phủ đang nỗ lực cân bằng việc cung cấp vắc-xin và bảo vệ sức khoẻ người dân.

Theo SCMP (Hong Kong, Trung Quốc), Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã rất thất vọng về việc một nhà sản xuất từ chối chịu trách nhiệm về các tác dụng phụ tiềm ẩn khi tiêm vắc-xin. Điều này đã tiết lộ những căng thẳng đằng sau các cuộc đàm phán mua bán vắc-xin của các quốc gia. Trong đó, các điều khoản bồi thường là một yếu tố quan trọng trong thương trường khốc liệt này.

Song, nhiều nước phát triển sẵn sàng chấp nhận rủi ro và bồi thường thay cho các nhà sản xuất vắc-xin nhằm đảm bảo nguồn cung hạn chế. Chính phủ Anh và Australia đã chấp nhận bồi thường hợp pháp cho Pfizer.

Chú thích ảnh
Các quốc gia và nhà sản xuất vắc-xin cần xác định ai là người chịu trách nhiệm nếu vắc-xin có tác dụng phụ. Ảnh: AFP

Vào tháng 9, Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thoả thuận với AstraZeneca, chấp nhận việc chính phủ các quốc gia thành viên sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các khiếu nại vượt quá giới hạn đã thoả thuận liên quan đến tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19, để đổi lấy mức giá rẻ hơn cho mỗi liều. Theo hãng tin Reuters, nhà sản xuất vắc-xin này ban đầu đã yêu cầu các chính phủ phải bồi thường hoàn toàn nếu vắc-xin có tác dụng phụ.

Tuy nhiên, các quốc gia nghèo hơn không có nhiều lựa chọn thoả hiệp như vậy. Giới chuyên gia nhận định điều này có khả năng nới rộng khoảng cách ở bán cầu bắc và bán cầu nam về khả năng tiếp cận vắc-xin.

Tổng thống Bolsonaro hôm 24/12 tiết lộ rằng Pfizer đã yêu cầu nước này phải bồi thường toàn bộ trong hợp đồng bán vắc-xin cho Brazil.

“Trong hợp đồng, Pfizer ghi rõ ràng rằng: ‘Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ tác dụng phụ nào của vắc-xin’”, ông Bolsonaro nói. “Nếu sau khi tiêm vắc-xin, bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, thì đó là vấn đề của bạn. Nếu bạn trở nên siêu phàm, nếu một người phụ nữ bắt đầu mọc râu hay giọng nói của một người đàn ông trở nên ẻo lả, nhà sản xuất cũng không liên quan đến điều đó”, tổng thống nói.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc cho một tình nguyện viên tại Bệnh viện Sao Lucas ở Porto Alegre, Brazil. Ảnh: Reuters

Keiji Fukuda, Giáo sư lâm sàng tại trường Đại học Hong Kong, người trước đây từng làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng các khoản bồi thường tiềm năng phải trả có thể là quá lớn đối với bất kỳ ai, cả nhà sản xuất vắc-xin hay các quốc gia nghèo hơn.

Các cơ quan quản lý của các quốc gia đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các tác dụng phụ nghiêm trọng do tiêm vắc-xin nhìn chung là rất hiếm, khoảng 1 – 2 trường hợp/1 triệu liều. Tuy nhiên, bức tranh đầy đủ về các tác dụng phụ có thể xảy ra của vắc-xin vẫn chưa được biết đến. Khi việc phát triển một loại vắc-xin thường phải mất đến 1 thập kỷ, thì vắc-xin COVID-19 được bào chế với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Hơn nữa, một số tác dụng phụ có thể chỉ được phát hiện sau khi triển khai tiêm chủng quy mô lớn.

Theo tạp chí Science, ít nhất 8 người đã ghi nhận các phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech trong hai tuần qua.

“Một mặt, vắc-xin COVID-19 rất cần thiết và có thể được sử dụng bởi hàng tỉ người. Mặt khác, có rất ít kinh nghiệm với loại vắc-xin này và rủi ro nghiêm trọng của nó vẫn chưa rõ ràng”, ông Fukuda bình luận.

Covax, một sáng kiến ​​toàn cầu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vắc-xin COVID-19 công bằng cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cũng tìm cách bồi thường cho các nhà cung cấp với mục đích xóa bỏ rào cản đối với việc mua vắc-xin.

