Friday, April 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

30/4: VƯỢT BIÊN HAI LẦN THOÁT NẠN


Chimmy Vo

Cuộc sống của người dân xứ Huế sau năm 1975

Xuất thân từ thành phố Huế, tôi thường hay bơi lội trên Sông Hương, con sông thơ mộng của thành phố Huế, mà quý vị đã từng nghe, “Ai ra xứ Huế thì ra, ai về là về vĩ dạ, ai về là về Sông Hương”. Sau ngày 30/4/1975. Thành phố Huế mộng mơ của tôi không còn nữa, người bị bắt đi tù cải tạo, người thì bị cướp đoạt tài sản, ruộng đất đều phải vào hợp tác xã, làm nhiều mà phải giao hết cho nhà nước, đói khát, sợ sệt, bao trùm lên toàn thành phố Huế, Huế mộng, Huế mơ, giờ thì thành Huế trơ Huế trọi, từ quê đến thành thị đói khổ, người người ốm teo, mặt hóp, con nít thì thấy nguyên bộ xương, ăn bo bo, ăn cơm độn sắn khô, nhắc lại khổ lắm, nghèo lắm, người người, nhà nhà phải lên núi, khai hoang. Sáng sớm 4 giờ đã đi lên đến núi, trời nắng cháy, phải phát cây để có đất mà trồng sắn, trồng khoai từ, trồng rau lan, tối thui mới mò về nhà, không còn ngôn từ nào để nói lên sự khổ cực khốn cùng vào những ngày không có cơm để ăn, hậu quả cái gọi là “giải phóng miền nam” là vậy đó. Những người liên quan đến thành phần lính VNCH có nợ máu của với chế độ mới thì bị bắt đi tù cải tạo, người ở nhà như con cái của họ thì luôn gặp rắc rối trong vấn đế học vấn, xin việc làm.

Rồi từ đó phong trào vượt biên, từ thành thị đến nông thôn, giới trẻ ai ai cũng hát thuộc bài của ca sĩ Hùng Cường “Vượt biên sang Huê Kỳ, Ngày mai tương lai huy hoàng, hôm nay anh đi bên em giữa lòng thành phố yêu thương, ngày mai anh lên đường…” cuộc sống thì đói khổ, xin việc làm thì không được, mà cứ bị kêu đi làm không công cho nhà nước, từ thủy lợi, kênh rạch, sân bóng đá… đều không được trả một xu . Có được việc làm thì cũng bị hạch đủ điều. Bản nhạc “quê hương là chùm khế ngọt”, nhưng sao hồi đó nó biến thành chùm khế chua chát, không có tiền, không có tự do, còn bị phân biệt ngụy quân,hết đường sống thì tìm đường vượt biên.

Trai thành phố Huế vượt biển

Trai thành phố Huế, tìm đâu ra đường dây vượt biên? Không có ai quen ở các làng ven biển cả, tôi mần mò về biển Thuận An tắm và hỏi thăm, nhưng cũng khó, vì thời điểm đó mà có người lạ xuất hiện là sẽ bị bắt ngay. Hồi đó ở Huế căng lắm. Chính quyền có câu: “Dù cho bão táp mưa sa, có khách đến nhà phải báo công an”. Sau nhiều lần dò hỏi vùng biển Thuận An, có những nhà mình vừa mới đến, dò hỏi người nhà nói chú tranh thủ đi nhanh đi, chứ thấy chú lạ mặt là đến là du kích đến bắt đó. Thế là tôi rút khỏi vùng biển Thuận An, tìm đến các vùng xa khác, tìm về Điền Lộc, Điền Hương, ở ngoài tỉnh Quảng trị, hồi đó không có điện thoại, phải đi đi về về để liên lạc trực tiếp thôi. Người vùng biển họ đi thì nhiều mà thành phố vì liên lạc với tàu thuyền rất khó, nhiều khi tìm ra đường dây rồi, mà đêm đó không có mặt, sáng mai về họ báo khi đêm thuyền vượt biên đó đã đi rồi.

Mất keo này bày keo khác, tôi về sống núp trong một nhà ở làng Điền Hương vắng vẻ và nhiều cây như trên núi. Có hôm đang ở trong nhà chủ nhà báo có du kích đến, tôi phóng nhanh ra cửa sau băng vào độn. Độn là tiếng địa phương (mà chúng ta gọi là núi, vì ở gần biển có những đồi núi cát cao đầy cây, lần đầu tiên khi thấy núi ở gần biển tôi cũng ngạc nhiên). Sống núp một thời gian khoảng 10 ngày, thì một đêm khoảng 8 giờ tối, anh chủ nhà dẫn tôi ra biển. băng qua một bãi sình lầy lau lát, phải đi chân chim, nhẹ nhàng chạy lội trong bóng đêm tối đen như mực, chỉ cần cách nhau khoảng vài mét là thất lạc ngay. Tôi cũng lì lắm, đi vượt biên một mình không sợ. Thực ra khổ quá nên liều mạng thôi.

