Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc liệu có thể thay thế Hoa Kỳ ở Afghanistan?

Có một trường phái tư tưởng cho rằng quan hệ quốc tế là một trò chơi theo quy luật bù trừ: nếu anh thắng, thì tôi thua. [Có lẽ] không nơi nào chứng thực điều này đúng hơn trường hợp Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan.

Các binh lính Taliban đứng gác bên trong phi trường Quốc tế Hamid Karzai sau khi Hoa Kỳ rút quân ở Kabul, Afghanistan vào hôm 31/08/2021. (Hình AP)

Theo lập luận bù trừ này, “người thua cuộc” hiển nhiên là Hoa Kỳ. Nhưng ai là kẻ chiến thắng? Tất nhiên rồi, là Taliban, nhưng liệu các quốc gia khác cũng có thể giành được gì khi Mỹ rút lui khỏi Afghanistan?

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể là một kẻ chiến thắng trong tất cả những chuyện này. Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào mà việc Hoa Kỳ rút quân lại tạo nên một “chiến thắng” cho Bắc Kinh.

Ở một mức độ nào đó, khoảng trống địa chính trị do Hoa Kỳ để lại đã tạo ra một lỗ hổng tự nhiên cho Trung Cộng tràn vào Afghanistan và Trung Á. Trung Cộng có những lợi ích rõ ràng trong khu vực này.

Trung Quốc mong muốn đưa Afghanistan vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là Một vành đai, một con đường), nhằm xây dựng các tuyến đường sắt và đường bộ xuyên quốc gia này với Iran, Vùng Vịnh, và Trung Đông. Trung Quốc và Afghanistan, cùng với Iran, Tajikistan, và Kyrgyzstan đã là đối tác trong sáng kiến “Đường sắt năm quốc gia” nhằm liên kết các quốc gia này vào một hành lang đường sắt tích hợp.

Về mặt an ninh nội địa, Bắc Kinh cũng muốn giảm thiểu khả năng Taliban kích hoạt các hoạt động chống Trung Cộng của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Vì lý do này, Trung Quốc cũng đang xây dựng một căn cứ quân sự ở khu vực Badakhshan của Afghanistan, gần với biên giới Afghanistan-Trung Quốc.

Đây chỉ là một vài điều trong bản danh sách mong muốn của Trung Cộng. Nhưng đổi lại họ có thể làm được gì cho Taliban?

Lợi ích tiềm năng về kinh tế từ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng lớn như đường sắt là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những đóng góp lớn nhất của Trung Quốc cho Taliban có thể chủ yếu liên quan đến quân sự và an ninh.

Ngay từ đầu, như đã được công bố rộng rãi, Taliban đã thừa hưởng một kho vũ khí quân sự khổng lồ do Hoa Kỳ và lực lượng an ninh Afghanistan để lại. Chúng bao gồm vũ khí trị giá hàng triệu dollar của Hoa Kỳ như: trực thăng Blackhawk, cường kích cơ A-29 và C-208, xe bọc thép M-113, xe Humvees, cùng rất, rất nhiều vũ khí và đạn dược cỡ nhỏ.

trung quốc thay thế mỹ
Một cảnh sát bán quân sự Trung Quốc đứng gác bên ngoài đại sứ quán Afghanistan ở Bắc Kinh hôm 16/08/2021. (Hình AFP/Getty)

Đồng thời, vẫn còn rất nhiều thiết bị của Nga trước đây vốn còn sót lại từ thời Liên Xô chiếm đóng trong kho vũ khí của Afghanistan, đặc biệt là trực thăng Mi-17 với tên hiệu NATO là “Hip,” xe tăng T-55, và súng trường tấn công AK-47.

Không phải tất cả thiết bị này đều có thể sử dụng được hoặc [chúng] sẽ không sử dụng được lâu. Trước khi rời đi, quân đội Hoa Kỳ đã “phi quân sự hóa” — tức là, [loại bỏ] rất nhiều xe cộ và phi cơ đã bị hư hại không thể sử dụng được nữa. Một số phi cơ đã được đưa ra khỏi đất nước này trước khi Taliban chiếm được Kabul. Và nếu không được bảo dưỡng đúng cách, hiệu quả quân sự của trực thăng, cường kích cơ, và xe bọc thép gần như ngay lập tức sẽ bắt đầu giảm xuống.

