Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Phạt tới 50 triệu AUD: Úc sửa đổi Đạo luật chống lừa đảo trực tuyến


Nhằm giảm thiểu những thiệt hại ngày càng gia tăng do lừa đảo, Úc đã tiến hành sửa đổi Đạo luật Chống lừa đảo trực tuyến, buộc các ngân hàng, hãng truyền thông, nền tảng mạng xã hội phải thắt chặt hơn nữa việc quản lý và ngăn chặn các nội dung lừa đảo với mức phạt lên tới 50 triệu đô-la Úc (AUD).

Trợ lý Tổng trưởng Ngân khố Úc Stephen Jones khẳng định tính cấp thiết của việc thắt chặt chính sách quản lý chống lừa đảo. Hình SHM

Theo Bộ Tài chính Úc, Đạo luật chống lừa đảo sửa đổi sẽ gia tăng các biện pháp bảo vệ người dân Úc trước nguy cơ ngày càng gia tăng các vụ lừa đảo tài chính thông qua tin nhắn và mạng xã hội hiện nay.

Theo đó, tất cả các hãng truyền thông, viễn thông, nền tảng mạng xã hội (như facebook, X, Istagram…) và cả các ngân hàng đều sẽ phải thắt chặt các quy tắc bảo vệ người sử dụng và sàng lọc nội dung, tài khoản có dấu hiệu tội phạm lừa đảo, đồng thời có biện pháp ngăn chặn phát tán kịp thời. Các ngân hàng cũng được yêu cầu tham gia các hoạt động tăng cường bảo mật thông tin và tài khoản khách hàng.

Theo Trợ lý Tổng trưởng Tài chính Úc Stephen Jones, các ngân hàng, mạng di động và công ty truyền thông xã hội không hành động một cách có hệ thống trước các âm mưu gian lận nhằm lừa đảo khách hàng sẽ phải đối mặt mức phạt lên tới 50 triệu AUD. Các ngân hàng có thể bị buộc phải hoàn lại tiền cho khách hàng bị mất tiền do lừa đảo nếu không xác nhận rõ là đã áp dụng các biện pháp cần thiết và có khuyến cáo lừa đảo cho khách hàng.

Úc sửa đổi Đạo luật chống lừa đảo trực tuyến.

Các nền tảng truyền thông xã hội, ngân hàng và nhà mạng viễn thông phải có kế hoạch phòng chống lừa đảo, dịch vụ cảnh báo và hỗ trợ khác hàng trước các dấu hiệu lừa đảo, đồng thời báo cáo các vụ lừa đảo ngay khi phát hiện.

Theo Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc, hàng năm, người dân Úc phải chịu thiệt hại ít nhất 2.7 tỷ AUD do lừa đảo tài chính. Người dân thường bị tấn công bởi các trò lừa đảo như tin nhắn văn bản có đường dẫn tới các trang web lừa đảo, các chương trình đầu tư giả mạo trên mạng xã hội và các cuộc gọi điện thoại từ tội phạm giả danh là nhân viên của các cơ quan chính phủ hoặc các công ty lớn. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Úc đã ghi nhận khoảng 601,000 báo cáo lừa đảo như vậy.

Phản ứng trước quyết định này của Chính phủ Úc, nhiều công ty công nghệ như Meta, Google, Snap, TikTok và Yahoo … đã phản đối việc Úc áp đặt các quy tắc chống lừa đảo trực tuyến vốn khó có thể kiểm soát và chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức của các khách hàng cá nhân. (T/H, VOV)