VN và nhiều nước bác bỏ bản đồ mới của TQ về Biển Đông
Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan vừa bác bỏ bản đồ do Trung Quốc công bố, cho rằng nó vô căn cứ khi thể hiện các tuyên bố chủ quyền của nước này, bao gồm cả Biển Đông, mà Bắc Kinh nói hôm Thứ Năm 31/8 rằng cần phải được xem một cách hợp lý và khách quan.
Hôm 28/8, Trung Quốc đã công bố bản đồ có đường chữ U tai tiếng bao phủ khoảng 90% diện tích Biển Đông, nguồn gốc của nhiều bất đồng tại một trong những tuyến đường biển có nhiều tranh chấp nhất thế giới, nơi có hơn 3 nghìn tỷ USD thương mại đi qua mỗi năm. Ở Việt Nam, đường chữ U đó thường bị gọi là đường lưỡi bò.
Đài VOV và một số cơ quan báo chí Việt Nam cho hay rằng hôm 31/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh trong một cuộc họp báo: “Việc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc công bố cái gọi là ‘bản đồ tiêu chuẩn năm 2023’, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như thể hiện yêu sách đường đứt đoạn là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Bà Hằng nói thêm: “Do đó, yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Nữ phát ngôn viên nhắc lại rằng “Một lần nữa Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn”.
Cùng ngày, Philippines kêu gọi Trung Quốc “hành động có trách nhiệm và tuân thủ các nghĩa vụ của mình” theo luật pháp quốc tế và phán quyết trọng tài năm 2016, vốn đã tuyên bố đường này không có căn cứ pháp lý.
Malaysia cho biết họ đã gửi công hàm phản đối ngoại giao về bản đồ này.
Trung Quốc nói đường này dựa trên bản đồ lịch sử của họ. Hiện chưa rõ liệu bản đồ mới nhất có biểu thị bất kỳ yêu sách mới nào về lãnh thổ hay không.
Đường chữ U của Trung Quốc bao một vòng dài tới 1.500 km (932 dặm) về phía nam đảo Hải Nam và cắt vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.
Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Nỗ lực mới nhất nhằm hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các thực thể và vùng biển của Philippines là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế”.
Bộ Ngoại giao Malaysia nói trong một tuyên bố rằng bản đồ mới không có giá trị pháp lý ràng buộc đối với Malaysia, nước “cũng coi Biển Đông là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm”.
Bản đồ này khác với phiên bản thu hẹp hơn do Trung Quốc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc vào năm 2009 về Biển Đông, trong đó bao gồm cái gọi là “đường chín đoạn”.
Bản đồ mới nhất có khu vực địa lý rộng hơn và có đường 10 đoạn, bao gồm Đài Loan dân chủ, tương tự như bản đồ năm 1948 của Trung Quốc. Trung Quốc cũng xuất bản bản đồ có đường 10 đoạn vào năm 2013.
Khi được hỏi về bản đồ mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Jeff Liu nói rằng Đài Loan “hoàn toàn không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
“Cho dù chính phủ Trung Quốc có thay đổi quan điểm của mình về chủ quyền của Đài Loan như thế nào đi nữa, điều đó cũng không thể thay đổi sự thật khách quan về sự tồn tại của đất nước chúng tôi”, ông nói trong một cuộc họp báo.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin hôm 29/8 rằng Trung Quốc hiện đang có “tuần lễ công khai nâng cao nhận thức về bản đồ quốc gia”.
Khi được hỏi tại sao Trung Quốc công bố bản đồ mới nhất có 10 đoạn so với bản đồ có 9 đoạn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói Bắc Kinh đã rất rõ ràng về lãnh thổ của mình.
“Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông luôn rõ ràng. Các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc thường xuyên cập nhật và phát hành nhiều loại bản đồ tiêu chuẩn khác nhau hàng năm”, ông nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
“Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan và hợp lý”.
Ấn Độ hôm 29/8 cho biết họ đã phản đối mạnh mẽ Trung Quốc về bản đồ mới đưa ra yêu sách đối với lãnh thổ của Ấn Độ, sự kiện khó chịu mới nhất trong mối quan hệ đầy thử thách giữa hai gã khổng lồ châu Á. (T/H, VOA)