Nhưng đây là điều giúp Trung Quốc có thể khiến bản thân trở nên rất hấp dẫn đối với Taliban. Bắc Kinh có thể đề nghị bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị trong kho vũ khí Afghanistan, đào tạo binh lính và phi công, đồng thời hỗ trợ Taliban về tình báo và hậu cần. Trung Quốc đã chế tạo những phi cơ Mi-17 theo giấy phép của Nga và nước này có thể bảo dưỡng các loại xe tăng và xe bọc thép của Liên Xô cũ. Nước này cũng vận hành các phiên bản dân sự của Blackhawk và có thể giúp bảo dưỡng những chiếc trực thăng đó ở Afghanistan.

Trung Quốc cũng có thể cung cấp đạn cối, đạn pháo, và đạn dược, tất cả đều tương thích với thiết bị của Nga.

Nếu Taliban không thể hoặc không muốn sử dụng một số thiết bị còn sót lại, Trung Quốc có thể tạo điều kiện thuận lợi để bán những mặt hàng này trên thị trường vũ khí chợ đen toàn cầu. Chỉ riêng việc bán phụ tùng đã có thể giúp thu về hàng triệu dollar.

Sau cùng, Trung Quốc có thể vớ được món hời về mặt công nghệ bằng cách thâm nhập vũ khí Hoa Kỳ. Phần lớn thiết bị mà lực lượng an ninh Afghanistan sử dụng không phải là công nghệ cao, và người Trung Quốc có lẽ đã sở hữu các vũ khí có chất lượng tương đương. Tuy nhiên, có khả năng vẫn còn một số thiết bị bị bỏ lại mà Trung Quốc có thể khai thác về mặt công nghệ.

Một trong số đó là Wolfhound, hệ thống phát hiện hướng vô tuyến cơ động, nhẹ, và chắc chắn. Nó được thiết kế để dễ sử dụng tại chiến trường và có độ chính xác cao.

Một loại khác là phi cơ không người lái (UAV) ScanEagle. Tất nhiên, quân đội Trung Quốc đã vận hành một số UAV, nhưng ScanEagle là một phương tiện nhỏ gọn và có độ bền cao, có khả năng tác chiến khắc nghiệt trên bộ và thậm chí được trang bị cho các tàu nhỏ.

trung quốc thay thế mỹ
Chiếc trực thăng Black Hawk trên bầu trời Kabul ở Afghanistan. (Hình AP)

Cuối cùng, Trung Quốc có thể muốn nghiên cứu cường kích cơ A-29 của Afghanistan. A-29 là một phi cơ có động cơ tuabin cánh quạt hạng nhẹ do Brazil thiết kế, Hoa Kỳ chế tạo, nhằm mục đích bay “thấp và chậm.” Điều này khiến nó rất hữu dụng trong các hoạt động chống nổi loạn. Người Trung Quốc có thể muốn chia nhỏ ra để thu thập bất kỳ công nghệ hữu ích nào có thể.

Dĩ nhiên, tất cả những điều này làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan của việc bán vũ khí ra ngoại quốc: Hãy lưu tâm đến việc quý vị [đang] xuất cảng [vũ khí] cho ai, bởi vì vũ khí của quý vị có thể sẽ rơi vào tay kẻ thù của quý vị.

Tất nhiên, không có kết quả nào trong số này là chắc chắn. Người Afghanistan nổi tiếng khó tính khi nói đến người ngoài, như người Anh, Liên Xô, và Mỹ đã được trải nghiệm. Có một câu ngạn ngữ về người Afghanistan: “Quý vị có thể mướn một người Afghanistan, nhưng quý vị không thể mua chuộc họ.” Người Trung Quốc có thể là những người tiếp theo học được bài học này. (ETV)