Virus Nipah gây tỷ lệ tử vong cao hơn COVID liệu có bùng phát trở lại ở châu Á?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 75% ca nhiễm virus Nipah tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong đối với virus SARS-CoV-2 là khoảng 2% số ca mắc bệnh. Khoảng 20% những người sống sót có thể gặp các triệu chứng thần kinh kéo dài như co giật và thay đổi tính cách.
Virus Nipah đã khiến một cậu bé 12 tuổi ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ tử vong vào cuối tuần qua. Nhiều ca nhiễm virus Nipah mới cũng đã được ghi nhận.
USAtoday đưa tin, cậu bé trên nhập viện cách đây một tuần với tình trạng sốt cao. Khi bệnh tình của cậu bé trở nên tồi tệ hơn, các bác sĩ nghi ngờ cậu bị viêm não và gửi mẫu máu tới Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ. Kết quả xét nghiệm cho thấy cậu bé nhiễm virus Nipah. Cậu bé tử vong vào ngày 4/9.
Các nhà chức trách đã tăng cường nỗ lực truy vết tiếp xúc, xác định, cách ly và xét nghiệm những người có thể đã tiếp xúc với cậu bé. Veena George, người đứng đầu cơ quan y tế bang Kerala, cho biết tính đến ngày 6/9 đã xác định được 188 người tiếp xúc với cậu bé, trong đó 20 người có nguy cơ lây nhiễm cao, chủ yếu là các thành viên trong gia đình. Tất cả đều đã được cách ly nghiêm ngặt hoặc nhập viện.
Hôm 6/9, hai nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân có các triệu chứng nhiễm virus Nipah. Họ đã nhập viện và được lấy mẫu máu để xét nghiệm.
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 năm một đợt bùng phát virus Nipah được báo cáo ở bang Kerala, nơi cũng đang ghi nhận tỷ lệ mắc Covid-19 cao.
Virus Nipah là gì?
Nipah là một loại virus lây truyền từ động vật sang người. Sự lây truyền thường xảy ra khi con người tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc thông qua việc sử dụng thực phẩm bị nhiễm bẩn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp virus Nipah lây từ người sang người cũng đã được ghi nhận.
Vật chủ của virus Nipah là dơi ăn quả, còn được gọi là cáo bay vì kích thước lớn của chúng, là loài mang mầm bệnh tự nhiên của virus Nipah. Chúng có thể truyền virus cho các loài động vật khác bao gồm lợn, chó, mèo, dê, ngựa và cừu.
Các dấu hiệu và triệu chứng là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các triệu chứng của virus Nipah thay đổi từ không triệu chứng đến nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và – ở mức độ tồi tệ nhất – viêm não, tình trạng sưng tấy các mô hoạt động trong não có thể gây tử vong.
Những người bị nhiễm bệnh có thể bị đau họng, sốt, đau đầu và đau cơ. Nếu tình trạng nhiễm trùng tiến triển, họ sẽ cảm thấy chóng mặt và thay đổi ý thức có thể là dấu hiệu của bệnh viêm não.
Thời gian bắt đầu xuất hiện các triệu chứng từ 4 đến 14 ngày sau khi phơi nhiễm và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị hoặc vaccine ngừa virus Nipah và bệnh nhân chỉ được chăm sóc y tế hỗ trợ.
Virus Nipah có trở thành mối đe dọa mới?
Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 1999 trong một đợt bùng phát dịch bệnh ở những người chăn nuôi lợn. Kể từ đó, có nhiều đợt bùng phát ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, khiến khoảng 260 người tử vong.
Một đợt bùng phát dịch bệnh ở Bangladesh năm 2004 liên quan đến việc người mắc bệnh sử dụng nhựa cây chà là chứa virus Nipah từ những con dơi ăn quả bị nhiễm bệnh. Đợt bùng phát cuối cùng ở Ấn Độ vào năm 2018 tại bang Kerala đã khiến 17 người trong số 18 người nhiễm virus tử vong. Những ca lây nhiễm đều liên quan tới những con dơi ăn quả được tìm thấy đã chết trong giếng nước của một gia đình.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng, khí hậu ấm lên và con người phá hủy môi trường sống tự nhiên của các loài động vật như dơi ăn quả ở châu Á sẽ tạo cơ hội để các loại virus lây truyền từ động vật xuất hiện.
Trong ghi chú về virus Nipah, WHO cảnh báo về “nguy cơ virus lây truyền sang các nước khác thông qua trái cây hoặc các sản phẩm làm từ trái cây như nước ép chà là, bị nhiễm nước tiểu hoặc nước bọt từ dơi ăn quả nhiễm bệnh”. WHO cũng khuyến cáo có thể ngăn chặn lây nhiễm virus bằng cách rửa kỹ và gọt vỏ trái cây trước khi sử dụng và nên vứt bỏ những quả có dấu hiệu bị dơi cắn./. (NTD)