Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì sao bạn thường thức giấc vào nửa đêm? 4 vấn đề trong cơ thể, hãy cảnh giác


Con người dành 1/3 cuộc đời để ngủ, nhưng không phải ai cũng có thể ngủ ngon giấc. Một số người thường xuyên thức giấc vào nửa đêm, trằn trọc và rất khó ngủ lại. Rốt cuộc, nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì?

Con người dành 1/3 cuộc đời để ngủ, nhưng không phải ai cũng có thể ngủ ngon giấc. Một số người thường xuyên thức giấc vào nửa đêm, trằn trọc và rất khó ngủ lại. Rốt cuộc, nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Hình Pxhere

Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, sự căng thẳng về tinh thần tăng lên tỷ lệ thuận với tỷ lệ mắc chứng rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ không chỉ liên quan chặt chẽ đến chứng kém tập trung, suy giảm trí nhớ, rối loạn lo âu, trầm cảm và các bệnh tâm thần khác mà còn có mối quan hệ trọng yếu với nhiều bệnh mãn tính phổ biến như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, sa sút trí tuệ, béo phì và rối loạn chức năng miễn dịch.

Rõ ràng, rối loạn giấc ngủ đã trở thành “sát thủ kinh niên” ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vậy bạn có thuộc nhóm bị rối loạn giấc ngủ hay không, hay tự kiểm tra dựa trên các tiêu chí dưới đây:

  • Khó đi vào giấc ngủ, thời gian vào giấc dài hơn ​​30 phút;
  • Trong đêm, thức dậy từ 2 lần trở lên;
  • Thức giấc sớm, chất lượng giấc ngủ kém, tổng thời gian ngủ dưới 6,5 giờ/ngày;
  • Rối loạn chức năng ban ngày (bao gồm giảm năng lượng, mệt mỏi, buồn ngủ, cảm xúc khó chịu hoặc kích động, v.v.)

4 vấn đề có thể gây ra tình trạng thức giấc vào nửa đêm

Khó vào giấc đã đủ khổ, ngủ rồi nhưng lại hay thức giấc vào lúc 3-4 giờ sáng còn khổ hơn.

Trong y học, người ta gọi đây là tình trạng “mất ngủ ngắt quãng”, là một loại rối loạn giấc ngủ. Thực ra, đột ngột thức dậy vào nửa đêm có thể do 4 vấn đề trong cơ thể.

– Tiểu đêm

Uống quá nhiều nước hoặc đồ uống khác vào ban đêm sẽ làm tăng tần suất đi tiểu vào ban đêm, làm giấc ngủ bị gián đoạn và thức dậy vào giữa đêm.

Tuy nhiên, nếu bạn không uống nhiều nước mà vẫn thường xuyên thức dậy vào nửa đêm và đi tiểu nhiều hơn 3 lần, thì đây là triệu chứng bất thường, có thể liên quan đến bệnh thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo hoặc các bệnh liên quan khác.

– Suy gan thận

Theo lý luận của y học cổ truyền, chứng mất ngủ chủ yếu là do gan thận hư gây ra. Gan tàng huyết, thận tàng tinh, hai kinh chuyển hóa tinh và huyết để phối hợp âm dương.

Trong đó, gan chi phối tình cảm và ý chí, khi gan suy nhược, vận khí không thông suốt thì khí sẽ suy nhược, tâm thần mất ngủ, ban đêm dễ mộng mị, trằn trọc. Thận tinh không đủ sẽ dẫn đến rối loạn chức năng hệ thần kinh não bộ, mất ngủ, hay quên và các vấn đề khác.

– Chứng mất trí nhớ

Thức dậy liên tục vào giữa đêm có thể là kết quả của chứng mất trí nhớ, một chứng rối loạn thoái hóa thần kinh làm suy yếu nhịp sinh học, làm gián đoạn giấc ngủ và thường xuyên thức giấc vào nửa đêm.

Hơn nữa, bệnh nhân sa sút trí tuệ nhạy cảm hơn với các kích thích bên ngoài, dễ bị ảnh hưởng do các yếu tố như tiếng ồn, ánh sáng.

– Căng thẳng tinh thần cao

Trong xã hội hiện đại, chúng ta phải đối mặt với nhiều áp lực tinh thần khác nhau như áp lực công việc, áp lực học tập, áp lực gia đình… Khi áp lực đó quá tải sẽ kích hoạt các phần não bộ liên quan đến sự chú ý hay hưng phấn, dẫn đến tình trạng mất ngủ. Mất ngủ tương tác với cảm xúc, trên lâm sàng, mất ngủ thường kèm theo lo lắng và trầm cảm.

Làm thế nào để cải thiện chất lượng giấc ngủ? Tìm hiểu 3 thủ thuật để có giấc ngủ ngon

Giấc ngủ ngon đóng vai trò sống còn đối với sức khỏe. Đối với những người bị rối loạn giấc ngủ, có thể cải thiện từ những khía cạnh sau.

1. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ngủ nghỉ

Người bị mất ngủ trước tiên phải thiết lập thời gian làm việc và nghỉ ngơi điều độ, duy trì thời gian ngủ như nhau mỗi ngày, hình thành đồng hồ sinh học ổn định.

Thứ hai, tránh các hoạt động quá khích, kích thích trước khi đi ngủ, hạn chế xem các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, hạn chế uống rượu, trà, cà phê đậm đặc…

Trước khi đi ngủ, bạn có thể tắm nước nóng, ngâm chân… giúp thư giãn cơ thể và tinh thần.

2. Tạo môi trường ngủ thoải mái

Độ cao của gối, độ mềm và cứng của nệm giường, ánh sáng và nhiệt độ đều ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nên cố gắng chọn chăn ga gối đệm làm từ chất liệu thoáng khí như cotton nguyên chất, lụa, sợi tre, vải lanh, đồng thời giữ nhiệt độ phòng mát hơn, nói chung là 18~22°C là nhiệt độ tương đối thoải mái.

Ngoài ra, cố gắng không tiếp xúc với ánh sáng trước khi đi ngủ và trong khi ngủ, vì ánh sáng sẽ ức chế quá trình tiết melatonin và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Do đó, tắt đèn và kéo rèm có thể tạo môi trường ngủ tốt cho chính bạn.

3. Luyện tập thư giãn

Các bài tập thư giãn và thiền định có thể trau dồi khả năng thư giãn của cơ thể và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Lấy phương pháp thở “478” làm ví dụ, trước khi ngủ, ngồi thẳng lưng trên giường, nhấn đầu lưỡi vào vòm miệng, ngậm miệng, hít vào bằng mũi (đếm đến 4), nín thở (đếm đến 7), sau đó thở ra bằng miệng (đếm đến 8), lặp lại 4 lần. (T/H, NTD)