Uống cà phê khi đói có thể gây ung thư thực quản
Với nhiều người, cà phê là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nhưng theo một số nghiên cứu, uống cà phê khi bụng đói không phải là một ý hay.
Cà phê là thức được ưa chuộng, có thể biến tấu đa dạng. Tuy nhiên, việc thưởng thức loại hạt này cũng cần lưu ý, nhằm tránh gây nguy hại tới sức khỏe.
Uống cà phê khi đói gây trào ngược acid dạ dày
Khi bạn ăn hay uống, cơ thắt thực quản dưới sẽ mở ra để thức ăn hoặc đồ uống từ thực quản đi vào dạ dày, van này sẽ đóng lại sau đó.
Theo Hiệp hội Nội soi Tiêu hóa của Mỹ, cà phê làm giãn cơ thắt thực quản dưới khiến cơ quan này không đóng hoàn toàn, tạo điều kiện cho acid dạ dày đi ngược lên thực quản, gây nên chứng trào ngược acid.
Marvin Singh, Giám đốc Khoa tiêu hóa Tích hợp tại Viện Sức khỏe Tích hợp Susan Samueli, cho biết: “Cà phê làm tăng nguy cơ ợ chua vì nó kích thích acid trong dạ dày”.
Cũng theo ông Singh, trào ngược acid mạn tính có thể dẫn đến viêm thực quản và nếu không được điều trị, bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Một nghiên cứu khác vào tháng 9/2020 trên Tạp chí Tiêu hóa và Gan mật Lâm sàng, đã yêu cầu người tham gia thay cà phê bằng nước lọc, kết quả chứng trào ngược acid giảm rõ rệt.
Nguyên nhân là cà phê có độ pH thấp, vì vậy mang tính acid. Khi bạn uống cà phê, một lượng lớn acid sẽ hấp thụ vào cơ thể. Nếu không có thức ăn, lượng acid này sẽ gây ra chứng ợ chua và một số tình trạng khác của dạ dày.
Theo Livestrong, ăn thực phẩm có tính kiềm như trứng, bánh mì hoặc yến mạch cùng với cà phê sẽ là cách hữu hiệu giúp cân bằng lượng acid mà cà phê tạo ra.
Làm tăng đường huyết
Một nghiên cứu vào 6/2020 trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh chỉ ra uống cà phê đen trước bữa sáng làm giảm đáng kể khả năng kiểm soát lượng đường huyết của cơ thể.
Khả năng này giúp giảm các nguy cơ mắc bệnh về chuyển hóa như tiểu đường và bệnh tim. Cũng theo nghiên cứu, những người có ăn sáng trước khi uống cà phê thường có mức đường huyết ổn định hơn người không ăn sáng.
Cảm thấy bồn chồn
Chất caffeine từ cà phê thấm vào cơ thể trong trung bình 45 phút và tác động mạnh nhất từ khoảng 15 phút đến 2 giờ sau khi uống, theo Đại học Sức khỏe Cộng đồng Harvard T.H.
Caffeine gây nên cảm giác lo lắng, bồn chồn hay tỉnh táo cho cơ thể tùy thuộc vào gen của người uống nhưng cách bạn uống cũng đóng vai trò quan trọng.
Nếu bạn là người có xu hướng bồn chồn sau khi uống cà phê, việc để bụng đói khi uống càng làm tăng cảm giác này. Một số gợi ý là bạn hãy pha một tách cà phê với nửa lượng cà phê trong đó không chứa caffeine hoặc uống chậm hơn.
Tiến sĩ Singh nói: “Uống một tách cà phê trong một giờ sẽ giúp giảm thiểu lượng caffeine mà bạn nạp vào cùng một lúc”.
Cuối cùng, hạn chế lượng caffeine nạp vào bằng cách chỉ nên tiêu thụ 200 mg caffeine tương đương 2 tách cà phê mỗi ngày và uống nhiều nước, vì cà phê có xu hướng “đốt cháy” nước trong cơ thể nhiều hơn.
Những gợi ý trên cũng sẽ hữu hiệu nếu bạn đang áp dụng chế độ nhịn ăn gián đoạn mà vẫn muốn uống cà phê.
Thời điểm uống cà phê tốt nhất
Buổi sáng muộn và sau bữa sáng sẽ là thời gian lý tưởng để uống 1 tách cà phê. Theo Đại học Y khoa Michigan, mức cortisol, một loại hormone giúp bạn tỉnh táo, đạt đỉnh vào khoảng 7 giờ sáng.
Vì vậy, trừ khi thiếu ngủ, bạn sẽ cảm thấy đầy năng lượng vào sáng sớm. Một tách cà phê khi lượng cortisol bắt đầu giảm vào cuối buổi sáng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn đồng thời giảm rủi ro của việc dư thừa cortisol.
Theo Healthline và Medicoverhospital, uống cà phê vào lúc lượng cortisol còn cao có thể đẩy hormone này đến mức dư thừa, gây ra các vấn đề sức khỏe, bao gồm mất xương, huyết áp cao, tiểu đường type 2 và bệnh tim.
Ngoài ra, bạn không nên uống cà phê sau 2 giờ chiều vì có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.
Nghiên cứu trên Tạp chí Y học Giấc ngủ Lâm sàng chỉ ra tiêu thụ 400 mg caffeine tương đương 4 tách cà phê 6 giờ trước khi ngủ làm giảm 1 giờ ngủ vào ban đêm. (Z/N)