Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vắc-xin Covid-19 của Pfizer có hiệu quả với biến thể virus ở Anh

Theo kết quả của các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm được công bố ngày 20/1, vắc-xin ngừa Covid-19 do Pfizer và BioNTech phát triển có khả năng chống lại biến thể virus SARS-COV-2 được phát hiện ở Anh.

Các kết quả đáng khích lệ này có được từ cuộc thử nghiệm sâu rộng hơn so với kết quả được Pfizer công bố tuần trước.

Nghiên cứu tuần trước do Pfizer tiến hành trong phòng thí nghiệm cho thấy vắc-xin có hiệu quả chống lại một đột biến quan trọng mang tên N501Y được tìm thấy trong cả hai biến thể mới có khả năng lây lan cao đang lan rộng ở Anh và Nam Phi.

Còn nghiên cứu lần này được thực hiện trên một loại virus tổng hợp có 10 đột biến đặc trưng của biến thể mang tên B117 được xác định ở Anh.

Trong số 11 tác giả của nghiên cứu có hai vợ chồng bác sĩ Ugur Sahin và Oezlem Tuereci, đồng sáng lập BioNTech. Ông Sahin là Giám đốc điều hành và vợ ông là Tuereci là Giám đốc y tế của BioNTech.

Nghiên cứu mới này cung cấp thêm hy vọng khi số lượng người chết do Covid-19 kỷ lục được báo cáo hàng ngày ở Anh, nguyên nhân được cho là do biến thể dễ lây lan hơn. Điều đó cũng có nghĩa là việc phát triển vắc-xin sẽ không phải bắt đầu lại từ đầu.

Nhưng nghiên cứu cho biết, việc theo dõi virus SARS-CoV-2 cần được tiến hành liên tục để kiểm tra xem vắc-xin có bảo vệ được trước những biến đổi của virus hay không.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã lấy mẫu máu từ 16 người tham gia được tiêm chủng trong các thử nghiệm lâm sàng trước đó và đã được tiếp xúc với một loại virus tổng hợp có tên là pseudovirus được thiết kế để có các protein bề mặt giống như B117 với 10 đột biến đặc trưng.

Các kháng thể trong máu của những người tình nguyện được tiêm vắc-xin đã vô hiệu hóa pseudovirus một cách hiệu quả như phiên bản virus SARS-CoV-2 cũ hơn mà vắc-xin ban đầu được thiết kế để chống lại.

BioNTech cho biết, trong vài ngày tới, họ sẽ công bố phân tích chi tiết về tác dụng của vắc-xin đối với biến thể virus ở Nam Phi. (N/D)