Xuất phát ra biển đông

Khi gần đến biển tôi và anh dẫn đường ngồi xuống một bãi lau với bùn lệt sệt, ngồi yên đến khoảng 10 giờ đêm thì nhìn ngoài biển, có thấy 3 ánh đèn pin nháy lên trời, thế là trong này nháy lại 3 nháy thì chúng tôi đi ra, chủ thuyền xuất hiện, lấy vàng rồi đưa xuống thuyền.

Điều ngạc nhiên là khi leo lên thuyền, tôi thấy chiếc ghe nhỏ chút xíu, nó là ghe đánh cá ven biển thôi làm bằng cây tre, chứ thuyền tàu gì, ngồi trên ghe thò tay ra đụng nước. Tôi hỏi ghe này đi hay ghe này ra ngoài biển rồi có thuyền khác lớn hơn, thì có người đáp ghe này sẽ đi đến Hông Kong, đã ngồi lên ghe rồi thì còn cách nào khác. Trên ghe có 28 người có 2 gia đình ở vùng biển có con nít, còn lại là toàn thanh niên nam nữ vùng quê, riêng chỉ tôi là người thành phố Huế bị lạc vào, nhiều khi họ nói tiếng Việt mà tôi cũng không hiểu gì luôn. Vì phát âm của người Quảng Trị ở vùng biển không thể nghe được, về sau thì mới quen dần và nghe được.

Giây phút ghe nổ máy hướng ra biển đông, trời tối căm như mực, không thấy gì cả, nhưng tôi cố gắng quay mặt vào đất liền và cảm tưởng nỗi nhớ nhung, luyến thương quê hương, mặc dù là màn đêm tối đen khịt xung quanh, nhưng hình ảnh quê hương nó hiện rõ trong đầu của tôi lúc này. Hình ảnh người mẹ, người anh, người chị, người em, hình ảnh bạn bè, phố Huế thân thương, con Sông Hương, thơ mộng đã cho tôi những đêm ngồi uống bia bên Thương Bạc, những buổi sáng uống cà phê Lộng Gió, núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong, ngọn đồi Thiên An rợp mát bóng cây thông có hồ nước trong veo, tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Sơn… tất cả cảnh Huế thương nó hiện rõ trước mắt tôi, nhưng chiếc ghe cứ đang đưa tôi xa dần xa dần hướng ra đại dương.

Ghe chạy trong đêm tiếng máy nổ xình xịch đều đều giữa đại dương tĩnh mịch, ban đêm thì người lái tàu cứ nhìn lên hướng sao để làm hướng đi kèm với hướng la bàn. Khi đi ra biển ngày thứ 2 thì trên ghe, ai cũng bị say sóng mửa ra mực xanh mực vàng, 28 người trên ghe chỉ còn được 3 người khỏe là tôi và tài công chính cùng tài công phụ. Thế là mỗi khi có nước trong ghe thì tôi tát nước có lúc tài công phụ cũng tát nước. Các thanh niên ở vùng làng ven biển, các cô gái biển chính gốc đều nằm ừ ra, mà cậu trai thành phố như tôi thì không bị say sóng gì cả, bởi vì tôi thường hay bơi lội trên Sông Hương, có những lúc mùa hè tôi đến xẹc tắm, rồi ra ngoài xẹc lên đỉnh cao phi người xuống Sông Hương như không quân của VNCH nhảy dù. Khi nhảy xuống Sông Hương từ độ cao, thật là cảm giác mạnh, chỉ nghe tiếng gió đập vào quần sọt phập phập phập… Đứng trên đỉnh xẹc nhảy xuống nước, chỉ có những người lì của thành phố Huế mới nhảy xẹc như tôi, nên ra biển không nhằm dò gì, mặc dù cả thuyền đều say sóng trừ 2 tay đánh cá biển là không say.

