Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc-TQ tranh cãi việc cung cấp vắc-xin cho đảo quốc 9 triệu dân

Úc bác bỏ cáo buộc của chính phủ và truyền thông Trung Quốc nói nước này can thiệp vào việc triển khai vắc-xin của Bắc Kinh ở Papua New Guinea.

Australia - Trung Quốc tranh cãi việc cung cấp vaccine cho đảo quốc 9 triệu dân - 1
Nhân viên y tế tại một điểm tiêm chủng ở Papua New Guinea. (Hình Guardian)

Xung đột về ngoại giao vắc-xin đánh dấu thêm một rạn nứt mới trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Úc. Vốn mâu thuẫn đã leo thang từ năm ngoái khi Canberra kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19.

Vào tháng 3, Úc trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp vắc-xin cho Papua New Guinea khi đảo quốc Thái Bình Dương này tăng vọt ca mắc COVID-19. Tính tới hiện tại, Canberra viện trợ cho Papua New Guinea gần 30,000 liều vắc-xin AstraZeneca.

Trong khi đó, Bắc Kinh đánh tiếng về việc cung cấp vắc-xin cho quốc đảo ở Thái Bình Dương từ tháng 2. Nhưng quốc gia này không phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc-xin do Trung Quốc sản xuất cho tới tháng 5. 

Hôm 23/6, Papua New Guinea tuyên bố nhận 200,000 liều vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất. Chính phủ Papua New Guinea cho biết ban đầu số vắc-xin này sẽ được cung cấp cho công dân Trung Quốc tại nước này.

Trong bài xã luận mới đây, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc buộc Canberra “cài” các chuyên gia tư vấn của Úc ở Papua New Guinea để “phá hoại hợp tác vắc-xin của Trung Quốc với các quốc đảo Thái Bình Dương”.

Tờ này khẳng định Úc “ngấm ngầm” tìm cách trì hoãn việc Papua New Guinea phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc-xin của Trung Quốc và “đe dọa các quan chức cấp cao của Papua New Guinea hoan nghênh vắc-xin của Trung Quốc”. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân ủng hộ cáo buộc này của Hoàn cầu Thời báo, nói thêm rằng Bắc Kinh “bày tỏ quan ngại và kiên quyết phản đối” điều mà ông mô tả là “hành vi vô trách nhiệm” của Úc.

“Ai đó ở Úc đang sử dụng vắc-xin để thao túng, bắt nạt và ép buộc chính trị. Việc thờ ơ với cuộc sống và sức khỏe của người dân ở Papua New Guinea đi ngược lại với tinh thần nhân đạo cơ bản, làm gián đoạn tình hình chung của cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu. Đây là hành động đạo đức giả và vô trách nhiệm”, ông Vương nói trong cuộc họp báo hôm 5/7.

Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Úc Zed Seselja gay gắt bác bỏ cáo buộc này trong chuyến thăm tới Papua New Guinea. 

“Khi nói đến việc triển khai vắc-xin, chúng tôi chỉ tập trung vào việc đảm bảo chúng tôi đang hỗ trợ nhiều nhất có thể. Nếu các gia khác muốn hỗ trợ, điều đó thật tuyệt vời. Chúng tôi giải quyết vấn đề này với thiện chí và chúng tôi sẽ tiếp tục làm những điều có lợi cho khu vực và cho Papua New Guinea”, ông Seselja nói hôm 6/7. 

Về phần mình, Bộ trưởng Kế hoạch Papua New Guinea Rainbo Paita cảm ơn sự giúp đỡ của cả Trung Quốc và Úc giúp đối phó với đại dịch.

Các quan chức Úc từng nhiều lần bày tỏ quan ngại chính sách ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc có thể đi kèm với các ràng buộc.

Trong cuộc họp báo hôm 5/7, ông Vương bác bỏ cáo buộc này, khẳng định Trung Quốc đã làm hết sức mình “để giúp các nước đang phát triển cứu sống thêm nhiều sinh mạng vô tội”. 

“Chúng tôi không có mục đích địa chính trị hay ràng buộc chính trị nào đối với việc cung cấp vắc-xin của chúng tôi”, ông Vương nói. 

Papua New Guinea, quốc gia 9 triệu dân hiện ghi nhận 17,000 ca mắc COVID-19 và 173 người chết. Các chuyên gia cho rằng số liệu thực tế cao hơn nhiều so với các con số thống kê này do thiếu hụt về xét nghiệm tại đảo quốc Thái Bình Dương. (VTC)