Trong các trường hợp thông thường, các nhà sản xuất và phân phối vắc-xin sẽ nhận được bảo hiểm để bù đắp rủi ro, nhưng khoản bảo hiểm đó có thể không khả dụng trong đại dịch hiện tại vì quy mô chưa từng có.

Ông Fukuda cho biết trong dịch cúm H1N1 năm 2009-2010, các nhà sản xuất vắc-xin tuyên bố họ không thể chịu mọi trách nhiệm liên quan tới tác dụng phụ của vắc-xin. Vào thời điểm đó, các nhà sản xuất đã phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết tiềm ẩn liên quan đến chất lượng của vắc-xin, nhưng các quốc gia sẽ phải chịu trách nhiệm về những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Covax cho biết họ sẽ thiết lập một cơ chế bồi thường không có lỗi cho những người gặp tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin từ chương trình của mình. Mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào độ nghiêm trọng và GDP bình quân đầu người của mỗi quốc gia. Khoản thanh toán sẽ được hỗ trợ bởi thuế vắc-xin và có sự đóng góp của các nhà sản xuất và các nước tham gia.

Chú thích ảnh
Liên minh Covax do Tổ chức Y tế WHO đứng đầu đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu liều vắc-xin COVID-19 vào năm tới. Ảnh: Reuters

Các chương trình bồi thường không có lỗi cho các tác dụng phụ của vắc-xin, lần đầu tiên được khởi xướng vào những năm 1960. Quy định bồi thường được tạo ra để hạn chế việc dùng pháp lý để được nhận bồi thường, bằng cách yêu cầu nạn nhân không chứng minh sơ suất của nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất vắc-xin.

Trong số 194 quốc gia thành viên của WHO, ít nhất 25 quốc gia – hầu hết là những quốc gia có thu nhập cao – trước đây đã thực hiện cơ chế này.

Tại Mỹ, các nhà sản xuất vắc-xin đều được bảo vệ trách nhiệm pháp lý khi cung cấp các sản phẩm để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng như đại dịch. Hồi năm 2010, luật đã thành lập quỹ bồi thường cho những người gặp tác dụng phụ bất lợi. Quỹ này đã được chi trả cho 29 trong số 499 yêu cầu bồi thường. Trong đó 10 trường hợp vẫn đang được xem xét, theo Cơ quan Quản trị Dịch vụ và Nguồn lực Y tế.

Tuy nhiên, với tỉ lệ chấp thuận các yêu cầu bồi thường rất thấp này, các chuyên gia đã đặt câu hỏi về giá trị của kế hoạch.

Trung Quốc không có quy định hợp pháp về trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường trong đại dịch. Theo các quan chức chính phủ, việc quản lí vắc-xin COVID-19 sẽ tuân theo các quy định bồi thường không có lỗi của luật hiện hành.

Bồi thường không có lỗi tại Trung Quốc được thành lập năm 2005 thông qua một điều khoản trong quy định hành chính. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi những tranh chấp và mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương và các nhà sản xuất vắc-xin. Cha mẹ của những đứa trẻ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng đã buộc phải khởi kiện.

Chú thích ảnh
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát triển vắc-xin COVID-19. Ảnh: AP

Nhằm giải quyết vấn đề này, Luật Quản lý Vắc-xin đã được ban hành vào năm 2019 để tạo cơ sở pháp lý cho việc bồi thường không có lỗi.

Luật quy định rằng chính quyền các tỉnh sẽ chịu chi phí bồi thường cho các tác dụng phụ khi chính phủ cung cấp vắc-xin miễn phí. Trong khi đó, các nhà sản xuất vắc-xin sẽ phải chịu trách nhiệm khi nguyên đơn là người trả tiền để tiêm vắc-xin. Số tiền bồi thường được xác định theo mức độ nghiêm trọng và GDP của địa phương.

Việc tiêm chủng đại trà trên toàn quốc đang bắt đầu cho các nhóm bao gồm những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hàng không, giao thông công cộng, chợ và nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh. Giai đoạn thứ hai dành cho công chúng, được định giá trên cơ sở giá gốc.

Tao Lina, một chuyên gia vắc-xin và là cựu quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Thượng Hải, cho biết một số người trong nhóm nguy cơ cao đã được tiêm chủng miễn phí, khiến chính quyền tỉnh phải chịu mọi trách nhiệm về bất kỳ ảnh hưởng nào mà họ gặp phải. (BTT)