Ghe hư máy

Ghe chạy trên biển đến ngày thứ 4 thì hỏng máy, một buổi sáng tự nhiên đang chạy bỗng nhiên tắt máy. Hỡi ôi, ra giữa biển đông mà hỏng máy thì chết mệ rồi, không biết làm sao. Tài công mò mãi không sửa được. Tài công nói là bị gãy kim dầu, thế là chiếc ghe cứ nằm trên biển, tới đâu thì tới. Vì ghe không có mái che, cứ ngày đêm dãi nắng dầm mưa trên đại dương, khi trời đổ mưa thì mặc áo mưa ngồi cu rú như chim cánh cụt, khi nắng thì cởi áo lên che cái đầu. Tôi thì hì hục tát nước, bị ngấm nước mặn nên da tôi nổi đầy hột màu đỏ, rất là ngứa, ngứa đến độ hết chịu nổi. Trong lúc ghe bị hỏng máy, tôi lao mình xuống biển, tiếng Bùm, nước tung tóe văng lên, anh tài công hét lên T phải bơi nhanh vào gấp nước cuốn trôi là chết đó. Giật mình nhìn lại thấy nước đẩy tôi ra xa, tôi hoảng hồn, khi ngồi trên ghe thì không thấy nước chuyển động bao nhiêu, nhưng khi nhảy xuống biển thì thấy dòng nước đẩy tôi ra xa dần với chiếc ghe, rất may do tôi thường xuyên luyện bơi trên Sông Hương. Sông Hương rộng mênh mông mà tôi thường luyện bơi qua về Sông Hương, bơi sông thì nặng, bơi biển thì rất nhẹ nên bơi biển lại nhanh hơn bơi sông. Một bên thì nước cuốn đi một bên hết sức bơi vào ghe, cuối cùng tôi cùng bám được vào ghe và leo lên, từ đó tởn luôn không dám nhảy xuống biển nữa mặc dù ngứa ngáy ray rứt.

Ghe thì cứ trôi theo dòng nước biển, trên thì nắng cháy da người. Nắng cuối mùa hè nóng lắm, ghe chạy thì đỡ nóng, ghe chết máy thì cái nóng như thiêu đốt. Ở Huế, mùa hè có ngọn gió Lào thổi qua vào mùa hè nóng như ngồi bên cạnh lò than, thế mà khi ghe chết máy thì trưa hè trên biển càng nóng hơn trên đất Huế. Hết một ngày lênh đênh trên biển rồi đến đêm, những đêm trước ghe chạy thì không có cảm giác buồn lo gì cả, nhưng khi ghe chết máy về đêm thì nỗi sợ muôn điều bao trùm lên chiếc ghe nhỏ xíu đang trôi lênh đênh trên đại dương vô định, không biết sao mà xử lý tình huống. Lúc đó tôi nghĩ nếu trôi vào Trung Quốc, tôi sẽ tìm vượt đường bộ qua Hồng Kong, nếu chết giữa đại dương thì làm mồi cho cá mập, nếu có tàu nào vớt thì xin theo tàu đó, chứ nhất quyết không trở về Việt Nam, nơi mà bóng quân mũ cối đang cai trị miền nam.

Hết bóng đêm thì mặt trời ló dạng thuyền cứ trôi, khoảng 8 giờ sáng thì gặp một thuyền đánh cá Trung Quốc, thế là tài công qua phụ giúp họ đánh cá một buổi, đến trưa thì anh tài công mang về một nồi cháo trắng ăn với muối, cũng ngon, vì đã qua 4 ngày đêm đâu có hột cơm nào lót vào bụng đâu. Anh tài công xin được một cây kim dầu từ thuyền đánh cá Trung Quốc, lắp vào máy nổ ngay sau đó, thế là thoát chết giữa biển đông. Ghe tiếp tục hải hành, chạy đến chiều ngày thứ 5 thì có thấy một hòn đảo, tài công quyết định tấp vào đảo nghĩ để nấu cơm, không thấy có bóng người trên đảo, vừa bước chân xuống đất, thì bước chân tôi đi khập khiểng không thể đi được, anh tài công nói là bị say đất đó. Cả đoàn người đi như người say rượu mặc dù cơ thể vẫn tỉnh táo nhưng không thể điều hành được đôi chân của mình, tình trạng này kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ thì dần dần trở lại trạng thái đi được. Khi đang nấu cơm, chưa kịp ăn thì có vài người địa phương đến đuổi đi, vì khi nấu cơm có vài người thấy rau khoai lang nên bấm lấy một ít nấu canh. Không biết chủ nhân của luống rau ngồi núp đâu phát hiện, vã lại họ thấy đoàn người nhơ nhớp mụt ghẻ, đen điêu, toi tóp, họ sợ mang bệnh đến, thế là đoàn người vội bưng nồi cơm chạy xuống ghe nổ máy đi tiếp. Ghe cứ nổ máy chạy trên biển đông. Có khi đi qua vùng nước đen ngòm, có lúc đi qua vùng nước đục, có khi đi ngang hải đảo có vách đá thẳng đứng, có khi đi gặp cá lớn nó chạy phía dưới thuyền không biết là cá heo hay cá mập. Tài công thì “xin ông đừng nhỡn cho tụi con đi”, nên đâu dám nhìn kỹ, mà chỉ cầu nguyện cá đừng cản đường mình thôi, chỉ thấy cái bóng cá chạy theo phía dưới nước cách mặc nước khoảng nửa mét, nó to bằng chiếc ghe, thấy gợn sóng ùn ùn theo sợ hú hồn, buồn nó húc một cái thì ghe lật luôn. Bóng cá theo khoảng vài phút thì không thấy nữa, hú hồn hú vía, có khi thấy bầy cá chuồng bay tạch tạch, có khi gặp những thuyền đánh cá của Trung Quốc, có khi ban đêm chạy ngang vùng biển nhìn vào thấy có ánh sáng từ đất liền, nhưng không dám tấp ghe vào vì biết đó là đất của Trung Quốc, rồi một hôm đang chạy ngang một hòn đảo thì có ca-nô của tuần duyên Trung Quốc phóng ra, lượn vòng rồi ca nô cũng bỏ đi,

Ghe gặp bão

Đến ngày thứ 6 vào khoảng 5 giờ chiều, lúc này ghe đang chạy gần một hòn đảo của Trung Quốc có người dân đang ở. Khi ghe cách bờ khoảng một tiếng đồng hồ, thì thấy rất nhiều thuyền đánh cá của ngư dân Trung Quốc phóng nhanh vào bờ và họ ra dấu hiệu bão đang tới. Thế là ghe cũng chạy theo hướng thuyền đánh cá của Trung Quốc, khi ghe gần đến được bờ thì cơn thịnh nộ đại dương ập đến, sóng cao như ngôi nhà vỗ ầm ầm, hướng sóng từ ngoài khơi dập vào đất liền, thế là chiếc ghe nhỏ xíu bị đẩy đi rất nhanh như mũi tên trong những cuộn sóng khổng lồ, nhưng do ghe chạy dọc theo hướng sóng, và hai bên mạn ghe có gắng dọc theo một lớp xốp, cứ sóng lên thì ghe nỗi lên theo, sống xuống thì ghe rơi xuống. Cảnh trồi lên tụt xuống của chiếc ghe khoảng 15 phút thế mà nó không chìm, sóng lùa ghe đến bờ cát thì sóng hất tung chiếc ghe văng lên bờ cát. Thế là mọi người trên ghe thoát chết, bồng bế, dìu nhau chạy dưới mưa bão vào một ngôi nhà gần đó, đây là cái kho chất cũi của người dân địa phương, trong cơn mưa bão cũng chẳng có ai quan tâm chúng tôi, thế là tôi chui vào đống cũi ngủ, nằm nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm ngoài biển. Cơn bão lớn kéo dài vừa mưa to gió hú nguyên cả đêm, hú hồn nếu mà nghe chạy ngoài biển khơi thì những cơn sóng đã nuốt chững chiếc ghe rồi.

Sáng sớm khi vừa hết bão thì chúng tôi chia ra từng nhóm đi xin ăn những nhà xung quanh, cho gì ăn đó, đến khoảng 10 giờ trưa ngày thứ 7 thì có hai cảnh sát Trung Quốc đến. Ai cũng lo sợ bị bắt, chúng tôi chỉ biết nói hai từ “Hồng Kong” cảnh sát Trung Quốc đến yêu cầu chúng tôi phải rời đi, và họ chỉ hướng cho chúng tôi đến Hồng Kong, ghe hướng về Hồng Kong chạy đến tối thì thấy một ngọn núi cao đèn điện sáng loáng thật hùng vĩ, thế là ghe cập vào ngủ ở đó qua đêm. Giới trẻ Hồng Kong chạy ca-nô, chơi lướt sóng rất đẹp, nhìn lại mình, đoàn người đen điêu như người ngoài hành tinh. Sáng sớm thì ghe chạy đến hướng cảng chính của Hồng Kong nơi đây có tàu lớn của cảnh sát Hồng Kong đón làm thủ tục nhập trại, thế là đoàn trên ghe đến Hồng Kong. Tôi mang số thứ tự tỵ nạn là 131584 số thuyền là 463/1991.

Mặc dù năm tháng dài, 31 năm đã trôi qua, kể từ ngày bước lên thuyền chạy trốn Cộng Sản đi tìm tự do, nhưng ký ức lộ trình vượt biên luôn in sâu trong đầu tôi. Nguyện ngày quê hương hết bóng Cộng Sản, người dân sống được tự do, ngày ấy tôi sẽ về ngắm xứ Huế của tôi, ngắm dòng Sông Hương, ngắm núi Ngự Bình lên đồi Thiên An, vào thăm Đại Nội, và nằm nghe tiếng chuông chùa Linh Mụ ngân nga. Gặp lại bạn bè người thân, sau bao nhiêu năm xa xứ…

Ký ức vượt biên không bao giờ quên
29 tháng 3 năm
2022

Chimmy Vo